Xung đột cơ cấu dẫn đến va chạm thương mại Trung-Mỹ

04/03/2019 14:24
Thanh Bình
(GDVN) - Căn nguyên thực sự thúc đẩy sự va chạm về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là xung đột cơ cấu sau khi kinh tế hai nước phát triển đến mức độ nhất định.

Cho dù có nhiều yếu tố bị tác động bởi chính trị nhưng căn nguyên thực sự thúc đẩy sự va chạm về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua vẫn là xung đột cơ cấu sau khi kinh tế hai nước phát triển đến mức độ nhất định.

Xung đột này không thể bị xóa bỏ cùng với sự phát triển liên tục của kinh tế hai nước mà ngược lại có thể tồn tại trong thời gian dài.

Bài viết này sẽ cung cấp thêm một số phân tích về cơ cấu kinh tế của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới để giải thích lý do va chạm thương mại Trung-Mỹ.

Xung đột cơ cấu dẫn đến sự va chạm thương mại Trung-Mỹ trong thời gian qua (Ảnh: SCMP).
Xung đột cơ cấu dẫn đến sự va chạm thương mại Trung-Mỹ trong thời gian qua (Ảnh: SCMP).

Đối với Mỹ, sự mất cân bằng giữa ngành sản xuất công nghệ cao và công nghệ thấp ngày càng gia tăng, sự rạn nứt của toàn bộ nền kinh tế đất nước ngày càng rõ rệt.

Một mặt, thông qua nỗ lực không ngừng trong nhiều năm, Mỹ dần dần chiếm ưu thế trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ mũi nhọn trên toàn thế giới, thậm chí đã chiếm vị trí độc quyền.

Nhiều phương thức trong lĩnh vực này như phí chuyển giao công nghệ, phí bản quyền hoặc tiêu thụ thiết bị công nghệ cao đã đem lại lợi ích đáng ngạc nhiên cho Mỹ.

Mặt khác, trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế Mỹ, do ngành công nghiệp ở mức trung bình và thấp không được đầu tư đầy đủ, môi trường phát triển khá tồi tệ, dẫn đến chuỗi sản xuất bị chia cắt nghiêm trọng.

Tuy giá trị sản phẩm thu được từ ngành công nghiệp trung bình và thấp rất ít nhưng thường lại là lĩnh vực chủ yếu để tạo ra việc làm.

Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực chủ yếu tạo ra của cải trong xã hội, hơn nữa chi phí đầu tư khá thấp cũng có lợi cho việc giảm rủi ro tiền vốn của thị trường.

Tại sao Mỹ phản đối mô hình kinh tế Trung Quốc?

Do đó, ngành công nghiệp có trình độ thấp bị thu hẹp quá mức sẽ có thể xói mòn nghiêm trọng đến nền tảng kinh tế quốc gia.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ở mức trung bình và thấp thường là động lực thúc đẩy quan trọng xuất khẩu của quốc gia.

Thông qua xuất khẩu để thu hồi vốn có thể cung cấp tiền vốn cho ngành công nghệ cao, đồng thời chia sẻ rủi ro để phát triển kinh tế.

Tuy lợi nhuận của ngành công nghệ cao rất lớn nhưng lại có rất nhiều khiếm khuyết như chi phí nghiên cứu ban đầu quá cao.

Điều đó dễ dẫn đến làm giảm lợi nhuận từ thị trường do mức độ khó khăn khi chuyển hóa thị trường sản phẩm nên rất khó thu hồi vốn trong thời gian ngắn.

Sự phát triển công nghệ quá nhanh khiến cho sản phẩm dù chưa được sự chấp nhận của thị trường đã bị đào thải.

Còn đối với Trung Quốc, là một nước lớn, cấp độ thấp trong chuỗi giá trị kinh tế thế giới với thời gian dài là điều mà lòng tự tôn dân tộc khó chấp nhận, cũng không có lợi cho sự ổn định lâu dài.

Mô hình phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào lượng của Trung Quốc đã không thể đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong thời đại mới, chỉ có tiến vào cấp độ cao của chuỗi giá trị mới thay đổi được tình trạng khó khăn khi lượng quá lớn mà chất thì bất cập.

Triển vọng tích cực cho quan hệ thương mại Mỹ-Trung trong năm 2019

Mấy chục năm qua, Trung Quốc đã có bước đột phá to lớn trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Những đột phá đó có thể thay đổi căn bản mô hình thương mại Trung-Mỹ hiện nay từ bổ sung cho nhau chuyển sang cạnh tranh.

Tổng lượng kinh tế của Trung Quốc rất lớn, một khi hoàn thành toàn bộ việc nâng cấp chuyển đổi mô hình kinh tế thì có thể xuất hiện sự trùng lặp nhiều về ngành công nghệ cao với Mỹ.

Vì vậy, Mỹ sẽ buộc phải đối mặt với việc cung cấp sản phẩm trong ngành công nghệ cao mà họ chiếm ưu thế, thậm chí là tăng cường độc quyền, tạo ra cục diện nhu cầu thị trường bị thu hẹp.

Do đó, cùng với việc đẩy nhanh nâng cấp cơ cấu công nghiệp của Trung Quốc, va chạm trong lĩnh vực công nghệ cao giữa Trung Quốc và Mỹ có thể không ngừng tăng lên.

Kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc ngày càng tăng đã thúc đẩy nước này thay đổi hệ thống tài chính quốc tế, vốn không có lợi cho quy tắc của Trung Quốc.

Theo đó, Trung Quốc đã tăng tỉ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ (NDT) trong thương mại quốc tế nhằm tạo ra môi trường quốc tế tốt đẹp để phát triển kinh tế lâu dài hơn.

Trung Quốc tăng tỉ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ được nhận định nhằm thách thức vị trí bá quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu (Ảnh:businessinsider.com).
Trung Quốc tăng tỉ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ được nhận định nhằm thách thức vị trí bá quyền của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu (Ảnh:businessinsider.com).

Việc làm này có thể xung đột lợi ích căn bản với Mỹ bởi vì đồng USD của Mỹ vốn dĩ đang giữ vị thế bá quyền trong hệ thống tài chính quốc tế hiện nay.

Nếu đồng nhân dân tệ tác động thái quá đến địa vị bá quyền của đồng USD, đặc biệt là nếu làm lung lay truyền thống ép buộc sử dụng đồng USD để thanh toán nguyên liệu thô thì có thể trực tiếp làm lung lay căn bản nền kinh tế Mỹ.

Nhận định va chạm thương mại leo thang thành chiến tranh thương mại rất dễ dẫn đến định hướng sai lầm, có thể cản trở việc giải quyết vấn đề.

Chỉ có phân tích bình tĩnh và thực tế tình hình đưa ra đối sách hoặc kiến nghị thỏa hiệp mới có thể có vai trò tích cực để giải quyết vấn đề.

Tài liệu tham khảo

1. http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Tai-sao-My-phan-doi-mo-hinh-kinh-te-Trung-Quoc-post195462.gd

2. Tham khảo sách “Bad Samaritans: The Myth of Free trade and the secret history of capitalism” của tác giả Chang Ha Joon;

3. https://www.scmp.com/comment/insight-opinion/world/article/2186771/us-demand-china-give-its-economic-model-would-doom

Thanh Bình