Ngày 28/2/2019, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng với các thành viên trong Thường trực Hiệp hội đã đến thăm, làm việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đón tiếp và làm việc với đoàn có Giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng nhà trường, Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền – Trợ lý Hiệu trưởng, các thầy Phó Hiệu trưởng và Trưởng, phó phòng ban chức năng thuộc trường.
Trước khi vào làm việc, đoàn đã được lãnh đạo nhà trường đưa đi tham quan khu học tập, khu ký túc xá, thư viện, phòng truyền thống…của nhà trường.
Giáo sư Trần Hồng Quân và đoàn công tác tham quan hội trường của Trường Tôn Đức Thắng (ảnh: P.L) |
Báo cáo với các thành viên thuộc Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền cho biết, được thành lập vào năm 1997, trực thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, cho tới nay, nhà trường có 17 khoa chuyên môn, hơn 23.000 sinh viên và hơn 1.300 giảng viên, nhân viên (gần 45% là tiến sĩ trở lên), 58 đơn vị phòng ban trực thuộc.
Năm 2008, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập tự chủ về mặt tài chính, và đến đầu năm 2015, trường được cho phép tự chủ toàn diện.
Lãnh đạo nhà trường xác định rằng, muốn tự chủ toàn diện bền vững thì phải gắn liền với chất lượng, thì mới có thể thu hút được người học, phụ huynh.
Muốn được như vậy, mỗi năm, nhà trường đều thực hiện việc đánh giá nội bộ, và hai năm một lần, nhà trường thực hiện việc đánh giá ngoài.
Trường luôn thực hiện việc chính sách quản trị, với những mục tiêu thực hiện rất nghiêm ngặt, dựa trên các hành lang pháp lý, tiêu chuẩn hóa, giám sát việc thưởng phạt, tiết kiệm và cuối cùng là có một chế độ thu nhập hiệu quả.
Toàn trường có đến 600 camera quan sát, bố trí việc giám sát rất chặt chẽ, đều đặn thì dần dần, tất cả mọi công việc sẽ đi vào nề nếp.
Đoàn công tác đang nghe Thạc sĩ Trịnh Minh Huyền thuyết minh về phòng, ban chức năng trường (ảnh: P.L) |
Cho tới nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được một số thành quả nhất định. 100% sinh viên của trường tốt nghiệp đều có việc làm ngay trong năm đầu tiên.
Các thành tích trong nghiên cứu khoa học của trường luôn ở mức rất cao, so với nhiều trường đại học khác của Việt Nam.
Trường có 3 thông điệp luôn muốn nhắn gửi tới toàn thể giảng viên, nhân viên, viên chức của trường, đó là: “Không gì quan trọng hơn trong việc đảm bảo hiệu quả trong mọi hoạt động”, “Không gì đáng quí hơn sự công bằng trong mọi ứng xử”, “Không gì đạo đức hơn tinh thần phụng sự đất nước”.
Giáo sư Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng chia sẻ: Trong suốt thời gian vừa qua, đã có trên 300 trường đại học, khoảng 600 trường trung học phổ thông trong cả nước đã đến thăm, học tập kinh nghiệm của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Người đứng đầu Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói tiếp: Với nguồn nhân lực ban đầu, khi mới thành lập là chỉ có 9 người, gần như là một con số 0, không nhận sự giúp đỡ bất cứ thứ gì về mặt tài chính từ cơ quan chủ quản,
Hay nguồn vốn từ Chính phủ là rất ít, ngay từ ban đầu, các thành viên lãnh đạo trường đã xác định rằng, không chịu lùi bước, không chịu khuất phục hay chịu thua những điều không đúng của luật lệ.
Thường trực Hiệp hội làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ảnh: P.L) |
Cho tới nay, đã có sinh viên của 20 quốc gia trên thế giới có mặt, học tập ở Trường Đại học Tôn Thắng.
Chính vì vậy, trong giai đoạn phát triển mới, nhà trường đặt ra phương châm hành động “Vì sự khai sáng của nhân loại”, luôn coi trọng tính hiệu quả, phụng sự, công bằng và dẹp hết các tôi cá nhân của mỗi người, luôn vì sự phát triển của nhà trường.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: Mô hình sự phát triển của Trường Đại học Tôn Đức Thắng là rất có ích, cần được nhiều trường học trong cả nước đến đây tham khảo.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, những khó khăn trong việc tự chủ là có, nhưng Trường Đại học Tôn Đức Thắng vẫn vượt qua được, phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.
Việc tự chủ sẽ giúp cho các trường có thêm động lực mạnh mẽ, sáng tạo được nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của nền giáo dục đại học tại Việt Nam.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã biết khai thác thế mạnh của trường công, cơ quan chủ quản chấp nhận cơ chế của một trường tư, biết chú trọng yếu tố con người, thì cho dù có khó khăn như thế nào, Giáo sư Trần Hồng Quân luôn mong rằng, nhà trường sẽ phát triển tốt hơn nữa trong mọi giai đoạn, luôn là một trường hình mẫu như kỳ vọng của xã hội.
Cuối cùng, Giáo sư Trần Hồng Quân nói, mô hình phát triển như Trường Đại học Tôn Đức Thắng cần được nhân rộng về mặt cơ chế tự chủ trong các trường công lập ở tại Việt Nam.