Tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu và cái giá của lòng tham

30/01/2019 06:09
Tùng Dương
(GDVN) - Đã có rất nhiều trường hợp cơ trưởng, tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ vì vận chuyển hàng lậu, hàng cấm... và cái giá họ phải trả không hề nhỏ.

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Lê Thị Ngọc Mai sinh năm 1973, ở quận Ba Đình, Hà Nội 8 năm tù về tội buôn lậu vàng. Mai vi phạm pháp luật khi đang là tiếp viên của hãng của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Trong thời gian làm tiếp viên, Mai biết vài công ty tại HongKong bán vàng trang sức có giá thấp hơn giá vàng tại Việt Nam. Do đó từ năm 2014, Mai đã mua vàng tại HongKong đưa về Việt Nam bán kiếm lời.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Mai vận chuyển vàng theo đường hàng không quá cảnh qua Thái Lan, sau đó mới đưa về Việt Nam. Mai biết được vận chuyển hàng từ Thái Lan vào Việt Nam sẽ ít bị kiểm tra hơn.

Số vàng trang sức bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Số vàng trang sức bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Để phát triển đường dây buôn lậu kim loại quý, cựu nữ tiếp viên hàng không còn lôi kéo cả những người thân thích, họ hàng cùng tham gia.

Đó là Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1959 (anh rể), Bùi Xuân Thanh sinh năm 1969 (em họ), Lê Trung Khánh sinh năm 1961(anh trai), Hoàng Thu Giang sinh năm 1972 (vợ Khánh).

Hoàng Văn Thắng sinh năm 1973 (em họ), Chu Thanh Long sinh năm 1990 (cháu ruột), tất cả các đồng phạm trên đều bị truy tố tội buôn lậu.

Mỗi khi có khách tại Việt Nam đặt hàng đủ về số lượng, chủng loại vàng trang sức, Mai sẽ bỏ tiền ra mua rồi phân công nhiệm vụ cho từng người. Bị cáo là người trực tiếp chọn mẫu, bán hàng, thu chi và trả công cho từng người tham gia vận chuyển.

Trong khi đó, Khánh và Long được phân công sang Hong Kong nhận hàng và vận chuyển về Thái Lan. 

Còn Thắng, Tuấn, Thanh đợi sẵn ở Thái Lan và chia vàng ra để vận chuyển bằng cách dùng băng dính quấn vàng quanh bụng.

Với thủ đoạn trên, đầu tháng 8/2017, Mai chỉ đạo Giang đặt mua vàng trang sức với số tiền lên đến gần 23 tỷ đồng của một công ty tại Hong Kong.

Sau đó, ngày 20/8/2017, Khánh và Long đi máy bay sang Hong Kong để nhận vàng và vận chuyển về Thái Lan.

Ngày 25/8/2017, tại sân bay Bang Kok (Thái Lan), các đồng phạm của Mai chia nhỏ số vàng trang sức ra thành 5 phần, rồi dùng băng dính quấn quanh bụng để đưa về nước.

Tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu và cái giá của lòng tham ảnh 2

Phi công buôn lậu, lãnh đạo Vietnam Airlines có trách nhiệm gì?

Tối cùng ngày, khi 5 người thân trong đường dây buôn lậu vàng của Mai nhập cảnh vào Việt Nam từ Thái Lan tại Sân bay quốc tế Nội Bài thì bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện.

Theo định giá, tổng số vàng mà Chu Thanh Long, Lê Trung Khánh, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Văn Thắng và Bùi Xuân Thanh quấn quanh bụng bị thu giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài xấp xỉ 20 tỷ đồng.

Ngoài lần buôn lậu bị bắt quả tang, cựu nữ tiếp viên hàng không Lê Thị Ngọc Mai còn khai :“Trước đó bị cáo này đã nhiều lần đặt mua vàng trang sức tại Hong Kong rồi chuyển về Việt Nam”.

Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định cựu tiếp viên hàng không Lê Thị Ngọc Mai 8 năm tù. Các bị cáo liên quan lần lượt bị áp dụng từ 4 tháng tù cho hưởng án treo đến 3 năm 6 tháng tù giam.

Hình phạt dành cho cựu nữ tiếp viên của Vietnam Airlines là cái giá của lòng tham và cũng sẽ là bài học lớn dành cho nhiều người khác.

Điều đáng bàn đây không phải là vụ đầu tiên nhân viên của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) buôn lậu vàng.

Trước đó ngày 27/7/2016 vợ chồng nữ tiếp viên Hoàng Thị Ngọc Anh (Vietnam Airlines) cũng bị bắt khi giấu 80 lượng vàng đưa sang Hàn Quốc.

Vợ chồng tiếp viên Ngọc Anh khai nhận mang số vàng này sang Hàn Quốc bán trót lọt sẽ được lãi hơn 20 triệu đồng, nhưng cơ quan điều tra xác định phi vụ trót lọt thì tiền lãi là hơn 100 triệu đồng.

Vợ chồng nữ tiếp viên Hoàng Thị Ngọc Anh bị bắt giữ vì buôn lậu vàng.
Vợ chồng nữ tiếp viên Hoàng Thị Ngọc Anh bị bắt giữ vì buôn lậu vàng.

Vào năm 2015, cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong trên chuyến bay Hà Nội - Pusan ngày 10/3 cũng mang trong người 6 kg vàng nhưng không khai báo, đã bị hải quan tạm giữ tại sân bay Gimhae (Pusan, Hàn Quốc).

Giữa tháng 11/2009, khi chuyến bay hành trình Seoul (Hàn Quốc) - Hà Nội chuẩn bị cất cánh, lực lượng hải quan sân bay Incheon phát hiện trong hành lý xách tay của 3 tiếp viên (Vietnam Airlines)  có 20 lượng vàng.

Lần này tiếp viên đã móc nối với thợ máy, giấu vàng tại ghế ngồi của máy bay, còn lần trước, phi công đã buộc vàng vào chân và giấu trong giày.

Vận chuyển hàng hóa của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Ảnh: Vietnam Airlines.
Vận chuyển hàng hóa của hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Ảnh: Vietnam Airlines.

Luật hàng không quy định rất chặt chẽ về hàng hóa vận chuyển bằng máy bay. Tuyệt đối cấm vận chuyển hàng lậu, đặc biệt là với nhân viên của hãng bay nhưng không hiểu vì sao mà tiếp viên, cơ trưởng của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) lại vi phạm liên tục như vậy?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu giao thông nêu quan điểm: “Trong việc cụ thể này nhân viên Vietnam Airlines buôn lậu thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Tổng giám đốc và những người lãnh đạo của Vietnam Airlines”.

Qua những vụ việc như vậy thấy rằng Vietnam Airlines giáo dục nhân viên không đến nơi đến chốn, thiếu tính kỷ luật, thiếu nhân văn, thiếu trách nhiệm với dân tộc

Trong sự việc này cũng vậy, Tổng giám đốc và lãnh đạo của Vietnam Airlines có phần trách nhiệm của người đứng đầu.

Tùng Dương