Còn nhớ, lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là trưởng ngành giữ kỷ lục về “mong thông cảm” và có vài chục lần nhắc đến cụm từ “cố gắng” khi được chất vấn về các yếu kém trong quản lý ngành, trách nhiệm của Bộ trưởng.
Và sau phát biểu tại phiên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt ngày 6/3, người đứng đầu ngành giao thông lại tiếp tục gây sóng gió với phát ngôn khiến dư luận sôi sục.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Tại phiên giải trình này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nêu đề xuất: "Chúng tôi cũng đề xuất phương án, ai mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3".
Được biết, căn nguyên của đề xuất “dậy sóng” này được một đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái trả lời với báo chí. Theo Thông tư liên lịch 01 của Bộ Công an - Bộ Giao thông vận tải phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang bên Tổng cục Đường bộ cập nhật.
Phần mềm quản lý giấy phép lái xe của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái.
Tuy nhiên, hiện tại, phía cảnh sát giao thông mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái, mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn.
“Nhiều trường hợp tạm giữ giấy phép lái xe do vi phạm có thời hạn 1, 2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại giấy phép lái xe.
Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại”, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái của Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Cũng theo ông này, đề xuất của Bộ trưởng Giao thông vận tải với mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại. (1)
Quả thực, nếu vấn đề mấu chốt của đề xuất này là bất cập trong sự phối hợp giữa hai bên, do cảnh sát giao thông không cập nhật đầy đủ và kịp thời về các trường hợp vi phạm dẫn đến việc "lách luật", gian lận của một số người thì phải chỉnh đốn lại khâu này.
Tại sao hai cơ quan quản lý Nhà nước không thực hiện hết chức trách của mình lại đẩy hậu quả sang để làm khó người dân?
Đáng buồn nhất là đề xuất của Bộ trưởng lại trong bối cảnh khắp nơi chúng ta đang nói về cách mạng 4.0.
Vậy 4.0 thế nào được khi đến bây giờ việc quản lý, kết nối các dữ liệu vẫn kiểu “mạnh ai nấy làm” khiến chúng ta vẫn cứ loay hoay đủ các loại giấy tờ và các giấy tờ thì không liên thông được với nhau.
Có lẽ thay vì đề xuất giải pháp "buộc thi lại khi mất bằng lái", Bộ trưởng nên tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe để có học thật, thi thật.
Có thể, Bộ trưởng Thể và cả ngành giao thông đang bị đau đầu! |
Làm sao người được cấp bằng lái phải thực sự thành thục các kỹ năng điều khiển phương tiện và nắm vững các quy định của pháp luật về giao thông.
Ở khâu này, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải tại kỳ họp thứ 5, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – đoàn Nghệ An cũng nêu, cử tri hiện nay rất lo lắng về chất lượng đào tạo lái xe của chúng ta, kể cả lý thuyết và thực hành đều rất kém.
Có nguyên nhân mà cử tri đưa ra đó là công tác quản lý nhà nước của ngành giao thông vận tải có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình thi cử.
Với tư cách là Bộ trưởng, đồng chí cho biết giải pháp gì để nâng cao hiệu quả đào tạo lái xe?
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: "Tiếp thu ý kiến, chúng tôi sẽ xem xét lại tăng thời lượng thực hành, tăng thời lượng đào tạo lý thuyết, dẫn đến kéo dài thời gian đào tạo, phát sinh chi phí.
Nếu có phải làm việc này, rất mong bà con và cử tri hết sức thông cảm. Vì chúng ta phải đảm bảo chất lượng đào tạo, còn về tiêu cực trong thi cử.
Cá nhân tôi đánh giá thì rất khó xảy ra, vì thi cử, thi lý thuyết là thi trắc nghiệm, thi thực hành là chúng ta chạy trên sa bàn và chúng ta chấm điểm tự động".
Việc mà Bộ trưởng khẳng định là “rất khó xảy ra” thì đáng tiếc là nó lại xảy ra công khai như ban ngày.
Rất nhiều trang mạng công khai đăng thông tin quảng cáo nhận “làm bằng lái xe không thi”, “mua bằng lái trong tuần chạy luôn”…hiểm họa của "xe điên" cần tìm đâu xa.
Vậy ai có quyền cấp giấy phép lái xe?
Theo quy định tại Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ như sau:
1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi cả nước; Vụ Quản lý phương tiện và Người lái là tổ chức tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
2. Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng được giao nhiệm vụ quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là tổ chức tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (gọi là cơ quan quản lý sát hạch).
Những người được quyền cấp là ai? Dạ thưa, đều là quân của Bộ trưởng cả!
Trộm nghĩ, chỉ cần Bộ trưởng làm tròn trách nhiệm, quản lý ngành tốt cũng là "phúc phận" cho người dân lắm, thay vì vừa đề xuất khỏi miệng, dư luận đã “dậy sóng”.
Có lẽ, thời gian Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm trưởng ngành giao thông cũng đã đủ lâu để người dân không thể cứ mãi “thông cảm” hay chờ đợi sự “cố gắng” mà cần phải có sự thay đổi rồi.
Bởi nếu không quyết liệt, mạnh tay, cứ mỗi ngày sẽ có hàng chục người dân bước chân ra khỏi nhà và mãi mãi không trở về vì tai nạn giao thông.
Tài liệu tham khảo:
(1): https://thanhnien.vn/thoi-su/de-xuat-mat-bang-lai-xe-phai-thi-lai-khong-the-day-phan-kho-cho-nguoi-dan-1058117.html