Xin hãy giữ cho hình ảnh người thầy đẹp mãi

09/03/2019 06:51
HÀ DUNG
(GDVN) - Ngày ấy, khi nộp hồ sơ đăng ký thi vào trường sư phạm tôi không một chút đắn đo, tính toán thiệt hơn mà chỉ có niềm đam mê rạo rực xen lẫn tự hào.

Những ngày này, khi trên các trang mạng xã hội, báo chí chính thống dày đặc những thông tin tiêu cực về ngành giáo dục. Có lẽ, chưa bao giờ hình ảnh của người thầy, người cô lại buồn đến như vậy.

Dù biết rằng đó là trách nhiệm của cá nhân nhưng nó cũng khiến những người đứng trên bục giảng không khỏi chạnh lòng, buồn phiền.

Buồn vì có những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng buồn hơn là ánh mắt, cái nhìn của học sinh, phụ huynh và xã hội khi nói về nghề giáo.

Vẫn còn đó những người thầy, người cô tận tụy, miệt mài "đưa đò" bao thế hệ học sinh.
Vẫn còn đó những người thầy, người cô tận tụy, miệt mài "đưa đò" bao thế hệ học sinh.

Một đồng nghiệp của tôi từng tâm sự rằng: "nghề giáo tuy nghèo nhưng sống chuẩn mực, được mọi người yêu mến, là tấm gương cho lớp học trò noi theo.

Cái nghèo có thể chấp nhận được và vượt qua, còn cái nhìn về đạo đức nghề giáo xuống cấp thì không thể nào ngẩng lên được".

Cách đây hơn 12 năm về trước, lớp chúng tôi ngày đó bắt đầu làm hồ sơ để thi vào đại học. Câu cửa miệng của đám bạn lớp chọn ngày ấy là: “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua…”.

Hình ảnh người thầy đang trở nên méo mó, thảm thương

Cả lớp 44 bạn thì duy nhất chỉ có một bộ hồ sơ đăng ký thi vào ngành sư phạm. Đó là tôi. Ai cũng xôn xao, ngỡ ngàng cho rằng tôi chọn sai nghề, sau này sẽ khổ vì nghèo.

Nhưng bỏ lại đằng sau những châm biếm, mỉa mai lẫn những lời khuyên thật lòng, tôi bước vào nghề giáo với một niềm tin mãnh liệt đó là nghề cao quý, nghề cho ta những niềm vui bởi “những chuyến đò kiến thức”.

Và trên tất cả, hình ảnh người thầy trong tôi đẹp đẽ vô cùng.

Ký ức về người thầy bắt đầu từ câu chuyện ngày tôi học lớp 5, khi ấy tôi được tham dự đội tuyển thi học sinh giỏi. Địa điểm thi được tổ chức tại một trường học khác trong huyện, cách nhà tôi hơn 20 cây số.

4 giờ sáng, khi tôi và bố vừa dậy sửa soạn để đến trường thì nghe tiếng thầy từ ngoài ngõ. Thầy đạp chiếc xe phượng hoàng “đời” đầu những năm 80  dựng sát hàng rào rồi gọi tôi ra.

Thầy nói sẽ thay bố chở tôi đến trường thi, tranh thủ trên đường sẽ dặn dò thêm một vài bộ đề, cách giải mới.

Chiếc xe đạp cọc cạch chở 2 thầy trò băng qua những đoạn đường ruộng lầy lội, còn đọng lại những vũng nước lớn sau trận mưa. Hơn 2 tiếng vừa đi, vừa đẩy thì hai thầy trò mới về đến gần thị trấn, nơi đặt trường thi.

Trời cũng vừa hửng sáng, thầy quay lại hỏi tôi: “Em đói chưa?, Hai thầy trò mình qua bên kia ăn tạm nắm xôi nhé”. Nói rồi thầy móc trong cặp ra hai bịch xôi được gói sẵn từ tối hôm trước.

Vừa ăn xôi, thầy vừa cười đùa: “lương giáo viên chỉ đủ để cho trò nắm xôi này thôi. Không vào quán xá ăn sáng như người ta được”. Thầy cười hiền. Ăn xong hai nắm xôi, thầy trò lại ra ghế đá ôn bài.

Trước giờ vào thi, thầy dặn dò tôi đủ kiểu, từ cách chép đề, đọc đề rồi phân tích đề trước khi đặt bút vào làm.

Sau buổi thi đầu tiên, thấy tôi xụ mặt bước ra, thầy bước đến tươi cười nói: “Đề khó quá hả, không sao. Sang năm lại thử sức tiếp”. Hai thầy trò lại cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch về nhà.

Câu chuyện chỉ thế thôi, nhưng với tôi, đó là cả một miền thương nhớ, một ký ức đẹp về người thầy tận tụy, yêu trò.

Những nỗi buồn không thể buồn hơn của người thầy

Ngày đấy, chẳng có những món quà “xa xỉ” để tặng thầy như bây giờ. Ngày nhà giáo, cả nhóm ra vườn hái vài bông hoa bó thành cụm rồi mang đến nhà tặng thầy.

Khi lên cấp 2, không còn theo học cùng Thầy nhưng mỗi lần có dịp gặp Thầy đều hỏi han “học có khó lắm không em?”, “cố lên nhé”… Những lời động viên dù nhỏ thôi mà ấm áp vô cùng.

Trở lại với câu chuyện thời sự ngày hôm nay là việc cô giáo có tình cảm với nam sinh lớp 10 hay chuyện thầy giáo “gạ tình” nữ sinh…

Cả xã hội bức xúc, lên án gay gắt sự suy thoái đạo đức của một bộ phận người làm nghề giáo. Có những tiếng thở dài, nhiều điều miệt thị, xen lẫn là sự hồ nghi về đạo đức người thầy.

Khi đọc dòng trạng thái trên facebook của một phụ huynh bày tỏ sự lo sợ con em họ đến trường bị thầy cô, bạn bè xâm hại, chèn ép, tôi đã khóc.

Có lẽ điều chị phụ huynh lo lắng đó cũng đúng phần nào khi trường học đã không còn bình yên như ngày nào. Học sinh bị ép học thêm, bị thầy đánh đến nhập viện…

Nhưng chắc chắn đó không phải là bức tranh toàn cảnh về người thầy mà chỉ là một chấm đen, vấy bẩn lên sự trong sáng, tận tâm của những người cầm phấn.

Người thầy sinh viên của chúng tôi

Vẫn còn đó, hình ảnh người thầy, người cô cắm bản, lặn lội hàng chục cây số đường rừng để vận động, thuyết phục học sinh tới trường.

Vẫn còn đó hình ảnh người thầy giáo trẻ bỏ tiền túi để mở các lớp “đào tạo nghiệp vụ” để mong thay đổi phương pháp giáo dục theo kiểu “đọc – chép”.

Vẫn còn đó hình ảnh người thầy tích cóp từ những đồng lương ít ỏi của mình để mua sách, bút cho học sinh được tới trường.

Cũng còn nhiều lắm những người thầy mở các lớp học miễn phí để phụ đạo cho trẻ em nghèo…

Và sáng nay, trước khi bước lên bục giảng tôi vẫn kịp gặp một người thầy đáng trân quý khi anh đang đi kêu gọi quyên góp để giúp đỡ cho mẹ của một em học sinh trong trường đang bị tai biến và cần giúp đỡ.

Những điều tốt đẹp ấy của người thầy cũng cần được xã hội nhìn nhận và đánh giá đúng mức, đừng lấy những vết mực nhỏ mà bôi bẩn cả bức tranh.

HÀ DUNG