Chiếu theo quy định trong dự thảo Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức mà Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến thì hiệu trưởng ở các trường phổ thông công lập và nhiều trường Đại học sẽ không còn là công chức nữa.
Nhiều người băn khoăn việc thay đổi như vậy liệu có ảnh hưởng đến vị thế, vai trò trong công tác quản lý của hiệu trưởng hay không.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Theo ông Cường: “Hiện nay, theo quy định hiệu trưởng và hiệu phó là công chức nhưng trên thực tế về mặt chế độ không có gì khác biệt so với những người là viên chức. Ví dụ như hệ số lương, chế độ phụ cấp.
Có khác chăng là người trong công chức thì không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp. Còn các chế độ khác thì không khác gì so với viên chức.
Về quyền hạn, trách nhiệm của hiệu trưởng thì không có phân biệt công chức hay viên chức. Vì đó là trách nhiệm của hiệu trưởng”.
Tôi là Hiệu trưởng, tôi không quan tâm mình là viên chức hay công chức |
Do đó, theo ông Hoàng Văn Cường: “Việc thay đổi hiệu trưởng không phải là công chức mà là viên chức sẽ không ảnh hưởng đến giáo dục nhiều.
Tuy nhiên, việc thay đổi như vậy sẽ không triệt để”.
Lý giải về nhận định của mình, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng, hệ thống những cán bộ, giảng viên, giáo viên trong ngành giáo dục sẽ khác hoàn toàn với các ngành dịch vụ công.
Vì thế không thể xem giáo viên là viên chức bình thường.
“Giáo dục là ngành dịch vụ đặc biệt, nếu như thay đổi một cách triệt để thì phải đưa đội ngũ này sang một lực lượng đặc thù hơn mà không phải là viên chức chung chung.
Hiệu trưởng không phải là người thực thi chức năng quản lý của nhà nước nên cũng không thể gọi là công chức được” – ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vi Thị Mỹ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Ca, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho rằng, việc thực hiện hiệu trưởng là công chức đã tạo ra khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ và chi trả chế độ.
Nên chuyển sang viên chức sẽ phù hợp hơn.
Cô giáo Vi Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cà Na, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (ảnh Trinh Phúc). |
Theo cô Mỹ: “Trong thực tế khi thành công chức, một số hiệu trưởng không còn là một đồng nghiệp nhiệt tình, có uy tín trong chuyên môn như khi họ còn là giáo viên nữa.
Thay vào đó, nhiều người đã mất dần sự tôn trọng đồng nghiệp, luôn muốn khẳng định uy quyền, dễ dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý.
Vì thế khi là viên chức thì hiệu trưởng sẽ luôn ý thức được họ là một giáo viên làm quản lý có thêm phụ cấp chức vụ.
Trong hoạt động điều hành, thay vì "tôi đề nghị các đồng chí..." sẽ là "chúng ta sẽ cùng cố gắng...". Điều này khiến môi trường giáo dục có thể sẽ bớt được một tầng áp lực cho thầy, trò và phụ huynh như hiện nay”.
Hiệu trưởng không còn là công chức, càng dễ thanh lọc, sa thải |
Ở một góc nhìn khác, cô Nguyễn Xuân H. – (đề nghị được giấu tên) ở Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Việc Hiệu trưởng không còn được xếp là công chức mà là viên chức và được trả lương theo vị trí việc làm là điều tích cực”.
Cô H. cho biết, trường cô công tác một năm qua không có hiệu trưởng nhưng trường vẫn hoạt động tốt.
Do đó, cô H. góp ý: “Nhà trường chỉ cần chức danh “người phụ trách” mà thôi. Bởi vì đã là giáo viên thì tính tự giác ở cấp độ cao.
Người trực tiếp kiểm tra chính là hàng trăm học sinh mà họ giảng dạy. Nếu làm chầy bửa thì học sinh sẽ biết ngay chứ chưa cần đến lãnh đạo phê bình”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, căn cứ vào bản giải trình của dự thảo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức thì quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo đó viên chức được bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết không muốn chuyển sang giữ ngạch công chức.
Trong khi đó các trường hợp công chức được điều động sang làm lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập thì đương nhiên vẫn giữ ngạch công chức.
Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với đối tượng này.
Đồng thời, việc quy định áp dụng Luật Cán bộ công chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp cũng không phù hợp với thực tiễn và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với đội ngũ này.
Ngoài ra, để bảo đảm sự liên thông, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện giữa các quy định của Đảng và pháp luật trong công tác cán bộ, việc nghiên cứu, sử dụng thống nhất khái niệm cán bộ, công chức trong các văn bản của Đảng với quy định của Luật Cán bộ, công chức là cần thiết.
Vì thế trong dự thảo luật lần này đã quy định, Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;
Trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;
Trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.