Đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 10/2018, Đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Lê Quân đã phát biểu đề xuất thay vì quy định người học hệ cao đẳng phải có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng ta nên áp dụng việc học sinh trung học cơ sở học thẳng lên cao đẳng.
Trước ý kiến này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) cho rằng, theo thông lệ chung hiện nay để hội nhập quốc tế các nước cần tuân theo Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 do UNESSCO ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, đối với tất cả thành viên UNESSCO kể cả Việt Nam.
Theo đó, ISCED chia ra 9 cấp độ, cụ thể:
Cấp độ 0 là cho giáo dục mầm non.
Cấp độ 1 cho tiểu học.
Cấp độ 2 cho trung học bậc thấp tách hai luồng: trung học cơ sở dành cho phổ
thông và một luồng hướng theo nghề (gọi là sơ học nghề).
Cấp độ 3 là cho trung học bậc cao (bên phổ thông là trung học phổ thông, nhánh theo hướng nghề là trung học nghề).
Cấp độ 4 là cho sau trung học phổ thông, dưới đại học.
Cấp độ 5 là cho cao đẳng.
Cấp độ 6 là cho cử nhân và tương đương.
Cấp độ 7 là thạc sĩ.
Cấp độ 8 là cho tiến sĩ.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ rõ, mỗi cấp độ có tiêu chí đánh giá bằng số năm học tích lũy, cấu trúc chương trình…
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để giải quyết bài toán phân luồng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam mới cần được sửa lại trong các luật về giáo dục. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Ngoài ra, ông Khuyến cho biết thêm, đối với khu vực giáo dục đại học, ISCED chia từ cấp độ 5, cao đẳng thuộc về giáo dục đại học.
Trong khi đó, hiện nay, cao đẳng của Việt Nam đang không thuộc giáo dục đại học mà thuộc giáo dục nghề nghiệp.
Như vậy, cao đẳng của Việt Nam đang thấp hơn cấp độ 5 theo tiêu chuẩn phân loại của ISCED.
Tức là, cao đẳng của Việt Nam hiện nay như vậy chỉ tương đương cấp độ 4 của ISCED.
“Nếu chung ta áp dụng việc học sinh trung học cơ sở học thẳng lên cao đẳng là chuyện phản sư phạm bởi lẽ học sinh mới chỉ hoàn thành cấp độ 2 đã được nhảy vọt lên cấp độ 4”, ông Khuyến nhấn mạnh.
Giải thích thêm về ý kiến của mình, ông Khuyến cho rằng, chúng ta có thể đào tạo liền một lúc nhưng người học phải hoàn thành cấp độ thấp thì mới được học tiếp cấp độ cao chứ không thể gộp chương trình của cả hai cấp độ vào để rồi cắt xén, không đáp ứng đủ tiêu chí.
Chưa nói đến việc khi Việt Nam hiện nay còn nặng về bệnh thành tích thì thi cử sau mỗi bậc học là vô cùng cần thiết.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nêu ví dụ, Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay, người học chương trình đại học sau 4 năm lấy bằng cử nhân, sau đó học tiếp 2 năm để lấy bằng thạc sĩ. Tổng thời gian học một lèo kéo dài trong 6 năm để có bằng cử nhân và bằng thạc sĩ nhưng họ tách bạch rõ ràng 4 năm đầu là học chương trình đại học chứ không hề cắt xén và hoàn thành cấp độ này thì mới được học cấp độ cao hơn.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để giải quyết bài toán phân luồng, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam mới cần được sửa lại trong các luật về giáo dục, cụ thể như sau:
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội đề xuất. |
Nếu thực hiện các điểm đề xuất trên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nó sẽ đảm bảo được việc phân luồng học sinh ngay từ sau bậc trung học cơ sở và cũng sẽ không làm mất đi cơ hội học tiếp lên của những người theo hướng học nghề.