Cuộc lột xác của thành phố trong mây
Vừa trở về từ chuyến du ngoạn Sa Pa cùng gia đình, chị Huyền Mai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn chưa khỏi ngỡ ngàng vì vùng đất này thay đổi ngoài sức tưởng tượng của chị.
“Đến Sa Pa cách đây 4 năm, tôi chỉ biết ghé thăm Núi Hàm Rồng, bãi đá cổ Sa Pa và chợ Tình là hết tour.
Ấn tượng về du lịch Sa Pa chỉ là những trẻ em, người lớn đeo bám khách để mời chào mua hàng lưu niệm. Khách sạn nhỏ tự phát, dịch vụ cũng chỉ đơn giản là cung cấp phòng ngủ.
Sa Pa giờ khác rồi, ai cũng có thể lên đỉnh Fansipan ngắm mây vờn đỉnh núi. Ai có tiền thì nghỉ hẳn khách sạn 5 sao. Quan trọng là dịch vụ, cách phục vụ du khách chuyên nghiệp hơn hẳn”.
Sun World Fansipan Legend. |
“Đến những khách sạn sang trọng như Hotel de la Coupole thì khỏi nói rồi, nhân viên dễ thương hết sức, cảm giác mình được chăm bẵm đến chân tơ kẽ tóc. Nhưng ngay cả đến những khu du lịch như Sun World Fansipan Legend, tôi cũng bất ngờ.
Người Sa Pa giờ đây biết làm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp, không kém nhiều điểm du lịch quốc tế”, chị Mai nói thêm.
Không phải mình chị Mai có nhận định như thế về cung cách làm dịch vụ du lịch, và sự trưởng thành của chính những người dân bản địa vùng cao, nhờ du lịch phát triển.
Gặp những nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên nhà hàng… ở Sun World Fansipan Legend, mới thấy, du lịch giống như một liệu pháp giúp lột xác những con người xưa nay chỉ biết có làm nương, lên rẫy…
Trưởng thành bởi vì du khách khó tính
Vi Thị Ngọc Quỳnh (dân tộc Tày, đến từ Yên Bái) giờ là nhân viên chăm sóc khách hàng của Sun World Fansipan Legend. Ngày mới đến khu du lịch, Quỳnh không nghĩ mình có thể nhẫn nại đến thế, trước những vị khách khó tính hơn … “mẹ chồng”.
“Nghề của em là … nghe mắng chị ạ”, Quỳnh cười, nụ cười như chưa bao giờ tắt ở Sun World Fansipan Legend - nơi mỗi du khách đến đều được chào đón bằng sự tươi tắn, nồng hậu ấy.
Vi Thị Ngọc Quỳnh, dân tộc Tày, đến từ Yên Bái. |
Quỳnh không nói ngoa, khách vắng mà không xử lý nhanh, cũng mắng. Khách đông, chờ lâu, cũng mắng. Khách làm sai quy trình lại mắng nhân viên ở đây.
Nhưng tuyệt nhiên, Quỳnh bảo: “Chúng em không được phép bực tức. Đó là nguyên tắc của người làm dịch vụ du lịch. Nhờ làm việc ở đây mà em từ một đứa nóng nảy, bồng bột đã thay đổi hẳn tính tình.
Giờ thì em trưởng thành lắm rồi, và đôi lúc nghĩ, làm du lịch giống như một cái duyên trời đã định với em”.
Cũng như Quỳnh, Lục Thị Chuyền – cô gái người dân tộc Tày đến giờ vẫn chưa quên tâm trạng căng thẳng và lo lắng tột độ khi một lần khách kêu ca vì bị phục vụ nhầm món ăn, khiến cô “lĩnh đủ” những lời mắng mỏ, trách móc.
Thật may, dù chị khách mắng xối xả, Chuyền vẫn nhẫn nại xin lỗi, không hề bực tức hay tỏ thái độ với khách cho tới khi chị khách nguôi giận.
“Lúc đó, người em nóng bừng. Thật sự, em chưa bao giờ bị mắng mỏ tới mức đó. Nhưng làm dịch vụ, em không thể vì một phút nóng giận mất khôn mà làm mất đi hình ảnh chuyên nghiệp, mến khách của khu du lịch”, Chuyền kể.
Tôi hiểu Chuyền không nói quá lên việc đó, bởi bất cứ nhân viên nào ở khu du lịch này mà tôi gặp đều nhã nhặn và quý khách như thế.
Hình như ở cái nơi lạnh giá quanh năm nay, con người cũng trở nên nồng hậu hơn, để lấy cái tình sưởi ấm không gian bốn mùa mây phủ ấy.
Lục Thị Chuyền – cô gái người dân tộc Tày. |
Như anh Đào A Chủ (người dân tộc Tày), từng làm ở Fansipan từ nhiều năm rồi. Vốn là dân an ninh công trường khô khan, vậy mà giờ anh trở thành một cán bộ khéo léo bậc nhất của Khối kinh doanh Sun World Fansipan Legend, công việc vốn đòi hỏi sự mềm mỏng, khéo léo khi tiếp xúc với khách hàng.
Thời gian đầu tiếp nhận công việc, phụ trách việc điều phối xe của khách vào bãi và hướng dẫn khách đường lên cáp, Đào A Chủ thấy rất khó khăn vì gặp nhiều khách khó tính, nhất định không muốn gửi xe vào bãi xe, thậm chí còn chửi bới vì cho rằng khu du lịch chặn đường họ đi xuống cáp treo bởi quãng đường tới Ga đi từ Bãi xe hơi xa.
“Nếu như lúc trước làm ở công trường thì chắc tôi đã nổi khùng lên rồi. Nhưng giờ tôi hiểu khách hàng là thượng đế, nên giá nào tôi cũng nhẹ nhàng thuyết phục khách là có xe điện đưa khách xuống để đi cáp treo”- anh Chủ chia sẻ.
Đảm nhiệm việc chính là đảm bảo an ninh cho toàn khu du lịch, song A Chủ không nề hà việc gì, đặc biệt là công việc hỗ trợ những vị khách cao tuổi hay các em nhỏ trên hành trình chinh phục Nóc nhà Đông Dương.
“Ai cũng muốn một lần được đứng trên chóp cao nhất của đỉnh Fansipan, do vậy nhìn những cụ già và em nhỏ có phần mệt mỏi trên đường, tôi lại muốn giúp sức để họ thực hiện được ước mơ ấy của mình. Khách vui thì mình cũng thấy vui lây” – chàng trai người dân tộc Tày bộc bạch.
Anh Đào A Chủ, người dân tộc Tày. |
Mỗi người con của Lào Cai, từ con số 0 về cách làm du lịch, đã trưởng thành như thế, đã trở nên chuyên nghiệp như thế, khi được đào tạo, được làm việc trong một môi trường làm dịch vụ bài bản.
Hơn thế nữa, từ cách làm việc tận tâm, chuyên nghiệp và đầy trách nhiệm như vậy, họ đã trở thành ‘vị đại sứ du lịch thầm lặng” của vùng đất này, để những vị khách như chị Huyền Mai có thêm một lý do phải đến Fansipan, phải trở lại Sa Pa nhiều lần nữa.