Thực trạng hiện nay trong nghi lễ tôn giáo hầu đồng có nhiều đồng thầy phán truyền mang tính chất dọa dẫm, tạo hiện tưởng giả căn nhằm lôi kéo những người ít hiểu biết phải ra trình đồng, nhằm trục lợi.
Hiện tượng này bùng phát, diễn ra ở khắp mọi nơi với tất cả các dòng đồng, không chỉ trong các phủ, các đền, mà ở các điện thờ tư nhân cũng tổ chức. Đây là sự biến tướng, trục lợi gây hậu quả thiệt hại về kinh tế cũng như ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của xã hội.
Hầu đồng là tín ngưỡng văn hoá chỉ để giải toả tâm lý, không thể mang lại giàu sang hay chức quyền. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Tứ - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: “Vai trò của Đồng thầy trong tín ngưỡng thờ mẫu và nghi lễ hầu đồng rất quan trọng, sau khi trình đồng nếu chuyên cần, tu tâm, hành đạo trên 12 năm thì thanh đồng đó sẽ được tôn vinh lên hàng đồng thầy.
Đồng thầy có vị thế và tiếng nói cao nhất trong bản hội, họ định hướng, đồng thời là trung tâm quy tụ, đoàn kết các thanh đồng theo quy ước “nếp nhà”, và các con nhang đệ tử phải tuân thủ.
Đồng thầy có phẩm hạnh, gương mẫu, nghiêm chỉnh về lề lối thì bản hội sẽ có nề nếp, có trên có dưới. Ngược lại, nếu đồng thầy không có hiểu biết về đạo mẫu, tham lam, lợi dụng phán truyền mang tính chất dọa dẫm, trục lợi thì các thanh đồng có thể học theo thói xấu đó, dẫn đến sự biến tướng trong nghi lễ hầu đồng như hiện nay”.
Bản hội là một mạng lưới tự nhiên của những người theo tín ngưỡng thờ Mẫu, và hình thức Câu lạc bộ Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu được coi như là bản hội mở.
Hiện tượng các đồng thầy tự phong danh hiệu hoặc chạy danh hiệu hiện nay khá phổ biến. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Thực tế hiện nay bản hội do đồng thầy đứng đầu thường sinh hoạt theo nhóm riêng lẻ mà chưa có sự liên kết giữa các bản hội, dẫn đến thiếu sự đoàn kết giữa các bản đền và các thanh đồng.
Hiện tượng các đồng thầy tự phong danh hiệu hoặc chạy danh hiệu hiện nay khá phổ biến, nguyên nhân do có rất nhiều tổ chức được phép cấp bằng công nhận dẫn đến việc loạn nghệ nhân.
Điều đó dẫn đến hiện tượng bằng mặt không bằng lòng, thậm chí nói xấu, chê bai, ganh đua giữa các bản hội hoặc giữa các đồng thầy, làm mất đi thiện cảm của xã hội đối với các thanh đồng.
Hầu hết đồng thầy hiện nay không dạy các thanh đồng chữ tâm và luân thường đạo lý, mà chỉ chú tâm vào truyền dạy lịch sử các quan và các nghi lễ múa hầu đồng, đó cũng là một nguyên nhân làm cho các thanh đồng thiếu hiểu biết về đạo mẫu nên dẫn đến những hành vi lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi.
Nhiều thanh đồng thừa nhận là họ chưa có được hệ thống kinh sách chuẩn mực về phép tắc hành đạo, hiểu biết chung về tín ngưỡng thờ mẫu còn rất mù mờ, dẫn đến thiếu sự nhất quán trong việc hành lễ, ai cũng cho rằng mình là chuẩn mực nhất”, ông Phạm Tứ chia sẻ.
Quan niệm đi hầu đồng để cầu gì được nấy là sai lầm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Nhiều người chỉ hiểu một cách đơn giản là hầu đồng càng nhiều càng tốt, bỏ qua việc tu dưỡng. Nhiều đồng thầy coi tổ chức hầu đồng là một nghề kiếm tiền, chỉ trú tâm vào các dịch vụ tâm linh, bao trọn gói với bảng giá chi tiết từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu và thậm chí cao hơn nữa.
Có không ít đồng thầy thừa nhận đã trực tiếp làm lễ mở phủ trình đồng cho rất nhiều con nhang, đệ tử nhưng cũng không dám chắc những người đó có căn đồng thật hay không, cứ thấy họ nhờ là các thầy làm lễ.
Nhiều đồng thầy có tiếng là nhập đồng hoàn toàn trong khi hành lễ, nhưng đến khi phát lộc, thầy toàn phát tiền mệnh giá lớn, lộc có giá trị cho những cán bộ có mặt ở đó trước rồi mới đến những con nhang thập phương.
Về hình thức truyền dạy nghi lễ hầu đồng có nhiều cách thức nhưng quy lại, từ xưa đến nay thường truyền dạy theo cách mở phủ ở đền, điện của đồng thầy, theo tinh thần làm lính có công, làm đồng có phép.
Thực tế là mỗi đồng thầy có một phong cách riêng nên điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến các tân đồng sau khi được mở phủ. Cá biệt có thầy chưa đủ trình độ và kỹ năng nên làm cho tân đồng mắc lỗi theo thầy.
Biến tướng trong hầu đồng gây ra rất nhiều hệ luỵ cho xã hội. Ảnh: Thanh Huyền. |
Cũng theo ông Phạm Tứ: “Nên tạo điều kiện cho các đồng thầy có uy tín trong giới đồng, có phẩm chất đạo đức tốt, có hiểu biết sâu về đạo mẫu tham gia trực tiếp vào việc triển khai các hoạt động chấn hưng, định hướng văn hóa thờ mẫu, cần xây dựng các mô hình bản hội tiêu biểu.
Như vậy, đồng thầy sẽ có vai trò trung gian, đại diện cho tiếng nói của một nhóm cộng đồng thờ mẫu, đồng thời là người được cơ quan quản lí nhà nước giao cho tự quản bản hội của mình theo quy chế đã được quy định”.
Có những người tối mắt vì tiền, lợi dụng thánh thần để làm trò bịp bợm |
Theo khảo sát của Hội di sản văn hóa Thăng Long tháng 12/2018 về số lượng đền thờ mẫu, phủ, điện, chùa có ban thờ mẫu ở 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy:
Hà Nội là địa phương có nhiều đền, điện, phủ thờ mẫu nhất cả nước với 580 đền, phủ, miếu thờ mẫu; 1.640 chùa có phối thờ mẫu.
Hơn 1.200 điện tư gia; 2.050 thanh đồng; 570 đồng thầy; gần 800 thủ nhang và hơn 800 đồng đền, đồng điện.
Trước thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay tại Hà Nội, ông Phạm Tứ chia sẻ: “Vì chưa có văn bản cụ thể về quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng thờ mẫu, hầu đồng dẫn đến nhiều cán bộ văn hóa, chính quyền, mặt trận tổ quốc… cũng không hiểu nên không biết thực hiện việc quản lý hoạt động diễn ra ở các đền, điện thờ trên địa bàn mình phụ trách như thế nào.
Những cán bộ này được các chủ đền mời đến dự, xem hầu đồng để nhận xét nhưng họ chỉ ngồi đó xem, xong thụ lộc rồi về, còn các thầy làm sai hay đúng cũng không biết và không tham gia ý kiến gì”.