Ngày 22/2, sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho hay, Ủy ban nhân dân tỉnh này vừa ban hành quy chế điều động giáo viên, nhân viên công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từ nơi thừa sang nơi thiếu trên địa bàn tỉnh.
Thực tế, việc điều động giáo viên từ các vùng đồng bằng đến khu vực khó khăn, miền núi lâu nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, gây ra nhiều “tâm tư” cho giáo viên.
Không chấp nhận điều động sẽ bị tinh giản hoặc thôi việc
Theo quyết định này thì đối tượng áp dụng điều động là giáo viên, nhân viên thuộc trường hợp dôi dư chỉ tiêu số người làm việc so với định mức và chỉ tiêu được giao. Hoặc dôi dư vị trí việc làm thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, địa phương.
Việc điều động giáo viên ở khu vực đồng bằng đến vùng miền núi, khó khăn gây nhiều "tâm tư" cho giáo viên. Ảnh: AN |
Ủy ban tỉnh Quảng Trị yêu cầu việc điều động giáo viên giữa các trường, các vùng phải được tiến hành công khai, dân chủ, bình đẳng, đúng đối tượng, đúng quy trình, theo quy định của pháp luật.
Việc điều động dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển trường lớp, nhu cầu giảng dạy, cơ cấu giáo viên, vị trí việc làm của các trường học.
Kiện toàn công tác tổ chức cán bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đi đôi với phát triển mạng lưới trường lớp, các ngành học, cấp học, đặc biệt là đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Giáo viên ở Đắk Lăk kêu cứu vì bị điều động một cách chưa trong sáng |
Ưu tiên điều động trước những giáo viên dôi dư có đơn tình nguyện thực hiện việc điều động.
Không điều động đến công tác tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi đối với trường hợp giáo viên đã từng có thời gian công tác tại các vùng khó khăn.
Trường hợp sau khi đã thực hiện việc điều động mà vẫn còn dôi dư hoặc giáo viên không chấp hành việc điều động của tổ chức thì thực hiện chính sách tinh giản biên chế hoặc chính sách thôi việc theo quy định của Chính phủ.
Thời hạn điều động đến công tác vùng đặc biệt khó khăn là 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam.
Giáo viên sau khi hết thời hạn điều động thì viết đơn trình bày nguyện vọng, nhà trường lập hồ sơ và gửi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để có thể điều về đơn vị, địa phương cũ.
Hoặc điều động đến nơi khác mà giáo viên mong muốn cũng như địa phương đó có nhu cầu tiếp nhận.
Quy chế này cũng nêu rõ những ưu tiên chưa xem xét điều động đối với các trường hợp như: vợ hoặc chồng đang công tác tại hải đảo và làm nhiệm vụ quốc tế, cả hai vợ chồng giáo viên thuộc diện điều động thì chỉ thực hiện 1 người…
“Anh em cũng có tâm tư”
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, việc điều động giáo viên nói trên là tạo sự bình đẳng, công bằng cho tất cả giáo viên.
Quy chế này sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên đang công tác ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn được luân chuyển đến nơi thuận lợi hơn sau một thời gian công tác, cống hiến.
Giáo viên cấp 2 ở Hải Phòng hỏi mình bị điều động đi dạy tiểu học hay biệt phái? |
Đồng thời, những giáo viên ở vùng thuận lợi cũng sẽ có cơ hội thử sức ở môi trường mới.
Theo bà Hương, vấn đề điều động giáo viên trực thuộc Sở quản lý thì đã thực hiện rồi, còn các huyện thì đang rà soát để triển khai.
“Sở đã thực hiện điều động giáo viên từ tháng 9 năm ngoái (năm học 2018-2019) và hiện đã làm 1 đợt điều động từ đầu năm và sang học kỳ 2 thì tiếp tục thực hiện.
Đợt 1 đã biệt phái 18 giáo viên, đợt 2 mới điều động 3 giáo viên và tiếp nhận 5 giáo viên của khối huyện”, bà Hương nói.
Trả lời câu hỏi trong quá trình điều chuyển có nảy sinh khiếu nại, bất mãn gì của giáo viên hay không? Bà Hương thông tin, lúc đầu, khi nhận quyết định luân chuyển anh em cũng có “tâm tư” vì họ đang giảng dạy ổn định.
Nhưng thực tiễn có những trường thừa, trường thiếu giáo viên thì rất khó khăn cho công tác nên Sở giao cho các trường làm tư tưởng cho giáo viên trước.
Sau đó, tổ bộ môn giới thiệu, rồi Ban giám hiệu nhà trường giới thiệu Sở, Sở yêu cầu lập danh sách theo thứ tự ưu tiên.
Có trường hợp hoàn cảnh bố mẹ đau ốm, có con nhỏ… thì hội đồng Sở xem xét để điều chỉnh thời gian biệt phái, lùi lại.
Bà Hương cho rằng, về cơ bản thì anh em có khó khăn ban đầu nhưng vẫn ổn, không nảy sinh tố cáo, khiếu nại gì về vấn đề điều động, luân chuyển.
“Các giáo viên vùng thuận lợi lên vùng khó khăn thì chế độ, chính sách ưu tiên, đãi ngộ được hưởng cao hơn trong khi mức lương vẫn hưởng ở đơn vị sở tại.
Có trường hợp điều động luôn, có trường hợp biệt phái 2-3 năm rồi trở về lại theo luật công chức, viên chức.
Việc điều động này cơ bản đáp ứng được phần nào tình trạng thừa thiếu giáo viên. Nếu không có quy chế điều động thì rất khó cho ngành”.