Ngày 21/2, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ông Phan Thanh Bình xin ý kiến của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về vấn đề về đào tạo và tuyển dụng giáo viên.
Một trong ý kiến góp ý thu hút sự chú ý của dư luận đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ: "Ngành giáo dục nên nghiên cứu quy hoạch về tuyển và sử dụng giáo viên.
Bởi nghề giáo viên là một nghề đặc thù, là vấn đề đặc biệt cần quan tâm và cần ưu tiên ngang lực lượng vũ trang.
Việc tuyển sinh theo quân đội là tốt nhất, cần bao nhiêu tuyển bấy nhiêu, ra trường là sắp xếp công việc, không có chuyện phải thi công chức.
Để giáo viên yên tâm đã đi học sư phạm là nhất thiết phải có việc làm”.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) - ảnh Thùy Linh. |
Xung quanh vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: “Liệu “quân sự hoá” ngành giáo dục có khả thi không?”.
Theo thầy Khang, những năm gần đây tuyển sinh vào ngành Công an và Quân đội có đầu vào rất cao mà nguyên nhân cơ bản nhất là:
Khi học ở trường công an hoặc quân đội, học viên được bao cấp hoàn toàn vì được xác định vào biên chế của lực lượng vũ trang (người lính đi học).
Lý tưởng nhất là tuyển sinh sư phạm, ưu đãi giáo viên như lực lượng vũ trang |
Sau khi học xong, học viên được phân công về các đơn vị công tác theo nhu cầu của ngành. Học viên phải chấp hành sự phân công, đó là mệnh lệnh.
Trong khi đó, những năm gần đây tuyển sinh vào ngành Sư phạm có đầu vào rất thấp và nguyên nhân là học xong không tìm được việc làm, thất nghiệp quá nhiều;
Nếu xin được việc (phải “chạy” mất khá nhiều tiền) thì lương không đủ sống.
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng: “Có lẽ xuất phát từ đó, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban thường vụ Quốc hội bàn về Luật Giáo dục sửa đổi đã có ý kiến đề nghị tuyển sinh sư phạm, phân công công việc sau khi học xong, chế độ lương... như quân đội!
Nghe qua thấy hay, hợp lý! Nhưng khi ngẫm nghĩ... liệu “quân sự hoá” ngành giáo dục có khả thi không?.
Cũng theo thầy Khang vấn đề mấu chốt hiện nay là làm sao thu hút được người tài vào ngành sư phạm.
Mà muốn là được thì cần nhiều sự thay đổi đồng bộ và cần một lộ trình thời gian khá dài.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) nêu ra các giải pháp đó là: “Nâng thu nhập giáo viên để có thể sống tốt, bằng cách: giảm biên chế thừa, cho nghỉ những giáo viên yếu kém, thay đổi cách tuyển giáo viên, thay đổi cách trả lương (trả lương theo công việc thực tế) để khuyến khích lao động.
Khi có đội ngũ giáo viên hợp lý về số lượng và chất lượng đảm bảo thì thu nhập của giáo viên chắc chắn sẽ cao, sống tốt!.
Quy hoạch hợp lý các trường Sư phạm để tránh đào tạo dư thừa. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục”.
5 vấn đề Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến Thường vụ Quốc hội |
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Về vấn đề phân công công tác cho sinh viên tốt nghiệp sư phạm.
Thường trực Ủy ban ban cho rằng hiện nay, việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề: số lượng đào tạo nhiều nhưng tuyển dụng ít dẫn tới dư thừa, lãng phí;
Đội ngũ nhà giáo vừa trong tình trạng thừa thiếu cục bộ, vừa hạn chế về chất lượng, khó đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Thường trực Ủy ban cho rằng, cần quy định việc tuyển sinh theo nhu cầu đối với các trường sư phạm và chế độ tuyển dụng đặc thù riêng của ngành giáo dục (khác với quy trình tuyển dụng của Luật Viên chức) đối với giáo viên các cơ sở giáo dục công lập.
Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung nêu trên.