Hồn Việt ngập tràn “suối Đó - chùa Đây”

15/02/2019 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Đến với suối Đó - chùa Đây du khách chỉ cần đến với một tấm lòng thành kính yêu thương hướng về cội nguồn để nguyện cầu mình sẽ vượt tai ương và sống tốt hơn.

Từ Thành Phố Hồ Chí Minh, chạy theo Quốc lộ 1A đi về phía Bắc, cách Phan Thiết khoảng 40km, tới địa điểm Ngã ba 46 rẽ phải khoảng 20km, khi còn cách trung tâm thị xã La Gi khoảng 3km, qua cầu suối Đó là ngôi chùa nằm bên trái có cái tên khá ngộ nghĩnh “suối Đó-chùa Đây” do đại đức Đinh Hồi Tưởng (Pháp danh Thích Tấn Tuệ) trụ trì.

Đại đức Đinh Hồi Tưởng là Ủy viên Ban văn hóa Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, trưởng Ban Văn hóa Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.

Những tấm "bia đá" khắc thơ ở chùa suối Đó - chùa Đây (Ảnh tác giả)
Những tấm "bia đá" khắc thơ ở chùa suối Đó - chùa Đây (Ảnh tác giả)

Ông là người con của đất Duy Xuyên-Quảng Nam giàu lòng yêu nước.

Người tu sĩ trẻ đến nơi đây vào những năm 1990, lúc đó, mảnh đất này chỉ là rừng cây rậm rạp bên con suối lớn. Ông dựng một cái chòi đơn sơ làm nơi tu học, lúc vừa mới 30 tuổi.

Năm tháng trôi qua, nơi đây đã trở thành một ngôi chùa đẹp, lãng mạn và nên thơ, mang đậm chất văn hóa thuần Việt mà không phải ngôi chùa nào cũng có được.

Phải khẳng định chắc chắn một điều, có lẽ đây là ngôi chùa hiếm hoi trong cả nước có những "bia thơ".

Những tấm đá lớn phẳng lì được khắc những câu thơ, câu văn, những câu ca dao tục ngữ, những câu châm ngôn của nhiều nhà hiền triết, những câu thơ của chính vị trụ trì, của những du khách yêu chùa gửi tặng…đều mang nặng triết lý giáo dục, hướng về cội nguồn sâu sắc…

“Mỗi nhà, mỗi nước, mỗi hoa/ Bước vào cõi phật như con một nhà”

Ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ hay của nhiều nhà thơ nổi tiếng như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Bắc Sơn…

Có lẽ vì điều này, mà bước chân vào chùa du khách như lạc vào một chốn văn thơ đầy lãng mạn.

Những chiếc cối đá nhiều vùng miền được tập trung về (Ảnh tác giả)
Những chiếc cối đá nhiều vùng miền được tập trung về (Ảnh tác giả)

Nét thuần Việt được hiện hữu ở khắp nơi trong ngôi chùa. Từ những tượng phật, tượng vua Hùng, đến con kì hươu, con rồng Việt Nam…tất cả đều mang đậm nét thuần Việt gần gũi mà thân thương.

Đại đức Đinh Hồi Tưởng dẫn chúng tôi lại trước hình tượng phật Thích Ca (khác hẳn với nhiều tượng phật chúng ta vẫn thường thấy), vị trụ trì giới thiệu “Cả nước mới chỉ có 3 tượng phật thuần Việt này. Một ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, cái nữa là chùa Phật Tích Bắc Ninh và cái thứ ba ngay tại "suối Đó - chùa Đây”.

Đại Đức cho biết thêm, sắp tới đây chùa sẽ hoàn thành cây cầu của thời Nhà Hồ và Chùa Một Cột, xung quanh sẽ thờ các vua Hùng, Đinh, Lý, Lê, Hồ Chí Minh…

Đá nhồi sẽ được đưa từ Thanh Hóa, Ninh Bình vào xây dựng.

Xung quanh chùa còn khá nhiều cối đá, trục xay lúa từ ngày xưa được chất thành dãy. Đại Đức chỉ cho chúng tôi dãy vật dụng của người dân từng vùng miền.

Ví như cối đá, trục xay lúa của người dân vùng Quảng Bình trở ra, khác với những vật dụng của những người dân trong này.

Một du khách lên tiếng hỏi “Thầy lưu giữ làm gì nhiều đồ xưa thế này?”

Đại Đức mỉm cười hồn hậu “Nét thuần Việt rất đẹp sao ta lại không giữ gìn? Con rồng, Tượng Phật Việt Nam khác xa con rồng, tượng phật Tàu chứ? Ước nguyện của thầy chính là giữ gìn bản sắc dân tộc khỏi bị lai căng”.

Khung cảnh nên thơ để du khách lưu giữ những tấm hình (Ảnh tác giả)
Khung cảnh nên thơ để du khách lưu giữ những tấm hình (Ảnh tác giả)

Ngoài những điều khác biệt trên, một trong những tài sản quí giá của chùa Đây là tủ sách với khoảng 2.500 tên sách, phần lớn là Kinh và thơ của Đại Đức trụ trì, của nhiều bạn thơ cả nước gửi tặng.

Đến với suối Đó - chùa Đây, du khách chẳng cần mang theo gì, nếu có nhu cầu sẽ được dùng bữa cơm đạm bạc với nhà chùa, được nghe vị trù trì đọc thơ, giải nghĩa, được nghe nói về những câu chuyện lịch sử của đất nước, những câu chuyện về cội nguồn ghi đậm dấu ấn nhà Phật...

Du khách chỉ cần mang đến tấm lòng thành kính yêu thương hướng về cội nguồn, nguyện cầu mình sẽ vượt tai ương để sống tốt hơn.

Ai ơi nghiệp chướng vơi đầy/Nhớ về suối Đó - chùa Đây nguyện cầu.

Trong cuộc sống, còn bộn bề biết bao vất vã, lo toan, đôi khi ai đó cần một chốn nghỉ ngơi, thanh tịnh tìm về nguồn cội để tâm được an, để lòng được sáng thì hãy nên lựa chọn một lần ghé qua suối Đó - chùa Đây cũng là điều tốt.

Phan Tuyết