Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô?

01/03/2019 06:09
Hồng Thủy
(GDVN) - Chính phủ bỏ mô hình bán công thì Hà Nội làm trường tự chủ tài chính, trường chất lượng cao; Chính phủ chỉ cho trường tư liên kết nước ngoài, Hà Nội ngược lại.

Về thực trạng trì trệ của giáo dục Thủ đô, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng loạt bài phân tích, phản biện và góp ý chính sách đích danh, cụ thể, nhiều lần liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhưng không nhận được sự hợp tác, dư luận cứ nói, việc Sở cứ làm, dù trái quy định.

Nhà nước quy định một đằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm một nẻo

Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 8/4/2005 của Chính phủ chỉ đạo:

Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Quyền sở hữu của các cơ sở ngoài công lập được xác định theo Bộ luật Dân sự. Tiến tới không duy trì loại hình bán công.

Chính phủ quyết định bỏ loại hình bán công bởi mô hình công lập và tư thục vận hành theo 2 cơ chế rất khác nhau để thực hiện 2 nhiệm vụ khác nhau.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến về tuyển sinh thí điểm mô hình song bằng năm học 2018-2019 tại Báo Nhân Dân, ảnh: Báo Nhân Dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tọa đàm trực tuyến về tuyển sinh thí điểm mô hình song bằng năm học 2018-2019 tại Báo Nhân Dân, ảnh: Báo Nhân Dân.

Trường công lập làm nhiệm vụ chính trị phổ cập giáo dục, tư thục đáp ứng nhu cầu và cung cấp lựa chọn đa dạng cho dân.

Trường công lập chỉ được thu học phí theo quy định và thông thường rất thấp, để con em nhân dân lao động điều kiện kinh tế còn khó khăn vẫn có thể hoàn thành chương trình phổ thông. 

Chăm lo cho các nhóm yếu thế trong xã hội, phát triển giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà khối tư thục không làm được, là trách nhiệm của nhà nước.

Trường tư thục thu học phí theo thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học hành của con em họ, đỡ gánh nặng cho nhà nước về ngân sách lẫn biên chế, giáo dục tư thục được Nhà nước rất khuyến khích, tạo điều kiện phát triển.

Nói cách khác, giáo dục tư thục phát triển thì giáo dục công lập mới có điều kiện ngân sách để chăm lo.

Có người lập luận, vậy con em nhân dân lao động nghèo thì không được học các chương trình "chất lượng cao", "song bằng" hay sao?

Có, nhưng với điều kiện Nhà nước đài thọ chi phí toàn bộ hoặc học phí rẻ như học phí công lập hiện nay. Điều này là không thể trong bối cảnh hiện tại.

Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô? ảnh 2

Sở Giáo dục Hà Nội có đi ngược chủ trương xã hội hóa của Đảng, Chính phủ?

Còn trường công chất lượng cao, song bằng thu phí như trường tư, thậm chí đắt hơn cả một số trường tư có thương hiệu, thì con nhà nghèo làm sao theo nổi?

Nhà nước hoàn toàn có thể cấp học bổng hoặc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn nhưng chứng minh được năng lực, để theo học các chương trình phát triển tài năng cần đầu tư kinh phí lớn. 

Thiết nghĩ đó mới là bồi dưỡng nhân tài, bởi nhân tài cũng phải chứng minh năng lực và khẳng định được mình, mới có cơ sở để bồi dưỡng.

Nhưng Hà Nội lại tìm cách duy trì mô hình bán công bằng việc thay tên đổi họ thành trường công lập tự chủ tài chính, trường chất lượng cao và các trường / lớp hệ song bằng thu học phí cao và cơ chế tài chính tù mù.

Chỗ học vốn đã hiếm hoi, chen chúc vì quá tải của con em nhân dân lao động nội thành Thủ đô đang bị Sở lấy ra làm các dịch vụ song bằng, chất lượng cao, tự chủ tài chính, làm trầm trọng thêm tình trạng quá tải sĩ số trường công nội thành.

Cách làm này tạo ra sự bất công cho chính học sinh lẫn các trường tư thục.

Tại sao trong môi trường giáo dục công lập lại xuất hiện một số lớp "con nhà giàu" thu phí cao và được hưởng những gì tốt nhất (giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình...)? 

Trẻ em sẽ nghĩ thế nào về đẳng cấp xã hội trước những gì chứng kiến trong môi trường công lập?

Nhiều trường tư đang đóng góp cho sự nghiệp phổ cập giáo dục không được ưu đãi, còn đóng thuế cho nhà nước thì các lớp song bằng, trường chất lượng cao, trường tự chủ tài chính được nhà nước đầu tư, thu phí cao và không phải đóng thuế.

Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô? ảnh 3

Cứ "thỏa thuận" được với phụ huynh là thoải mái thu tiền, Bộ chỉ đạo vô nghĩa?

Ngày 19/2/2017 Báo điện tử Zing.vn dẫn lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết:

Thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.

“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. 

Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”. [1]

Chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, trường chất lượng cao phải xã hội hóa, dùng tài sản công phục vụ trường chất lượng cao là không ổn.

Ấy vậy nhưng ngày 26/11/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn làm Tờ trình số 5171/TTr-SGDĐT đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố công nhận Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân quận Thanh Xuân đạt tiêu chí trường chất lượng cao.

