Nửa cuối tháng Giêng 2019, trên truyền thông bỗng nhiên xôn xao câu chuyện xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy phương án xã hội hóa cơ sở này của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi là hoàn toàn đúng đắn, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-TƯ năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đây cũng là chủ trương đúng đắn của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi.
Những băn khoăn về xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng trên truyền thông chủ yếu đến từ thầy Hiệu trưởng - Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ.
Vì sao phải xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng?
Trường Đại học Phạm Văn Đồng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập ngày 7/9/2007 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và Trường Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi.
Giai đoạn 1 dự án xây dựng Trường Đại học Phạm Văn Đồng đến năm 2014 mới hoàn thành, năm 2016 quyết toán tổng kinh phí 307.840.940.000 đồng.
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ (giữa) trong buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng ngày 3/4/2018. Tạp chí Văn Hiến dẫn lời ông Chữ chỉ đạo, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cần khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới toàn diện theo cơ chế thị trường. Ảnh: quangngai.gov.vn. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, hiện nay Trường có 2 cơ sở với tổng diện tích gần 30 ha; tổng số cán bộ, viên chức, lao động 320 người, trong đó có 258 người trong biên chế. Kinh phí ngân sách hoạt động mà tỉnh cấp cho Trường Đại học Phạm Văn Đồng năm 2018 là 25 tỷ đồng, năm 2019 là 24 tỷ đồng.
Năm học 2017 - 2018, trường đang đào tạo theo 3 hình thức chính quy, liên thông và vừa học vừa làm với 6.670 học sinh, sinh viên, học viên.
Ngoài ra, trường còn liên kết với 16 trường đại học, học viện, trung tâm trong cả nước mở 48 lớp hệ đào tạo đại học, 10 lớp cao học, với 3.200 sinh viên theo học.
Cứ theo như đánh giá của thầy Nguyễn Đăng Vũ, thì hoạt động đào tạo của Trường Đại học Phạm Văn Đồng đang rất ổn, đảm bảo chất lượng rất tốt.
Nhưng đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và sinh viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng lại khác.
Báo Dân Việt ngày 25/1 dẫn lời chị Cao Thị Phương Trang - cựu sinh viên Cao đẳng Sư phạm khóa 11 (năm 2011-2014), chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, cho biết:
"Tỷ lệ từ 80-90% sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm, mà lãnh đạo trường đã trả lời báo chí em không rõ.
Nhưng 33 sinh viên của lớp em sau khi ra trường, hiện chỉ có 2 người xin và được tuyển làm đúng ngành học, còn lại là đi làm công nhân và các công việc khác".
Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ nhận định, hoạt động của trường hiện nay còn quá nặng nề về bao cấp, thiếu tính cạnh tranh với thị trường, thiếu tính cạnh tranh với các trường đại học khác.
Do đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng ngày 3/4/2018, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi chỉ đạo: Việc cần làm ngay đó là trường khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới toàn diện theo cơ chế thị trường.
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ băn khoăn điều gì?
Ngày 24/1, Báo Dân Việt dẫn lời thầy Nguyễn Đăng Vũ, cho biết:
"Nếu thực hiện chủ trương xã hội hóa thì phải giao cho trường chủ động xây dựng, đề xuất phương án nhưng tỉnh lại quyết định rồi ra văn bản giao cho trường phải thực hiện, bản thân tôi thấy không đúng và khó hiểu".
Ngày 12/1/2018 phái đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ngãi và 3 lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng bao gồm thầy Nguyễn Đăng Vũ (thứ ba từ phải sang trái) đã có chuyến thăm và làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo của Tập đoàn Nguyễn Hoàng, sau chuyến thăm này Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi mới có chỉ đạo cụ thể mời Nguyễn Hoàng Group đầu tư xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: hiu.vn. |
Ngày 25/1, Báo Dân Việt dẫn lời thầy Nguyễn Đăng Vũ, cho biết:
"Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã xây dựng và gửi cho Sở Nội vụ, trình chính quyền tỉnh phê duyệt Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trường Đại học Phạm Văn Đồng.
