Hầu đồng là gì?
Những năm gần đây tín ngưỡng hầu đồng xâm nhập vào đời sống xã hội với những biểu hiện lệch lạc, biến tướng trong thực hành nghi lễ, làm ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng và xã hội.
Trong khi mọi người đang nỗ lực để tôn vinh di sản, thì vẫn còn một bộ phận những thanh đồng trong quá trình thực hành tín ngưỡng đã có những hành vi trục lợi, tiêu cực, làm xấu đi nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu.
Trước đây khi thực hành nghi lễ lên đồng thường có hai đối tượng, một là pháp sư và một là người ngồi đồng hay còn gọi là người trung gian. Ảnh: Tùng Dương. |
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng, viện nghiên cứu tôn giáo, chia sẻ: “Trước hết hầu đồng là một tôn giáo dân gian có từ rất lâu đời của người Việt, xưa kia hoạt động này rất phổ biến trong văn hóa dân gian, nó nổi lên với hai dòng đồng là đồng cốt và thanh đồng.
Dòng thanh đồng thờ Đức Thánh Trần và còn gọi là dòng đồng phù thủy để trừ tà sát quỷ, dòng đồng này có từ rất sớm trong cộng đồng người Việt.
Dòng thứ hai là dòng đồng cốt, đồng mẫu thờ vị thần chủ là bà Liễu Hạnh, dòng đồng này có sau vào tầm cuối thế kỉ 16 -17.
Bối cảnh xã hội của dòng đồng cốt ra đời khi kinh tế thương mại phát triển và một tầng lớp thương nhân mới đang lên của nền kinh tế Việt Nam thời đó rất cần có một vị thần chủ để đảm bảo về mặt tâm linh trong làm ăn cho nên hình tượng mẫu Liễu Hạnh được xây dựng”.
Phải nói rằng hiện tượng lên đồng là hiện tượng không mới, trong văn hóa dân gian Việt Nam. về cổ tầng của nó liên quan đến tục lập thi, đây là tập tục dùng người đang sống nhưng có mối liên hệ huyết thống với người đã chết làm người thần dựa.
Để nhằm mục đích cầu hồn người chết về nhập vào thân hình của người thần dựa để giao tiếp với người thân còn sống.
Người ngồi đồng đó đóng vai trò như một người thần dựa (trung gian) tục này có từ rất là cổ xưa từ thời Xuân Thu chiến quốc ở bên Trung Quốc rồi lan rộng ra cả khối cư dân bách Việt.
Ở Việt Nam ta cũng có tục ấy với nhiều tên gọi như: Khiêu đồng, đá đồng, mê đồng tử, đồng nhi…
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai - trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng, viện nghiên cứu tôn giáo. Ảnh: Tùng Dương. |
Trước đây khi thực hành nghi lễ lên đồng thường có hai đối tượng, một là pháp sư và một là người ngồi đồng hay còn gọi là người trung gian.
Người ngồi đồng xưa kia thường là những đứa trẻ hay còn gọi là đồng nhi, do quan niệm rằng những đứa trẻ này tâm hồn còn tinh khiết nên dễ có khả năng cảm nhiễm những năng lượng ở bên ngoài vào cơ thể.
Để cho đứa trẻ đó lên đồng được thì Pháp sư phải làm các động tác, hoặc có kĩ thuật để thôi miên đứa trẻ khiến chúng mê man không biết gì và đó là lên đồng nguyên bản từ xa xưa ở nhiều cộng đồng người trong khối Bách Việt cổ.
Sau này các hình thức lên đồng phổ biến ở người Việt có hai dạng: lên đồng phù thủy để mời gọi vong linh đức Thánh Trần về trừ tà sát quỷ và lên đồng Mẫu để cầu tài cầu lộc.
Người ngồi đồng được cho là sẽ thông linh với các vị thần, thánh để bảo trợ cho con người.
Chủ thể lên đồng hiện nay bao gồm tất cả người có và không có căn tính như nông dân, công nhân, công chức, học sinh, thương gia, chính trị gia… Ảnh: Tùng Dương. |
"Ở khía cạnh khác, người chủ thể lên đồng cũng tin rằng khi lên đồng, họ sẽ cảm nhiễm được các linh hồn của các vị thần, thánh vào cơ thể của mình, hoặc có thể tiếp xúc với thánh thần; các linh hồn thánh thần sẽ giáng vào cơ thể họ.
