Câu chuyện cô gái đi giao gà Cao Mỹ D., 21 tuổi ở thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên bị giam giữ, hãm hiếp, dùng vũ lực, bỏ đói trong nhiều ngày, sau đó bị sát hại tại tỉnh Điện Biên khiến dư luận rúng động.
Xung quanh vụ án này, nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao các đối tượng cộm cán, tiền án tiền sự trên địa bàn tỉnh Điện Biên có thể thực hiện hành vi thú tính, phạm tội của mình trong mấy ngày liên tục nhưng lực lượng chức năng chưa thể phát hiện và can thiệp kịp thời?
Chỉ sau 2 giờ D. mất tích, gia đình đã báo với cơ quan chức năng nhưng lực lượng vẫn không thể tìm thấy, vậy công tác theo dõi nắm bắt các đối tượng hình sự, quản lý an ninh trên địa bàn ở thành phố Điện Biên có thực sự đáp ứng yêu cầu?
Chiều 18/2, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã trao bằng khen cho các chiến sĩ tham gia vụ án cô gái giao gà bị cướp, hiếp, giết (ảnh nguồn kinhtedothi.vn). |
Do đó, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Giám đốc Công an tỉnh trao tặng bằng khen cho 2 tập thể, 14 cá nhân, tặng 48 giấy khen cho các cá nhân tham gia điều tra và bắt giữ các nghi phạm thì xuất hiện nhiều luồng ý kiến không đồng tình.
Có ý kiến cho rằng, nhiều cá nhân không xứng đáng được nhận thưởng. Bởi trong vụ việc này cho thấy lực lượng chức năng không kịp thời phát hiện và giải cứu nạn nhân.
Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng phải tổ chức kiểm điểm sau khi vụ án này khép lại.
Trước những tranh luận trái chiều về việc khen thưởng trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm - nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban kiểm tra trung ương cho rằng: “Khen thưởng phải là cá nhân, tổ chức có thành tích đột xuất, gặp khó khăn mà lập được thành tích xứng đáng.
Chứ không phải cái gì cũng đem ra khen thưởng”.
Phân tích thêm, theo ông Phan Xuân Xiểm: “Công an điều tra tội phạm là thực hiện nhiệm vụ.
Mà đã là thực hiện chức năng nhiệm vụ thì phải làm việc cho tốt.
Ăn lương của nhà nước thì phải thực hiện nhiệm vụ phải làm, phải hoàn thành tốt.
Còn cứ hễ làm được việc gì lại đưa ra khen thưởng dẫn đến khen thưởng tràn lan.
Khen thưởng như vậy không có tác dụng, ý nghĩa gì. Do đó, không thể có chuyện, hễ làm được cái gì là đưa ra khen”.
Cũng theo ông Phan Xuân Xiểm, theo dõi vụ việc ở Điện Biên nhận thấy các đối tượng gây ra vụ án kinh hoàng trên đã có tiền án, tiền sự và nghiện ngập.
Theo lý thì đây là những đối tượng phải được quản lý chặt chẽ.
Đằng này các đối tượng trên lại tụ tập, thực hiện hành vi phạm tội một cách bầy đàn, trong thời gian nhiều ngày mà không được phát hiện kịp thời.
Nạn nhân lại là một nữ sinh ngoan hiền, xinh đẹp càng khiến dư luận thêm xót xa.
“Tôi cho rằng, lãnh đạo địa phương, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự giữ gìn trong sạch địa bàn.
Không thể có chuyện hơi tí khen thưởng đến khi thành tiền lệ không hay. Để xảy ra những vụ việc tày đình như vậy có nguyên nhân từ việc quản lý không tốt.
Cái này, phải được phân tích, mổ xẻ và quy trách nhiệm rõ ràng” – ông Phan Xuân Xiểm nêu ý kiến.
Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng Vụ 1 Ủy ban kiểm tra Trung ương (ảnh Trinh Phúc). |
Vị này còn cho rằng, việc khen thưởng phải tính toán một cách xứng đáng nếu không người dân họ sẽ không đồng tình.
Ông Phan Xuân Xiểm còn cho biết: “Nhiều người có ý kiến là nhiệm vụ thì phải làm chứ đừng hơi tí thì khen thưởng.
Mà khen thưởng thì phải bình xét. Do đó, khen thưởng như vậy khó nhận được sự đồng tình”.
Thậm chí, ông Phan Xuân Xiểm còn có ý kiến, nếu trên địa bàn mình quản lý để xảy ra vụ việc chấn động như vậy thì lãnh đạo phụ trách phải chịu trách nhiệm.
Khi sự việc xảy ra không xử lý được kịp thời mà cấp trên phải cử lực lượng nơi khác đến hỗ trợ thì chỉ khen thưởng những lực lượng tham gia hỗ trợ.
Cuối cùng ông nhấn mạnh: “Địa bàn của anh quản lý hàng ngày mà không rà soát lại để xảy ra vụ án rúng động thì phải xem xét trách nhiệm. Đó là việc thiếu trách nhiệm để xảy ra hậu quả.
Trách nhiệm cần xem xét ở đây là trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên. Đây là trách nhiệm lớn, làm không được thì phải xử lý”.
Công an tìm ra thủ phạm là nhiệm vụ đương nhiên phải làm Theo Khoản 2 điều 3 Luật thi đua khen thưởng 2003 ghi rõ: "Khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Tại Nghị định 91/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thi đua khen thưởng, ở khoản 3, điều 13 quy định "khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất. Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm". Chiếu theo hai quy định trên, việc công an tìm ra thủ phạm là nhiệm vụ đương nhiên phải làm chứ không phải nằm ngoài chương trình, kế hoạch phải đảm nhiệm. |