Năm vừa qua rộ lên hiện tượng giáo viên bạo hành học sinh, cô giáo ra lệnh học sinh tát bạn không chỉ một nơi mà diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước.
Trong xã hội có những người phản đối việc này nhưng cũng có người cho rằng cần phải nghiêm khắc, duy trì giáo dục hà khắc để dạy học sinh nên người.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.
Theo thầy Nguyễn Văn Hòa thì quan điểm giáo dục hà khắc bây giờ không còn ý nghĩa, hoàn toàn không phù hợp với thời đại mới (ảnh Trinh Phúc). |
Thầy Hòa cho rằng: “Quan điểm giáo dục hà khắc là rơi rớt, tàn dư của giáo dục thời phong kiến”.
Lý giải cho nhận định của mình, theo thầy Hòa, trong chế độ phong kiến và chế độ thực dân thì người dân luôn được giáo dục để chấp hành, tuân lệnh theo lệnh của vua và quan lại.
Người ta gọi dân là dân đen.
Đó là nền giáo dục hà khắc, roi vọt, vô cùng nghiêm khắc.
Nền giáo dục ấy coi trọng kỷ cương, tôn thờ những điều được cho là "khuôn vàng thước ngọc, những điều mà loài người phải học hỏi và ông cho rằng, nền giáo dục với quan điểm hà khắc đó đã lỗi thời.
Cũng theo thầy Hòa, xã hội ngày càng phát triển, con người được tôn trọng, tôn vinh. Nhiệm vụ của giáo dục là phát triển con người xứng đáng với vị trị được tôn trọng, tôn vinh.
Cứ áp lực, nhồi nhét kiến thức thì học trò ra đời sẽ ngớ ngẩn |
Thầy giáo này nhấn mạnh rằng: “Đặc biệt, phải bảo vệ trẻ em, tôn trọng trẻ em. Giáo dục phải khích lệ, phải là bệ đỡ để phát triển những mầm non.
Ngay cả, những mầm mống phát triển chưa lộ rõ thì giáo dục cũng phải khám phá, tìm tòi, phát hiện, khuyến khích để những tố chất đó phát triển.
Cho nên, quan điểm giáo dục hà khắc bây giờ không còn ý nghĩa, hoàn toàn không phù hợp với thời đại mới.
Thời đại này là thời đại tiên tiến, hiện đại, dân chủ, thời đại của quyền con người, thời đại trẻ em được tôn trọng, phải được chăm lo, tạo điều kiện để phát triển.
Tôi hoàn toàn không tán thành quan điểm giáo dục hà khắc, ngay cả sự nghiêm khắc cũng không muốn dùng”.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội thì giáo dục phải làm một cách nghiêm túc chứ không phải là nghiêm khắc và ông ví dụ: “Ở trường tôi, lâu nay không dùng chữ kỷ luật nữa.
Nếu có kỷ luật thì phải gắn với kỷ luật tự giác. Những quy định này do chính học sinh suy nghĩ và đề xuất. Chính học sinh tự đề ra cho mình những điều các con cần phải làm để các con nên người”.
Chia sẻ thêm, thầy Hòa nêu: “Trong giáo dục không nên tạo ra kỷ luật mang tính áp đặt bắt mọi người phải tuân theo và nếu muốn học sinh làm điều gì thì nên có phương pháp để học sinh tự nhận thức và tự đề ra.
Tất cả những gì tự giác của học sinh thì sẽ có hiệu quả, những gì áp đặt giáo dục hà khắc sẽ luôn tạo ra cho học sinh nỗi sợ hãi”.
Quan điểm của thầy Hòa: “Nếu cứ duy trì giáo dục hà khắc từ bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ gieo vào đầu học sinh nỗi sợ hãi.
Nỗi sợ hãi ấy luôn luôn là ám ảnh làm cho học sinh cảm thấy thiếu tự tin, không dám mạnh dạn đề xuất ý tưởng của mình, không dám làm gì cả nếu không có người khác chỉ dẫn, yêu cầu, bắt phải làm.
Điều này sẽ làm thui chột sự mạnh dạn, tự tin đặt biệt khả năng sáng tạo của học sinh”.
Vị này lo lắng: “Giáo dục mà theo cách hà khắc chỉ tạo ra con người tuân thủ thôi.
Mấy chục năm nay giáo dục nước ta vẫn duy trì cách dạy học trò biết ngoan, vâng lời, tạo nên những con người biết tuân thủ không tạo ra những con người biết tự khẳng định mình, biết phát triển cá nhân mình và tạo ra con người sáng tạo”.
Cuối cùng vị này khẳng định: “Xã hội bây giờ cần những con người sáng tạo chứ không phải con người tuân thủ.
Nếu xã hội mà sau này đào tạo những con người tuân thủ, ngoan, vâng lời, chỉ biết chấp hành tốt kỷ luật, không có sự sáng tạo, kỷ luật, không biết tự khẳng định mình, không biết phát huy cá nhân mình, không dám nói, không dám làm điều mình nghĩ thì làm sao xã hội phát triển được”.