Ngày 13/12/2018, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý ký ban hành Quyết định số 6783/QĐ-UBND về việc công nhận Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội đạt tiêu chí trường chất lượng cao. [2]

Chưa được công nhận là chất lượng cao, Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đã vội vàng thu phí chất lượng cao;

6 trường trung học cơ sở được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thí điểm song bằng 2 lớp 6 thì Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân "thí điểm" song bằng thêm 2 lớp 7. [3]

Chưa kể Điều 2. Nguyên tắc phát triển trường chất lượng cao, Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ rõ:

Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập. [4]

Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô? ảnh 4

Cơ sở chính sách, pháp lý bãi bỏ cơ chế xin cho chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp

Năm học 2018-2019 sĩ số bình quân lớp 1 các trường công lập của quận Thanh Xuân là 60,7 học sinh / lớp, cao nhất Hà Nội.

Thanh Xuân có 11/12 trường tiểu học công lập sĩ số bình quân trên 55 học sinh/lớp. [5]

5 năm nữa thôi, Hà Nội nói chung, Thanh Xuân nói riêng lấy đâu ra trường lớp cho lứa học sinh này vào trung học cơ sở, mà cố thúc đẩy trường công "chất lượng cao"?

Hay quá tải sĩ số cũng mặc, việc đó để nhiệm kỳ sau giải quyết?

Còn về thí điểm song bằng, Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, Điều 6 Đối tượng liên kết giáo dục, quy định:

Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.

Phải chăng Nghị định 86/2018/NĐ-CP không có hiệu lực với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội?

Tại sao ngay giữa Thủ đô lại có tình trạng trên chỉ đạo một đằng, dưới thực hiện một nẻo như vậy?

Mãnh lực đồng tiền đang làm méo mó giáo dục?

Mức học phí trường công lập địa bàn thành thị của Hà Nội năm học 2018-2019 là 155 ngàn đồng / tháng / học sinh;

Trong khi đó "trần học phí chất lượng cao" của Thủ đô cùng năm là 4,7 triệu đồng / tháng / học sinh mầm non, tiểu học; 4,9 triệu đồng / tháng / học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Năm học 2019-2020 các trường "công lập chất lượng cao" này sẽ được tăng học phí lên mức 5,1 triệu đồng / tháng / học sinh mầm non, tiểu học và 5,3 triệu đồng / tháng / học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông "chất lượng cao".

Các lớp song bằng thí điểm còn được thu thoải mái hơn, ngoài học phí 5,6 triệu / tháng / học sinh trung học cơ sở hoặc 7,5 triệu đồng / tháng /học sinh trung học phổ thông, còn các khoản thu khác như đề án của Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân đã liệt kê. [4]

Mãnh lực nào đang làm méo mó giáo dục Thủ đô? ảnh 5

Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu

Nhân mức học phí này với sĩ số là ra ngay mức thu hàng tháng của các trường chất lượng cao, song bằng.

Chỉ cần 1000 học sinh mỗi cơ sở "chất lượng cao" hay tự chủ tài chính, số tiền thu về hàng tháng là bao nhiêu?

Trong khi các trường này cơ sở vật chất nhà nước đầu tư, không phải đóng thuế và chi tiêu thế nào không ai biết ngoài câu cửa miệng "thu đủ bù chi".

Cho đến hiện nay, chúng tôi mới thấy chỉ có Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân công khai đề án thí điểm song bằng, nhưng lại cắt bỏ Phần V. Tài chính và Phần VI. Phụ lục.

20% học phí song bằng được các trường thí điểm giữ lại làm chi phí quản lý, 80% học phí của các lớp thí điểm song bằng được trả cho một doanh nghiệp tư nhân mà không thông qua kho bạc Nhà nước, không biết có đóng thuế hay không, nếu có thì đóng bao nhiêu.

Phải chăng đây là những kẽ hở được thiết kế sẵn để nguồn thu dồi dào chảy vào túi ai đó, và đây là động lực chính để người ta cố phát triển mô hình bán công bằng cách thay tên đổi họ cho nó, dù Luật Giáo dục 2005 đã bãi bỏ mô hình này?

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có dám công khai minh bạch thu chi tài chính của các trường này cho nhân dân giám sát? Thiết nghĩ khi đã sử dụng nguồn lực nhà nước và tiền thuế của dân, người dân có quyền đòi hỏi sự minh bạch.

Một vị hiệu trưởng đề nghị giấu tên, cho biết, phát triển mô hình bán công dưới tên gọi trường chất lượng cao, tự chủ tài chính, song bằng hay gì đi nữa, cũng là cách biến tài sản công thành lợi ích của một nhóm người. 

Tất cả những vấn đề tồn tại trong thực tiễn chính sách giáo dục Thủ đô mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu ra, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hầu như né tránh;

Sở hạn chế cung cấp thông tin và vẫn tiếp tục làm những gì mà chúng tôi nhận thấy trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Đảng, Nhà nước đang khuyến khích, thúc đẩy.

Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, liệu đã đến lúc Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội xem xét tới trách nhiệm nêu gương của cán bộ đứng đầu cơ quan này?

Tài liệu tham khảo

[1]https://news.zing.vn/ha-noi-xoa-co-che-dau-tu-truong-chat-luong-cao-post722007.html

[2]https://www.thudo.gov.vn/newsdetail.aspx?NewsID=ff281c9e-d02a-3e4e-a227-3415cdb342e7&CateID=96bafa2f-25de-5242-90fb-6f9a70a8bcb5&fbclid=IwAR2nL5qDQa_A7Ol7F0sy7QVKyrypZN0r0dBkq0cpieyJwJSJM8vJvDfvNhI

[3]http://thcsthanhxuan.edu.vn/chuyen-muc/de-an-thi-diem-dao-tao-chuong-trinh-song-bang-thcs-viet-nam-va-chung-chi-igcse-c124-451.aspx

[4]https://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/12079/DLFE-31628.pdf

[5]https://vnexpress.net/infographics/truong-tieu-hoc-noi-thanh-ha-noi-qua-tai-hoc-sinh-lop-1-3815097.html

Hồng Thủy