Và những người tham gia hầu đồng sẽ có cơ hội để cầu xin thần thánh phủ hộ những ước muốn của con người đời thường", Tiến sĩ Mai chia sẻ.
Thực trạng của hầu đồng hiện nay
Thời xưa thì những người trung gian thường là những người rất có khả năng mà khi lên đồng, họ cảm nhiễm được những năng lượng từ bên ngoài vũ trụ
Những năng lượng đó là gì thì cho đến nay khoa học vẫn chưa giải thích và bóc tách rõ được, khi người ta lên đồng thì sẽ rơi vào trạng thái ý thức mờ đi và vô thức trỗi dậy.
Với những người có căn tính đặc biệt kiểu như nửa âm, nửa dương nên dễ cảm nhiễm năng lượng vũ trụ; nếu giải thích theo khoa học thì khi lên đồng rất có thể người ngồi đồng có thể xuất hiện tâm linh (những dải ý thức bất bình thường).
Mà có thể thông linh được với vũ trụ hoặc với thế giới âm. Khi lên đồng đa số người ngồi đồng mê man (Đồng mê). Đó là lên đồng cổ xưa và người trung gian làm được những việc như vậy.
“Những hiện tượng, hoặc cá nhân lên đồng như vậy hiện nay là rất hiếm, không còn. Theo dõi của tôi trong 20 năm qua chưa gặp hiện tượng nào lên đồng nhập hồn như vậy, lên đồng ngày nay đa số đều tỉnh táo và chủ yếu là biểu diễn nghi lễ.
Phân biệt đồng có khả năng tâm linh và đồng hiện đại thì khi hầu đồng người ta mê hoàn toàn, đến mức khi tỉnh lại người đó hoàn toàn không biết mình đã làm những gì, nói gì và hành động ra sao”, Tiến sĩ Mai nói.
Sau năm 1986 chúng ta có một chính sách bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, các di sản tín ngưỡng văn hóa được phục hưng trở lại và trong bối cảnh đó có lên đồng.
Lên đồng ngày nay đã bị nhiều người hiểu sai hoặc cố tình làm sai. Ảnh: Tùng Dương. |
Thời điểm này hầu đồng tiếp cận ngay với nền kinh tế thị trường mà nền kinh tế này đòi hỏi hai yếu tố quan trọng là tiền và quyền lực thì lập tức người ta tìm ngay thấy hai vấn đề đó ở nghi lễ lên đồng thờ đức thánh Trần và đức thánh Mẫu.
Chính vì vậy mà hiện tượng lên đồng trở lại và bùng phát một cách mạnh mẽ, nhưng giai đoạn đầu của nó bị biến tướng chưa nhiều, những canh đồng vẫn trộn lẫn người có khả năng (dù là rất ít) và những đồng không có khả năng.
Càng gần đây do tác động của quy luật cung – cầu, cộng với nhu cầu của con người thời kinh tế thị trường và đặc biệt là tư duy sử dụng tín ngưỡng cho mục đích cầu tài cầu lộc, chính vì thế mà hầu đồng bị biến tướng.
“Hầu đồng hiện đại bây giờ thì người ngồi đồng có khả năng tâm linh rất ít bởi lí do: Trước đây hầu đồng chỉ khu trú ở những người có căn tính đặc biệt, bản thân thể tạng của họ đã khác những người bình thường còn ngày nay người ngồi đồng có thể là bất kỳ ai muốn lên đồng, thích lên đồng.
Theo tôi nghiên cứu thì những người ngồi đồng xưa thường mắc bệnh tâm thần, điên dở, những người có trạng thái tâm sinh lý không bình thường và được dân gian cho là những người có căn đồng.
Xét về mặt tâm lí và qua những nghiên cứu cận tâm lí cho thấy những người như vậy có ý thức không mạnh như người bình thường và khi ở vào trạng thái đặc biệt, với không gian đặc biệt của thực hành nghi lễ và niềm tin tôn giáo cộng với khả năng tự ám thị cái vô thức có thể trỗi dậy rất mạnh.
Qua tiếp xúc những người như vậy, họ thường biểu hiện nói năng lảm nhảm hoặc bất chợt họ nhìn thấy một hình ảnh gì đó mà người khác không nhìn thấy hoặc buổi đêm họ hay mơ thấy người âm. Chính vì thế những người này hay đi làm những việc tâm linh”, Tiến sĩ Mai nói.
