5 bất cập giáo dục tại cơ sở, Bộ cần có biện pháp mạnh

29/01/2019 06:49
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Đừng phát động nhiều cuộc thi, đừng bắt giáo viên phải làm quá nhiều sổ sách, kế hoạch nhưng lại chẳng có tác dụng gì, chỉ gây thêm ức chế cho người thầy.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách vừa qua được các giáo viên dưới cơ sở đồng tình ủng hộ.

Song, thực tế ngành giáo dục một số địa phương không chỉ lạm dụng hồ sơ sổ sách nên Bộ cần phải chấn chỉnh thêm nhiều thứ khác để tạo sự công bằng trong giáo dục và dẹp bỏ những hạn chế, bất cập đang diễn ra ở các trường học.

Bởi, ai cũng biết, những cuộc họp vô bổ, những mớ hồ sơ, sổ sách vô tác dụng và nhiều cuộc thi chồng chéo của học sinh hiện nay cần nhanh chóng được chấn chỉnh để môi trường giáo dục bớt đi những áp lực không cần thiết.

Bớt đi những áp lực để thầy chuyên tâm vào giảng dạy, trò yên tâm vào việc học tập văn hóa ở trên lớp và tham sinh hoạt các hoạt động ngoài giờ nhằm nâng cao hiệu quả học tập.

Đừng phát động nhiều cuộc thi, đừng bắt giáo viên phải làm quá nhiều sổ sách, kế hoạch nhưng lại chẳng có tác dụng gì, chỉ gây thêm ức chế cho người thầy.

Ngoài chuyện hồ sơ, sổ sách, Bộ cần chấn chỉnh thêm để giảm áp lực cho giáo viên. ( Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Ngoài chuyện hồ sơ, sổ sách, Bộ cần chấn chỉnh  thêm để giảm áp lực cho giáo viên. ( Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Thứ nhất: Phong trào thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay còn rất nhiều hạn chế, tiêu cực. Người ra đề- ôn thi- chấm thi còn khá phổ biến.

Vì vậy, dẫn đến tình trạng không công bằng trong việc chấm chọn học sinh giỏi, gây bất mãn cho nhiều giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi ở các nhà trường.

Chính vì thế, Bộ cần có hướng dẫn cụ thể sự việc này. Nghiêm cấm tình trạng giáo viên vừa ôn thi học sinh giỏi lại đi chấm thi học sinh giỏi. Việc điều động giáo viên đi chấm thi phải là giáo viên không liên quan gì đến việc ôn thi, ra đề mới tạo được sự đồng thuận của dư luận.

Nếu vẫn tổ chức phong trào như hiện nay thì “cá vẫn về ao lớn” dẫn đến lãng phí tiền ngân sách và công sức của đa số giáo viên tham gia ôn thi học sinh giỏi mà không phát huy được ý nghĩa của kỳ thi.

Việc làm này không khó, thậm chí là rất đơn giản bởi giáo viên dạy các lớp cuối cấp hiện nay rất nhiều trong từng trường học.

Sở, Phòng chỉ cần điều động những người không liên quan đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đi chấm sẽ thay đổi kết quả ngay tức thì và tạo nên động lực phấn đấu, tham gia của các trường học.

Làm công bằng, khách quan, minh bạch thì dù học sinh có đậu hay rớt cũng không có những lời thị phi, đàm tiếu, những thất vọng và cả những bất bình như hiện nay.

Thứ hai: Phong trào viết Sáng kiến kinh nghiệm phải được giao cho những người cùng chuyên môn, có kinh nghiệm viết, giảng dạy chấm và đánh giá. Nếu được, có thể không đề tên người viết, tên đơn vị trên bìa Sáng kiến kinh nghiệm.

5 bất cập giáo dục tại cơ sở, Bộ cần có biện pháp mạnh ảnh 2Giáo viên chúng tôi hoan nghênh Bộ

Khi cấp trường nộp lên trên, lãnh đạo Phòng, Sở có thể mã hóa bằng các ký hiệu và đánh số như đánh số báo danh của học sinh thi để tránh tình trạng người chấm nhìn mặt, nhìn đơn vị xét giải.

Lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục cũng cần hạn chế “ôm” việc chấm Sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay.

Bởi, đa phần họ đã làm lãnh đạo quá lâu, phương pháp, nội dung kiến thức trong từng môn học được giáo viên đề cập trong Sáng kiến kinh nghiệm thì nhiều lãnh đạo không nắm được.

Thậm chí có người được phân công chấm trái chuyên môn nhưng vẫn làm “trọng tài” phán xét người này đậu, người kia rớt thì đó là cách làm cảm tính, không khoa học và nó giống như chuyện “thầy bói xem voi”, không hơn không kém.

Thứ ba: Việc giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên phải được thực hiện đồng bộ giữa các cấp với nhau.

Chứ Bộ ra Chỉ thị mà mỗi cấp dưới địa phương lại yêu cầu thêm những loại hồ sơ, sổ sách theo ý chủ quan của mình thì Chỉ thị của Bộ cũng sẽ vô tác dụng. Tư tưởng quản lý bằng hồ sơ, sổ sách đã quá lạc hậu và thể hiện sự yếu kém của người quản lý.

