Kinh tế Việt Nam tiếp tục có nhiều diễn biến tích cực

01/02/2019 06:00
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Tại phiên họp thường kỳ diễn ra ngày 31/1/2019, Chính phủ đánh giá tháng đầu tiên của năm 2019 có nhiều sự kiện rất sôi động, nhiều tin vui.

Đó là thành công của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tại đấu trường Asian Cup 2019 (Việt Nam trở thành một trong 8 đội bóng đá nam mạnh nhất châu Á), cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 vừa qua, với một niềm hy vọng cho một năm mới 2019 tiếp tục thành công hơn nữa trên mọi phương diện.

Cũng trong tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ.

Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong năm mới, với thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam tháng 1/2019 có nhiều diễn biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN
Kinh tế Việt Nam tháng 1/2019 có nhiều diễn biến tích cực. Ảnh minh họa: TTXVN

Cũng trong tháng 1, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01.

Ngày 18/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian.

Việc chế tạo và phóng thành công vệ tinh MicroDragon có ý nghĩa rất lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho ngành vũ trụ Việt Nam.

Bên cạnh các sự kiện trên, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy tình hình kinh tế xã hội tháng 1/2019 tiếp tục diễn biến tích cực.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 , cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Đây chính là chỉ dấu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đang được tiếp tục trong năm 2019.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).

Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô).

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ với mức 1,9%, trong đó trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018.

Tỷ giá, lãi suất ổn định. Trong 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.

Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN.

Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).

Đỗ Thơm