Tưởng niệm người đã khuất như thế nào cho ý nghĩa?
Những ngày Tết, tập tục đốt vàng mã, kiêng cữ, bói toán được dịp “tung hoành” trong sự mê tín của nhiều người dân.
Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, tập tục đốt giấy vàng mã xuất phát từ đạo giáo của Trung Hoa nghĩ rằng âm phủ là có thật. Sau khi chết, con người tồn tại dưới âm phủ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ. (Ảnh: H.L) |
Để cuộc sống dưới âm phủ đạt được tiêu chuẩn dương sao âm vậy thì người thân mới làm nhà vàng mã, áo quần vàng mã, vật dụng vàng mã, người hầu bằng vàng mã…
Theo đức Phật, sau khi chết con người tái sinh theo nghiệp, nhanh nhất là một tích tắc, trễ nhất là 49 ngày.
Tùy theo nghiệp quả mà người đó có thể làm người hoặc thú. Làm người thì cũng có nhiều cấp độ khác nhau.
Cho nên, văn hóa tưởng niệm trong đạo Phật chủ yếu là nhắc lại công ơn của người quá cố. Đối với đất nước, làng xã, hàng xóm, gia đình để giữ gìn truyền thống ngày càng tốt hơn; tránh trường hợp “cha làm thầy, con đốt sách”.
Việc cúng chỉ là tượng trưng, như: Hoa, quả, thức ăn chay… Người chết không có người nào tiếp nhận được. Vàng mã về bản chất là những loại giấy tiền giả, nhà giả, vật dụng giả không có giá trị sử dụng thật trong cuộc sống thật.
Các vật dụng dù là thật khi bị hỏa hoạn không còn giá trị sử dụng và giấy vàng mã cũng vậy.
Đốt cháy thành tro bụi gây ô nhiễm, phá của, phí tiền và mất đi ý nghĩa tưởng niệm.
Từ ý nghĩa văn hóa Phật giáo, Thượng tọa Thích Nhật Từ tha thiết kêu gọi người dân Việt Nam nên tưởng niệm ông bà, tổ tiên, người thân quá vãng bằng tinh thần cao quý.
Tiền dự kiến mua giấy vàng mã nên quy đổi thành quà, vật dụng cụ thể cho bà con nghèo, làng xóm nghèo, người cơ nhỡ rất cần tình thương vào những ngày Tết này.
Tin mù quáng vào kiêng cữ không giải quyết được vấn đề
Tất cả những tập tục kiêng cữ trong dân gian Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung đều dựa vào kiến thức quy nạp. Khi sự kiện xảy ra vào năm tháng, ngày giờ đó dẫn đến hậu quả như vậy thì người ta biến nó thành quy luật.
Về bản chất, không phải là quy luật mà chỉ là hiện tượng. Tất cả những kiêng cử trong ngày Tết, trong văn hóa Việt Nam và Trung Hoa phần lớn là mê tín. Cho nên, chúng ta không nên sợ sệt.
Muốn sống hạnh phúc, theo đức Phật phải xa rời mê tín dị đoan. Cuộc sống này, tất cả đều diễn ra theo quy luật “duyên – quả”.
Cải cách giáo dục nên bắt đầu từ vàng mã, cúng sao, xin ấn |
Duyên thì có duyên thuận và duyên nghịch nên đừng có tin vào “năm – tháng – ngày – giờ tốt xấu”, đừng kiêng cử theo tập tục mê tín. Đây là điều không nên.
Thoát khỏi nỗi sợ hãi thì chúng ta mới có thể sống hạnh phúc, bình an. Xa lánh các tập tục mê tín, như: Bói toán, phong thủy, địa lý, bói quẻ…
Cần cân nhắc, tư vấn của những người chuyên môn để xem việc nào lợi và hại, nên làm và không nên làm… thay vì tin mù quáng vào những kiêng cữ thì không giải quyết được vấn đề.
Nhân - Duyên là khái niệm Phật học. Nhân là yếu tố chính mang tính quyết định. Duyên là yếu tố phụ mang tính hỗ trợ.
Duyên nếu thuận dẫn đến kết quả sớm hơn, thành quả lớn hơn, nhiều hơn. Duyên nghịch dẫn đến tình trạng Nhân bị loại trừ và trở thành vô hiệu. Tức là, không có kết quả.
Đạo Phật dạy, bất cứ một hành động nào của chúng ta dù là tốt hay xấu đừng nghĩ đơn giản là, khi gieo trồng hành động tốt thì tự động quả sẽ trổ.
Nếu sau hành động tốt được gieo mà không giữ gìn, vun bón thì các hạt giống xấu có lượng tương đương, năng lực tương đương sẽ loại trừ mất.
Hiểu được tác động của “Duyên” và “Nhân” thì không phải lo lắng, kỳ vọng, trông đợi và mong cầu điều gì. Cứ nỗ lực với phương pháp đúng, kiên trì đúng, không bỏ cuộc giữa chừng, tạo những gì tốt nhất có thể thì tự động các ước mơ trong tương lai dần dà sẽ trở thành hiện thực trong tầm tay.
Thượng tọa Thích Nhật từ khẳng định, đó là triết lý của đạo Phật, cho nên không phải căng thẳng, lo lắng, sợ hãi về tương lai làm gì. Đầu tư có phương pháp ở hiện tại thì tự động kết quả sẽ tốt đẹp.