Tại sao tiền Tết cho giáo viên mỗi nơi một khác?

01/02/2019 07:00
THANH AN
(GDVN) - Việc giáo viên được chi thu nhập tăng thêm sẽ vẫn là đề tài còn được nói nhiều trong những năm tới đây bởi mỗi địa phương, mỗi trường có mỗi cách chi khác nhau

Đến thời điểm này, việc giáo viên ở các trường học công lập có được thưởng Tết, nhận tiền thu nhập tăng thêm hay không thì tất cả đã được quyết định xong xuôi hết cả rồi.

Bởi, đa phần các trường học trong cả nước đã nghỉ học và các chế độ lương, thưởng của giáo viên cũng đã được giải quyết xong.

Tất nhiên, giáo viên những địa phương được thưởng, được chia thu nhập tăng thêm sẽ có nhiều niềm vui nhiều hơn bởi họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, mua sắm trong những ngày Tết đến, xuân về.

Song, tiền thu nhập tăng thêm lấy từ nguồn tiền nào, giáo viên được nhận hàng chục triệu đồng, liệu các hoạt động giáo dục của nhà trường có đảm bảo hay không là điều mà dư luận quan tâm nhất.

Tiền thu nhập tăng thêm cao cũng còn nhiều băn khoăn ( Ảnh minh họa: vov.vn)
Tiền thu nhập tăng thêm  cao cũng còn nhiều băn khoăn  ( Ảnh minh họa: vov.vn)

Theo dõi quá trình thưởng Tết, chúng ta cũng thấy còn rất nhiều những băn khoăn khi có địa phương thì giáo viên được thưởng và chia thu nhập tăng thêm hàng chục triệu đồng, nơi chỉ vài ba trăm nghìn, thậm chí là không có.

Ai cũng biết là theo quy định thì hàng năm ngành giáo dục không có quỹ để chi tiền thưởng Tết cho giáo viên đang công tác trong trong các trường công lập.

Khoản thu nhập tăng thêm hàng năm mà các trường chi cho giáo viên thật ra là khoản kinh phí dư cuối năm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Hàng năm, căn cứ vào khoản tiền kinh phí ngân sách cấp về các đơn vị, nếu cuối năm mà kinh phí còn dư thì nhà trường mới chia thu nhập tăng thêm  cho giáo viên.

Tiền thu nhập tăng thêm này thường phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chi tiêu của Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường.

Theo thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì địa phương được lĩnh khoản tiền thu nhập tăng thêm cao nhất là giáo viên ở thành phố Hồ Chí Minh.

Có những giáo viên của địa phương này được nhận số tiền lên đến 40 triệu đồng (tùy vào mức độ hoàn thành công việc), giáo viên các trường vùng ven thành phố cũng có mức thu nhập tăng thêm dao động từ 20-30 triệu đồng.

Thành phố Đà Nẵng cũng có mức thưởng khá cao, cộng cả tiền thưởng của địa phương, của nhà trường thì giáo viên nhiều trường có mức thu nhập tăng thêm và thưởng Tết từ 10-13 triệu đồng.

Nếu tính theo thu nhập lương chính của giáo viên thì rõ ràng số tiền này cũng bằng mấy tháng lương chính của người thầy. Đây quả thực là điều đáng mừng cho đội ngũ giáo viên ở đây nhưng có lẽ vẫn khiến nhiều người có nỗi niềm khác nhau.

Tại sao tiền Tết cho giáo viên mỗi nơi một khác? ảnh 2Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giáo viên Sài Gòn có tiền Tết vài chục triệu đồng

Vẫn biết, các trường học công lập ở thành phố Hồ Chí Minh có những đặc thù riêng so với các nơi.

Ngoài tiền tiết kiệm từ kinh phí của nhà nước cấp thì thường có thêm các loại tiền dịch vụ khác nữa, cùng với mức hỗ trợ Tết của chính quyền địa phương cũng cao hơn nhiều những tỉnh thành khác.

Vì vậy, chuyện thu nhập tăng thêm cho giáo viên cao ngất ngưởng âu cũng là lẽ thường tình. Nhưng, thu nhập tăng thêm lên đến ba bốn chục triệu đồng thì quả là số tiền rất lớn đối với giáo viên bởi nhiều nơi, người thầy khi nghĩ về thưởng Tết vẫn là một… giấc mơ rất dài.

Ta thử hình dung, nếu là trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông loại II thôi thì số lượng giáo viên, nhân viên của nhà trường sẽ có số lượng ít nhất là 50 người.

Nếu tính bình quân mỗi người ở những trường được nhận tiền thu nhập tăng thêm là 30 triệu thì số lượng người nhân với số tiền đã lên đến 1,5 tỉ đồng. Số tiền này chắc chắn rất lớn so với kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước.

Đó cũng là lý do đã có nhiều bài viết băn khoăn liệu một số trường chi mức thu nhập tăng thêm cho giáo viên “khủng” như vậy có ảnh hưởng đến những đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị và đầu tư cho các hoạt động giáo dục của nhà trường hay không?

Nhiều giáo viên ở một số tỉnh có mức thưởng và chi thu nhập tăng thêm vào dịp Tết Nguyên đán rất thấp. 

