Lương nhà giáo, con gà có trước hay quả trứng có trước?

04/03/2019 06:08
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Dùng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đưa đất nước phát triển nhanh nhất, bền vững nhất; đơn giản nhất là nâng lương “chiến sĩ diệt giặc dốt”.

LTS: Bàn về câu chuyện mức lương của giáo viên, thầy giáo Sơn Quang Huyến chỉ ra những hiệu quả tác động đến ngành giáo dục khi giáo viên sống được bằng lương.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều ý kiến đề nghị, lương giáo viên phải được nâng ngang bằng lương bộ đội, công an! 

Bộ đội, công an đang chiến đấu với giặc ngoại xâm, tội phạm, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ chế độ, lương cao là đúng rồi.

Chỉ mỗi chuyện lương nhà giáo, sao bàn lâu thế?

Nhờ lương cao, có công việc ổn định, không sợ thất nghiệp, nên mới thu hút được học sinh có năng lực học tập vào hai ngành này, tạo nên thế hệ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”.

Giáo viên đang chiến đấu với một lực lượng vô cùng nguy hiểm, nó có thể làm mất nước, mất chế độ, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của mọi dân tộc - Chính là giặc dốt.

Giặc dốt còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó mà biết bao thảm án thương tâm, tham nhũng nổi cộm, … xảy ra trên đất nước ta, được phạm nhân nói là “không biết”.

Nếu được giáo dục tử tế, chắc chắn không thể xảy ra những đau lòng khi phải kỷ luật đồng chí của mình. Người ta đổ lỗi do giáo dục, đào tạo ra lũ “sâu dân, mọt nước” đó!

Tăng lương giáo viên để các thầy cô sống được bằng lương, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VTV
Tăng lương giáo viên để các thầy cô sống được bằng lương, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh minh họa: VTV

Chúng ta thường nghe cụm từ “Học để thay đổi số phận”, hay khi nói về một tấm gương thủ khoa, nhà nghèo hiếu học, đều được phụ huynh phát biểu theo kiểu mẫu số chung:

Tôi nói với con, bố mẹ học ít, nên khổ; cho nên các con cố gắng học để có cuộc sống sung sướng hơn, bố mẹ chịu mọi thiệt thòi, đầu tư cho con học”.

Như vậy, một gia đình nghèo khó, biết rằng đầu tư cho con cái học, đầu tư cho tương lai; đầu tư cho giáo dục là làm kinh tế, một vốn, vô cùng lời.

Với quốc gia, bên cạnh chúng ta, Singapore là ví dụ điển hình, đầu tư cho giáo dục bằng biện pháp đơn giản nhất, lương giáo viên cao nhất; thời gian ngắn, từ một “làng chài lạc hậu”, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Đầu tư cho giáo dục, chính là nhà giáo sống được bằng lương! Điều kiện tiên quyết cho mọi sự “đổi mới” giáo dục. Chỉ có giáo viên đủ sống, những sự đầu tư khác mới đi vào cuộc sống.

Nếu chờ cho đất nước giàu có, mới nâng lương cho giáo viên đủ sống, thì lúc đó cũng chẳng cần quan tâm đến lương giáo viên.

Lương nhà giáo, con gà có trước hay quả trứng có trước? ảnh 2Mức lương tối thiểu của giáo viên phải cao hơn mức lương tối thiểu vùng

Nâng lương cho giáo viên đủ sống, nâng cao chất lượng giáo dục, con đường đi đến đất nước giàu có, ngắn nhất. Vậy mới gọi là đầu tư! Vậy mới gọi là quốc sách. 

Tranh cãi giữa nâng lương cho giáo viên và ngân sách nhà nước như chúng ta hiện nay, chẳng khác gì tranh cãi con gà có trước hay quả trứng có trước!

Nâng lương cho giáo viên đủ sống bằng lương của mình, chất lượng giáo dục có nâng lên không?

Chắc chắn chất lượng giáo dục nâng lên. Dễ lý giải thôi, con người đó, đã đủ sống bằng công việc của họ, sẽ toàn tâm toàn ý làm công việc đó, hiệu quả công việc chắc chắn sẽ nâng cao. Giáo viên không ngoại lệ!

Nâng lương cho giáo viên đủ sống đủ sống bằng lương của mình, có dẹp được dạy thêm, học thêm không?

Tất yếu nạn dạy thêm sẽ giảm hẳn; dạy thêm học thêm biến tướng hiện nay không dẹp được không phải vì không làm được, mà người làm công việc đó, không muốn làm.

Trong suy nghĩ của họ “Giáo viên nhờ thu nhập dạy thêm để nuôi dạy chính”, nên “thông cảm”. Còn nếu đủ sống bằng lương rồi, chỉ một tuần sau, không ai còn dạy thêm trái phép.  Các hiện tượng tiêu cực khác tất yếu cũng sẽ giảm theo.

Lương đủ sống, các nhà hoạch định chính sách giáo dục sẽ thông thoáng, tìm ra chiến lược, biện pháp, đem lại lợi ích cho người học, cho xã hội, cho đất nước; không còn phải cân đo, giáo viên có đủ ăn để làm việc đó không?

Thầy cô giáo sống được bằng lương, mới đem lại hạnh phúc cho người dạy, người học là một thực tế không tranh cãi.

Dùng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đưa đất nước phát triển nhanh nhất, bền vững nhất; đơn giản nhất là nâng lương “chiến sĩ diệt giặc dốt”, sống được bằng lương của mình!

Sơn Quang Huyến