Ngày 19/2/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố những thông tin mới nhất, cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, nhằm giúp cho học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Văn Hiếu, kỳ thi năm nay, Sở sẽ vẫn giữ tính ổn định của kỳ thi với 3 môn thi là Văn, Toán và Ngoại ngữ.
Cấu trúc của đề thi cũng sẽ tương tự kỳ thi của năm trước, tăng cường tính thực tiễn, khuyến khích khả năng, tư duy của học sinh.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Với đề thi môn Toán, cấu trúc của đề thi sẽ bao gồm 8 câu hỏi, gồm các kiến thức liên quan đến đồ thị hàm số, căn thức phương trình, hệ phương trình, hình học không gian…Đề thi năm nay sẽ tiếp tục có từ 2 đến 3 câu mang tính thực tiễn.
Với đề thi môn Văn, cấu trúc đề thi của đề thi cũng không thay đổi so với mùa thi của năm ngoái, bao gồm: Đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm), nghị luận văn học (4 điểm), thời gian làm bài là 120 phút.
Các câu hỏi của đề thi sẽ được tổ chức từ mức độ dễ tới khó, nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.
Phần nghị luận xã hội, học sinh sẽ phải viết một bài viết có độ dài khoảng 1 trang giấy, đảm bảo đủ cấu trúc ba phần là mở bài, thân bài và kết luận, vận dụng được các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là giải thích, chứng minh và bình luận. Khi bàn luận, học sinh cũng cần rút ra bài học về nhận thức, hành động cho chính bản thân mình.
Phần nghị luận văn học, học sinh sẽ có 2 sự lựa chọn.
Trong đề thứ nhất: Học sinh có thể gặp các câu hỏi quen thuộc như phân tích hay cảm nhận một tác phẩm thơ, truyện, rồi từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng việc liên hệ đến các tác phẩm khác, liên hệ với thực tế của cuộc sống, làm sáng tỏ một ý kiến.
Trong đề thứ hai: Học sinh có thể gặp cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn. Các em có thể căn cứ ào kiến thức và kỹ năng làm bài của mình, để chọn cho mình đề thi thứ nhất hay thứ hai để chọn, làm.
Với đề thi môn Ngoại ngữ (tiếng Anh), cấu trúc đề thi năm nay cũng sẽ không có gì thay đổi so với năm trước, nhưng sẽ gắn tính thực tiễn nhiều hơn, nên sẽ gắn với thực tế của xã hội nhiều hơn, dựa vào những chủ đề, chủ điểm có trong sách giáo khoa.
Đề thi tuyển sinh môn này sẽ không đặt quá nặng các kiến thức về ngữ pháp. Muốn làm bài tốt môn này, học sinh cần trau dồi từ vựng, liên hệ bài học vào thực tế của cuộc sống để có được ý tưởng, từ ngữ.