LTS: Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh vẫn đang quen với tâm lý được vui chơi và nghỉ ngơi.
Thầy Sơn Quang Huyến chia sẻ một số biện pháp để học sinh có động lực học tập sau Tết.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Nghỉ Tết, đón xuân, có mấy học trò nghĩ đến việc học. Thức khuya, dậy trễ, vui chơi cùng gia đình, bạn bè là điều thích thú của mọi đứa trẻ.
Tết cũng là dịp học trò được làm điều mình thích, chơi game, xem phim… Tết mà, ai la mắng gì chúng.
Vì trẻ được thả lỏng trong những ngày vui chơi hết sức thú vị, chẳng có cha mẹ nào để ý đến việc con mình có ngó ngàng đến bài vở.
Mặt khác, phần lớn các trường quán triệt, không giao bài tập về Tết cho học trò, Tết đúng là cho lũ học trò “một vé về tuổi thơ”!
Làm thế nào để tạo động lực học tập sau Tết cho học trò. Ảnh: Baoquangngai.vn |
Vậy nên không ít học trò cứ thích … Tết dài dài, không phải học thêm, không phải ăn vội vàng đến lớp, không phải trả lời câu hỏi chán ngắt của người lớn “Hôm nay được mấy điểm”.
Thế nhưng, Tết vẫn phải hết, bắt đầu cho một guồng quay cũ, đi học.
Nhiều giáo viên dạy tiết đầu xuống văn phòng ngao ngán, dư âm Tết vẫn tràn ngập … tâm lý của học trò.
Bánh, kẹo, nghỉ ngơi, vui chơi đang tràn ngập trong suy nghĩ con trẻ.
Làm sao kéo học trò từ … trên Tết về với thực tại?
Về phía gia đình, cần trả lại trạng thái bình thường cho con em mình.
Đơn giản nhất là chọn ngày “khai bút” cho học trò. Nhiều gia đình, mê tín dị đoan, còn coi giờ, coi ngày, coi hướng cho phù hợp tuổi, mạng của con cái mình để “khai bút”.
Với học trò cuối cấp, khai bút thực hiện … ngay sau giao thừa; với chúng, không có Tết, Tết chỉ về sau khi có giấy báo đại học, trung học phổ thông!
Với tiểu học, và các đối tượng còn lại, gia đình nên cho con em mình khai bút ít nhất trước hai ngày đi học.
Nếu có thể, biến khai bút đầu xuân trở nên trang trọng, linh thiêng, đáng nhớ cho con trẻ.
Khai bút, cho con em viết ước mơ năm mới, lời hứa thực hiện, tạo động lực cho con em vào năm mới.
Sau khai bút, yêu cầu con em, thực hiện đúng nề nếp học tập như trước; chuẩn bị đầy đủ nhất cho buổi học đầu tiên từ sách vở… đến dụng cụ học tập; đảm bảo, buổi học đầu năm của con trẻ được “xuôi chèo, mát mái”.
Về phía nhà trường:
Có nhiều trường tổ chức “khai phấn” cho giáo viên. Trước buổi dạy đầu tiên, tổ chức tân niên tại trường; vừa gặp mặt đầu xuân, vừa chuẩn bị tốt nhất cho ngày học đầu năm.
Giaó viên có thể trang trí lớp học sạch đẹp, mang chủ đề năm mới, tạo bất ngờ thú vị cho học trò, một món quà xuân “Tết học trò” đầu năm.
Cho giáo viên viết trang trí bảng, đón học trò, với những lời chúc càng “bá đạo”, ngộ nghĩnh càng tốt.
Làm sao tạo tâm thế vui vẻ nhất, hạnh phúc nhất, thích thú nhất cho học trò ngày đến trường đầu năm.
Các tiết dạy ngày đầu năm, tuyệt đối không kiểm tra bài cũ, không cho điểm xấu, nhận xét xấu. Kịp thời khen ngợi, biểu dương, các học sinh chuẩn bị bài tốt.
Sẻ chia với các em về khó khăn sau kì nghỉ Tết dài ngày; đừng quên “lì xì” cho con trẻ … nụ cười của mùa xuân.
Vạn sự khởi đầu năm, một buổi học đầu xuân vui vẻ, hạnh phúc giúp giáo viên và học sinh bước vào năm học mới tự tin trong yêu thương, hy vọng.
Mong năm mới, thành công mới về với ngành giáo dục, một năm giảm áp lực cho giáo viên, hạnh phúc cho học trò.