Khi nào được tỉnh phê duyệt thì trường sẽ tổ chức thực hiện theo đề án đã xây dựng...".
Chúng tôi chưa được thực mục sở thị bản đề án mà lãnh đạo Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã xây dựng và gửi cho Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, nên rất tò mò không biết các thầy sẽ xã hội hóa như thế nào, nếu không để tư nhân tham gia?
Quan trọng hơn là theo thầy Nguyễn Đăng Vũ, phải xã hội hóa như thế nào mới đúng?
Tìm hiểu cách làm xã hội hóa của thầy khi còn trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Quảng Ngãi, có thể thấy được ít nhiều cách tiếp cận khác của thầy Vũ.
Trước khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ có 8 năm làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi. Trên cương vị này, ông không lạ gì với hoạt động xã hội hóa và vai trò của doanh nghiệp tư nhân.
Ở đây, chúng tôi chỉ xin dẫn ra 2 ví dụ về cách làm xã hội hóa của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ trên cương vị Giám đốc Sở.
Một là xã hội hóa sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, đã từng vướng rất nhiều về cơ chế, như kết luận ngày 31/12/2014 của Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi thời kỳ thầy Nguyễn Đăng Vũ làm Giám đốc, đã tham mưu để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ra quyết định thu hồi, giao gần 5.000 m2 đất xung quanh phía ngoài của Bảo tàng tỉnh này cho một doanh nghiệp thuê trong thời hạn 49 năm, làm Dự án Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi (giai đoạn 1).
Hình ảnh đồ họa Công viên Phạm Văn Đồng trong đề án mới của Nguyễn Hoàng Group về xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã trình lãnh đạo tỉnh. Nguồn: NHG. |
Hai là câu chuyện xã hội hóa trục vớt cổ vật trên con tàu đắm ở thôn Châu Thuận Biển xã Bình Châu huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi năm 2013.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí ngày 29/1/2013, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết chính Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã thương thảo và ký hợp đồng với doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa.
Toàn bộ kinh phí tổ chức trục vớt do doanh nghiệp ứng và chi trả. Sau khi trục vớt thành công cổ vật, tỉ lệ ăn chia là Nhà nước 33%, doanh nghiệp 67%.
Không có doanh nghiệp tham gia, ngân sách nhà nước không kham nổi khoản kinh phí khổng lồ trục vớt cổ vật.
Qua hai ví dụ này có thể thấy, muốn xã hội hóa văn hóa, giáo dục hay lĩnh vực nào đi nữa, thì không thể phủ nhận vai trò, đóng góp của doanh nghiệp, nhà đầu tư tư nhân. Chính thầy Nguyễn Đăng Vũ đã làm như vậy trong lĩnh vực văn hóa.
Hơn nữa, phương án xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi kêu gọi nhà đầu tư trực tiếp đầu tư vào giáo dục, là bước ngoặt nền tảng hướng tới sự phát triển về chất trong nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo và giảm gánh nặng biên chế lẫn ngân sách.
Xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng hoàn toàn không làm thay đổi bản chất hoạt động giáo dục - đào tạo sang hoạt động kinh doanh khác.
Vậy tại sao thầy Nguyễn Đăng Vũ còn băn khoăn với hoạt động xã hội hóa mà ông đã rất quen thuộc trên cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi?
Phải chăng do quán tính của một lãnh đạo đã quen với quản lý hành chính nhà nước nên muốn vấn đề nào cũng phải có tiếng nói của lãnh đạo, vẫn muốn giữ vai trò "chủ đạo" trong khi bản chất của xã hội hóa là chuyển mô hình quản trị từ nhà nước sang tư nhân?
Trong bài viết tới, chúng tôi xin quay trở lại câu chuyện chính, làm thế nào xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng đúng đắn và hiệu quả.