Đọc bài viết Bộ Giáo dục nên bỏ hẳn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tác giả Hữu Sơn đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 29/1/2019, dù có một số điểm đồng cảm nhưng theo chúng tôi thì Bộ Giáo dục chưa thể bỏ thi tuyển sinh 10 trong lúc này.
Nếu bỏ tuyển sinh 10 để xét tuyển thì chỉ nên là những trường thuộc khu vực khó khăn, nơi mà thí sinh đăng ký dự thi có số lượng ngang bằng hoặc ít hơn số lượng lấy đầu vào.
Những trường trung học phổ thông thuộc khu vực thị thành, khu vực đông dân cư thì việc thi tuyển là cách tuyển chọn công bằng và khách quan nhất. Hơn nữa, nếu không thi thì chất lượng cấp trung học cơ sở sẽ không biết đi về đâu.
Thi tuyển sinh 10 vẫn có nhiều ưu điểm (Ảnh minh họa: Lã Tiến) |
Hiện nay, đa phần các địa phương vẫn duy trì việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 cho các em học sinh cuối cấp trung học cơ sở.
Việc duy trì này dù biết là có tốn kém hơn, thầy cô và cả học trò có áp lực hơn hình thức xét tuyển nhưng thi mới đánh giá tương đối thật được kết quả đào tạo của các nhà trường.
Chúng ta đều biết, việc phân bố học sinh hiện nay không đồng đều về số lượng, chất lượng ở các địa bàn nên những năm qua, có những trường tỉ lệ đăng kí thi rất thấp nhưng có những trường, những địa phương có tỉ lệ chọi rất cao.
Ví dụ như Hà Nội trong năm học 2018-2019 vừa qua chỉ tuyển khoảng 60% thí sinh đăng ký dự thi; thành phố Hồ Chí Minh chỉ tuyển 75 % thí sinh dự thi vào lớp 10 công lập.
Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh mà các tỉnh, thành khác cũng xảy ra hiện tượng cạnh tranh gay gắt khi thi đầu vào lớp 10 ở các trường thành phố, thị xã…
Đặc biệt là tỉ lệ chọi ở các trường chuyên, các trường điểm ở các thành phố, các trường huyện có tỉ lệ chọi và điểm đầu vào tương đối cao, tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt khi các em thi tuyển vào các trường này.
Tuy nhiên, càng điểm cao lại càng có nhiều phụ huynh muốn cho con em mình thi vào bởi phụ huynh nào cũng hy vọng con em mình vào được các trường đó sẽ có tương lai hơn.
Chính vì thế, các kì thi tuyển sinh 10 phần lớn hiện nay là cạnh tranh rất lớn, nhiều trường còn gay gắt, khốc liệt nữa.
Việc tác giả Hữu Sơn đề xuất bỏ thi tuyển sinh 10, theo chúng tôi chỉ có thể là những trường có tỉ lệ đăng kí tuyển sinh bằng hoặc thấp hơn tỉ lệ tuyển đầu vào.
Các trường còn lại nhất thiết phải tổ chức thi để tạo được sự khách quan, công bằng và tạo động lực học tập cho học sinh với các lý do sau:
Thứ nhất, xét học bạ sẽ dẫn đến tình trạng các trường nâng điểm học tập các năm của các em ở cấp trung học cơ sở.
Dù có lý thuyết thế nào đi chăng nữa thì các trường cũng phải lo “uy tín” và tỉ lệ đỗ của học sinh trường mình trước rồi mới nghĩ đến những điều khác.
Những điều như “trung thực”; “khách quan” khi đánh giá chỉ là lý thuyết viển vông mà thôi.
Thứ hai, vì đua nhau nâng điểm sẽ dẫn đến khi xét học bạ không tạo được sự công bằng giữa học sinh trường trung học cơ sở này với trường trung học cơ sở khác. Trường đánh giá nghiêm minh thì tỉ lệ đậu ít, trường đánh giá hời hợt lại có tỉ lệ đỗ cao. Vô tình, sự thua thiệt lại đổ về cho học sinh.
Thứ ba, tỉ lệ học sinh lớp 9 hiện nay phần lớn ở các địa phương cao hơn rất nhiều tỉ lệ tuyển vào lớp 10.
Bởi, bao giờ ngành giáo dục, địa phương cũng có chủ ý phân hóa đối tượng để một số em có thể học nghề, vào học ở các trường ngoài công lập nhằm đáp ứng đúng hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thi cử, sẽ tuyển được những em phù hợp, có chất lượng cao nhất để đào tạo. Đây không chỉ là chủ trương của Đảng, Nhà nước mà cũng là điều cần thiết để định hướng nghề nghiệp của nhiều phụ huynh cho con em mình khi thấy học lực không tốt.
Thứ tư, thực tế ngành giáo dục một số địa phương cũng đã từng thí điểm bỏ thi tuyển sinh 10 thay bằng hình thức xét tuyển và chỉ một vài năm phải vội quay lại thi cử bởi chất lượng quá thấp.
Học sinh bây giờ không nhiều những em có ý thức tự nguyện trong học tập nếu không gắn với một kì thi, một cái đích cụ thể.
Thứ năm, tổ chức thi tuyển sinh 10 cũng là cách đánh giá chính xác nhất các trường trung học cơ sở. Những trường có tỉ lệ đậu thấp sẽ có những biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo.
Các thầy cô được phân công giảng dạy thì cũng phải trau dồi, tìm tòi kiến thức để trang bị cho mình và tìm ra những phương pháp tốt nhất để giảng dạy trên lớp.
Vì những lý do trên mà chúng tôi cho rằng vẫn phải duy trì kì thi tuyển sinh 10. Dù có vất vả, tốn kém thêm một chút nhưng vẫn là điều cần thiết cho bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện tại.
Bỏ kì thi này sẽ mất nhiều hơn được. Vì thế, chúng tôi chỉ tán thành những nơi đặc biệt khó khăn mới thực hiện hình thức xét tuyển.
Còn lại, tổ chức thi là công bằng và khách quan nhất khi đánh giá các trường và quan trọng hơn cả là các trường trung học phổ thông tuyển được những em học sinh tốt nhất cho mình.