Bây giờ nhiều người lên đồng chỉ là biểu diễn chứ không còn đúng với mục đích tín ngưỡng dân gian như xưa. Ảnh: Tùng Dương. |
Theo các nghiên cứu thì từ năm 1986 đến nay thì các đối tượng đồng đã mở rộng ra rất nhiều và đương nhiên chủ thể thay đổi, mở rộng đối tượng thì bản chất sự việc cũng sẽ thay đổi theo.
Chủ thể lên đồng hiện nay bao gồm tất cả người có và không có căn tính như nông dân, công nhân, công chức, học sinh, thương gia, chính trị gia…
Có người thì múa mang tính chất biểu diễn, có không ít người múa rất là vụng và có thể nói là rất xấu. Tóm lại thời nay chỉ là diễn xướng lên đồng chứ hoàn toàn không hề có bản chất và mục đích tín ngưỡng dân gian như xưa.
Nhiều đứa trẻ hiện nay không phải vì những yếu tố đặc biệt như đã nêu trên phải ra trình đồng mà chỉ vì ông, bà hoặc cha mẹ chúng thích hầu đồng thì gia đồng cho chúng, hơn nữa bản tính trẻ con vì được thay nhiều quần áo sặc sỡ, tô son đánh phấn và được múa nên chúng thấy thích.
Những người lên đồng hiện nay bị động rất nhiều hoặc rơi vào những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thất bại trong làm ăn, gia đình tan vỡ, nghe rỉ tai đi hầu đồng cầu tài cầu lộc sẽ may mắn và lập tức là họ gia trình đồng.
Tham gia hầu đồng là thăng quan tiến chức?
“Hiện nay tôn giáo hầu đồng đã bị định hình là tôn giáo cầu tài cầu lộc dẫn đến rất nhiều người lao theo mà không suy nghĩ.
Tâm lí đám đông của người Việt bị chi phối rất mạnh, khi một sự việc mà chính bản thân họ thấy không cần thiết, không đúng nhưng khi nghe nhiều người nói quá thì cũng tặc lưỡi làm theo.
Đó là suy nghĩ không phải bằng lí trí, tức là không có căn cứ khoa học. Vì vậy mà có những người được hỏi thì họ trả lời là không tin lắm nhưng vẫn cứ làm để cho yên tâm.
Đây là chưa kể lao vào những việc này rất tốn kém, đối với người giàu thì không phải vấn đề gì lớn, nhưng với những gia đình bình thường thì rất khó khăn, không làm theo thì lo lắng, nhưng theo thì lại bị vướng vào gánh nặng tiền bạc.
Họ quan niệm hầu đồng sẽ được thăng quan tiến chức thì đó là ý chủ quan của con người, cho đến nay chưa có một nghiên cứu hay tài liệu nào nói đi hầu đồng là được thăng quan tiến chức”, Tiến sĩ Mai nói.
Cho đến nay chưa có một nghiên cứu hay tài liệu nào nói đi hầu đồng là được thăng quan tiến chức. Ảnh: Tùng Dương. |
Công năng của hầu đồng
Một công năng khá đặc biệt trong thực hành nghi lễ lên đồng thời hiện đại, các điệu múa trong nghi lễ lên đồng là một dạng thiền động rất tốt cho việc phóng thích cảm xúc, giúp giải phóng năng lượng tiềm ẩn trong cơ thể con người
Trong môi trường diễn xướng đặc biệt có âm nhạc, hương, đèn, nến, được thay đổi các trang phục, con người ta đứng giữa tập thể hàng trăm người tín nhiệm mình, tung hô, khẩn cầu, chắp tay lạy và coi mình như một vị thần.
Tất cả những thứ đó cực kì có tác dụng đối với những người có tâm lí đã bị bầm giập, bị dồn nén, bị thất bại trong cuộc sống, nó giúp cho người ta cân bằng lại trạng thái tâm lí.
Đây là dịp họ thoải mái phóng thích, họ muốn phán gì thì phán, ban phát. Trạng thái này rất tốt cho thần kinh giúp con người ta cân bằng lại trạng thái tâm lý sau mỗi canh hầu.
Điều này cho thấy lên đồng hiện đại có những mặt trái là có nhiều người lợi dụng để trục lợi tâm linh nhưng nó cũng có những mặt tốt về giải tỏa tâm lí, cảm xúc cho con người, nhất là với nhóm xã hội đặc thù..