Chẳng hạn như giáo viên ở Quảng Nam có mức thưởng Tết dao động từ 100- 300 nghìn đồng, thậm chí có nơi không có đồng nào như giáo viên một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc thì chúng ta sẽ thấy nhiều điều suy ngẫm.

Nhiều trường, tuyệt nhiên không có chuyện chi thu nhập tăng thêm, quà Tết cho giáo viên chỉ là món quà nhỏ từ tổ chức Công đoàn nhà trường.

Có nhiều người đặt câu hỏi là những trường được nhận tiền thu nhập tăng thêm nhiều là do nhà trường ít chi cho hoạt động chuyên môn, chi cho đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học.

Những trường nhận được ít hoặc không có là do đầu tư nhiều, tham gia phong trào lắm. Xin thưa, hoàn toàn không phải như vậy.

Đã là trường học công lập cùng một cấp học trên một địa bàn với nhau thì cùng một cơ chế phân bổ ngân sách giống nhau, phong trào thi đua của ngành là chung tất cả.

Sở, Phòng phát động phong trào nào thì giáo viên, học sinh trong toàn địa bàn bắt buộc phải cùng tham gia chung.

Các phong trào thi đua của giáo viên thì phần lớn giáo viên tự lo, nếu xa thì trường cấp thêm vài chục nghìn tiền công tác phí. Nếu là học sinh thì thuê một chiếc xe ô tô cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền vì quãng đường thường không quá xa.

Tuy nhiên, việc tính toán các khoản kinh phí hoạt động cũng đều đã được dự trù ngày từ những ngày đầu tiên của năm mới (dương lịch) nên không thể lý giải trường này tham gia ít, trường khác tham gia nhiều.

Hơn nữa, kế hoạch hoạt động của ngành cũng thường có kế hoạch từ đầu năm học.

Vậy vì sao lại có địa phương, trường học thưởng nhiều và ít?

Thứ nhất là do cơ chế cho phép của từng địa phương. Mặc dù được hướng dẫn rất rõ trong Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ nhưng mỗi địa phương có mỗi quy chế sử dụng kinh phí khác nhau.

Tại sao tiền Tết cho giáo viên mỗi nơi một khác? ảnh 3Cũng là giáo viên nhưng nơi thưởng chục triệu nơi chỉ có 0 đồng

Có địa phương quy định tiền thừa thì nhập vào kinh phí cho năm tiếp theo, có địa phương thì cho phép các trường chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên.

Nhưng, phần lớn các địa phương cho chia khoản tiền thừa. Vấn đề là kinh phí của trường có còn để chia cho giáo viên hay không mà thôi?

Thứ hai là kinh phí hoạt động vừa hay thừa vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cách chi tiêu của Hiệu trưởng và Kế toán nhà trường. Có người đặt câu hỏi là tại sao lại phụ thuộc vào lương tâm của 2 vị này? Nhưng, thực tế ở các trường học là như vậy.

Một số Hiệu trưởng nhà trường năm nào cũng vẫn lặp lại điệp khúc “hết kinh phí” mỗi khi vào dịp gần Tết Nguyên đán.

Chuyện hết tiền kinh phí của trường nếu được thực hiện công khai, minh bạch thì hết cũng là chuyện rất bình thường đối với giáo viên.

Nhưng, đa phần các nhà trường hiện nay chưa minh bạch, chưa công khai tài chính trước giáo viên. Kinh phí hàng năm, hàng tháng đối với giáo viên được chi như thế nào giáo viên gần như không hay biết.

Hàng năm, kế hoạch chi tiêu nội bộ của nhà trường không được bàn bạc, Hiệu trưởng chỉ thông báo trước hội đồng sư phạm nhà trường là năm nay được cấp bao nhiêu tiền từ ngân sách về.

Còn chi cho từng hoạt động trong năm ra sao thì các đoàn thể và giáo viên không được biết.

Thứ ba là nếu chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên mỗi người một triệu đồng thì chỉ cần giữ lại các khoản hoa hồng trong năm thì thừa sức để chi. Bởi, đa phần các trường hiện nay có số lượng khoảng 50 người trở lại.

Chỉ có một số trường loại I mới có số lượng trên con số lượng trên 50 người. Nhưng, hoa hồng là một khoản tiền giáo viên cũng không hề hay biết nó đi đâu, về đâu? Nên chuyện chi thu nhập tăng thêm cuối năm của giáo viên nhiều trường vẫn luôn không có.

Việc giáo viên được chi thu nhập tăng thêm vẫn sẽ là đề tài còn được nói nhiều trong những năm tới đây bởi mỗi địa phương, mỗi trường có mỗi cách chi tiêu khác nhau.

Nhưng, làm sao các cơ quan chức năng phải hướng các trường tới tính tương đối ở trong cùng một địa phương, một địa bàn với nhau. Hơn nữa, tiền đó nhất thiết phải là tiền chi các hoạt động giáo dục còn dư thừa, nếu không chi, cố tình “tiết kiệm” để chia cho nhau là điều đáng trách vô cùng.

Công tác tài chính cũng cần được thanh, kiểm tra nhiều hơn để mỗi trường có những khoản tiết kiệm chính đáng nhằm quan tâm đến giáo viên trong trường, nhất là những giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.

THANH AN