Trả bài cũ đầu mỗi tiết học của thầy cô giáo thường khiến cho một bộ phận học sinh khiếp sợ, ngán ngẫm.
Thầy cô càng trả bài nhiều, học sinh càng chán môn học, nhất là các môn xã hội bởi nó tạo nên một áp lực học tập vô cùng lớn cho học trò. Tuy nhiên, việc trả bài này không phải bao giờ cũng mang lại hiệu quả đích thực.
Bởi, việc trả bài cũ như vậy khiến cho nhiều em học sinh học đối phó bằng cách đọc lướt nhanh đầu giờ rồi lên trả cho thầy cô để có điểm nên cách kiểm tra và cách học này lại rất khó giúp cho các em nắm được kiến thức lâu dài.
Có điều, Bộ Giáo dục quy định như vậy, thì nhiều giáo viên áp dụng và thực hiện vậy. Một thói quen khó bỏ của nhiều thầy cô giáo hiện nay là khi vào lớp thì…trả bài cũ đối với học trò là việc đầu tiên.
Ngôi trường mà một nữ sinh không thuộc bài bị thầy giáo chủ nhiệm đánh phạt ở An Giang (Ảnh: vov.vn) |
Sự việc thầy giáo Lê Trường Thọ - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, trường Trung học cơ sở Long Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đang trở thành tâm điểm của dư luận trong mấy ngày nay.
Theo phản ánh từ phụ huynh với Ban giám hiệu nhà trường thì thầy Thọ đã đánh một nữ sinh trong lớp mình chủ nhiệm bị “vẹo cột sống” mà nguyên nhân là do em này không thuộc bài cũ.
Trong nội quy mà thầy chủ nhiệm lớp 7A3 đã đề ra là học sinh không thuộc bài là bị thầy đánh. Càng là “cán bộ” lớp thì hình phạt càng được tăng lên.
Thế nhưng, điều mà thầy cô nào đang dạy học cũng phải từng chứng kiến là học sinh bây giờ không thuộc bài cũ là chuyện…rất bình thường và xảy ra thường xuyên.
Nếu đánh học trò vì “tội” này thì có lẽ thầy cô giáo phải đánh suốt ngày. Vì thế, điều quan trọng nhất là thầy cô linh hoạt để kiểm tra bài cũ của các em.
Những em chịu khó học bài thì không sao, những em không chịu học bài ở nhà thì tìm cách khác để có thể hoàn thành các cột điểm trên lớp và cũng là cách lôi kéo học trò đến với môn học của mình.
Tạm đình chỉ công tác thầy giáo đánh học sinh không thuộc bài ở An Giang |
Hiện nay, theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục thì trong tất các các môn học dù ít tiết hay nhiều tiết cũng đều có điểm kiểm tra miệng.
Vì thế, mỗi môn học, học sinh ít nhất cũng phải 1 lần/ học kỳ phải lên trả bài cũ cho thầy cô để hoàn thành cột điểm.
Thế nhưng, thực tế thì học sinh có nhiều em gọi nhiều lần vẫn không lên trả bài hoặc lên bảng trả bài lại cũng không thuộc được những yêu cầu của thầy cô giáo.
Cho điểm 0 thì tội học trò mà không cho điểm thì thiếu cột điểm không thể tổng kết vào cuối học kỳ. Vì thế, một số thầy cô sẽ tạo áp lực bằng hình thức là phạt học trò với hy vọng để các em sợ mà học.
Từ thực tế đi dự giờ của nhiều đồng nghiệp, chúng tôi vẫn thấy nhiều giáo viên thực hiện máy móc việc kiểm tra bài cũ ở phần đầu tiết dạy của mình.
Đầu giờ học, thầy cô lật sổ điểm ra gọi học sinh lên trả bài và có lẽ đây là lúc mà học sinh ngao ngán nhất.
Dù là học sinh giỏi hay dở, thuộc bài hay không thuộc bài nhưng khi bị gọi thì các em đều ngại ngùng và miễn cưỡng lên trả bài. Những em học sinh đã lớn mà không thuộc bài thì rất hay mắc cỡ trước bạn bè.
Trong khi, mỗi buổi có nhiều môn học mà môn nào thầy cô cũng trả bài như vậy thử hỏi học sinh nào không ngán. Có điều, khi không thuộc bài là giáo viên ghi vào số đầu bài của lớp.
Cuối tuần sinh hoạt lớp là đương nhiên học sinh đó bị giáo viên chủ nhiệm quở trách, thậm chí phạt học trò. Nhiều trường còn gọi học trò đứng trước cờ vào tiết sinh hoạt đầu tuần...
Dần dần, một số học sinh chán môn học, chán thầy cô và kệ mặc tất cả.
Thực tế, việc lấy điểm kiểm tra miệng cho học trò giáo viên không nên cứng nhắc, máy móc quá. Bởi, từ lâu ngành giáo dục, các Hội đồng bộ môn cũng đã từng định hướng giáo viên linh hoạt ở phần này để tạo tâm thế học bài cho các em học sinh.
Một số giáo viên bây giờ không biết có đọc báo, xem ti vi không? |
Việc trả bài để lấy điểm miệng có thể linh hoạt trong quá trình giảng dạy của giáo viên như gọi học sinh xây dựng bài thì cho điểm.
Hoặc, sau phần giảng lý thuyết thì giáo viên gọi một số em lên bảng làm bài tập để lấy điểm luôn.
Việc lấy điểm bằng hình thức lên bảng làm bài tập hoặc cho các em làm bài tập nhóm vừa nhanh mà học sinh không ngán, không chán môn học của mình mà mình đang giảng dạy.
Thực tế, trong quá trình giảng dạy, người thầy phải thực hiện rất nhiều những hoạt động dạy học, đồng thời phải hoàn thành các cột điểm cho học trò.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay một số em có mục đích và động lực học tập không cao. Vì thế, việc tạo cho các em yêu thích môn học là điều mà thầy cô cần phải hướng tới.
Chuyện phải có cột điểm miệng đó đã là yêu cầu bắt buộc của ngành giáo dục và đó được xem là pháp lệnh nên giáo viên phải hoàn thành cột điểm.
Song, giáo viên cũng cần linh hoạt, mềm dẻo trong việc kiểm tra học trò bằng nhiều cách khác nhau để không quá gây áp lực cho học trò.
Điều quan trọng là đừng đề ra và áp dụng những hình phạt phản cảm cho học trò và xã hội. Đánh học trò không chỉ khiến cho thầy cô liên lụy mà điều cơ bản là tự làm mất hình ảnh của chính mình trước mọi người.
Đồng thời, đó cũng thể hiện sự bất lực của người thầy trước học trò.
Thầy cô hãy thay đổi phương pháp dạy, quản lý học trò linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể. Không nên máy móc, cứng nhắc quá như một số trường hợp mà chúng ta đang phải chứng kiến.
Đánh học trò không phải là phương pháp hay mà là điều cấm kỵ của người thầy. Điều quan trọng là cũng không thay đổi được thái độ học tập của học trò từ những đòn roi.