Bộ đã quy định giáo viên 4 loại hồ sơ, sổ sách thì trường cần chấp hành nghiêm túc. Tránh tình trạng cái gì cũng phải làm bởi tư tưởng “thừa còn hơn thiếu” của các Ban Giám hiệu nhà trường đang khá phổ biến.

Nhiều lãnh đạo đơn vị sợ cán bộ thanh tra nên không dám nêu quan điểm với lãnh đạo, thanh tra viên cấp trên về những loại hồ sơ sổ sách vô bổ, họ thấy cán bộ thanh tra góp ý cái gì là tuân theo cái đó dù biết nó không phù hợp, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Thứ tư: Cần chấn chỉnh, thay đổi hình thức, nội dung tập huấn cho giáo viên phổ thông hiện nay. Những gì hình thức, những gì không thiết thực cần gỡ bỏ để giáo viên tập trung cho giảng dạy.

Thực tế, việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn dưới cơ sở rất nhiều nhưng những chuyên đề tập huấn lại không mới, thậm chí là có những chuyên đề tập huấn đến mấy lần trong một khoảng thời gian gần nhau.

Làm như vậy, chỉ tốn kém thời gian giáo viên, tốn tiền ngân sách mà không phát huy được hiệu quả.

Nhiều chuyên viên Sở thấy môn khác có tập huấn, môn mình cũng phải tập huấn nên cứ đề nghị để mở lớp nhưng nội dung tập huấn lại lặp những nội dung cũ xì.

Nên đa phần các buổi tập huấn hiện nay là yêu cầu các trường làm bài tập trước để đến buổi tập huấn lên báo cáo và góp ý cho nhau. Làm như vậy để làm gì khi triệu tập hàng trăm con người đi tập huấn mà vào chỉ góp ý vài ba câu vô thưởng vô phạt?

Có những đợt tập huấn, Sở mời chuyên viên tỉnh khác về bồi dưỡng về lý thuyết, sau đó điều động hàng trăm giáo viên trong tỉnh đến địa phương đó thực tế mấy ngày trời mà chỉ dự 1 tiết thực hành của đơn vị bạn thì có phải tập huấn để…tiêu tiền hay không?

Tiền thuê xe cho giáo viên, tiền thuê khách sạn, tiền công tác phí… Mỗi người phải chi phí một khoản tiền không hề nhỏ mà tập huấn xong về chẳng thấy có gì mới để áp dụng cho việc giảng dạy!

Điều mà giáo viên thấy không đồng tình là các môn học hiện nay được “tích hợp” quá nhiều thứ. Hàng chục loại “tích hợp” như vậy liệu có còn là đặc trưng của môn học nữa hay không?

5 bất cập giáo dục tại cơ sở, Bộ cần có biện pháp mạnh ảnh 3Giảm áp lực giáo viên, Bộ quyết tâm nhưng có địa phương vẫn ngó lơ

Vì vậy, đổi mới công tác tập huấn, đổi mới nội dung, hình thức tập huấn trong thời gian tới đây là cần thiết.

Nhất là để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, Bộ cần có những định hướng cụ thể cho lãnh đạo ngành giáo dục của các địa phương chấn chỉnh công tác tập huấn, bồi dưỡng hiện nay để hạn chế những bất cập.

Thứ năm: Việc họp hành hiện nay của các trường đang còn bị lạm dụng ở rất nhiều đơn vị.

Có những buổi chiều, giáo viên chúng tôi phải dự họp đến 3 cuộc họp: Họp tổ trưởng, họp chủ nhiệm, họp hội đồng sư phạm nhà trường. Họp từ 13h30 đến 17h30 liên miên như vậy mà nội dung lại na ná như nhau.

Mệt mỏi, chán ngán mà cuối cùng cũng chỉ vài nội dung chẳng có gì quan trọng.

Đáng lẽ ra chỉ cần 1 cuộc họp tổ trưởng sau đó đến khi họp tổ chuyên môn thì các tổ trưởng phổ biến cho giáo viên là xong. Nhưng, không hiểu sao lãnh đạo trường lại…thích họp nhiều đến thế?

Giải phóng thời gian cho giáo viên là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Khi mà thế giới đã bước vào thời kỳ 4.0, khi mà hàng ngày chúng ta cứ kêu gọi mọi người thay đổi để hội nhập để giảm những áp lực hành chính.

Vậy nhưng, một số lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương, các nhà trường vẫn áp dụng cách quản lý máy móc, lạc hậu, không dám đột phá và giảm tải cho giáo viên thì thử hỏi bao giờ ngành giáo dục nước nhà mới khởi sắc đây?

Vì vậy, giáo viên dưới cơ sở chúng tôi rất mong Bộ cần có thêm những “Chỉ thị chấn chỉnh” nữa để thay đổi những trì trệ, bất cập của ngành càng sớm càng tốt.

NGUYỄN NGUYÊN