Ai đang lợi dụng thần phật, tiền công đức?

11/03/2019 06:16
Tùng Dương
(GDVN) - Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nói, có hiện tượng để sẵn tiền mệnh giá to lên khắp mọi nơi để mồi khách thập phương làm theo.

Nhiều năm nay các đơn vị quản lý đền, chùa, di tích đã nhận ra mối lợi lớn từ những hoạt động tâm linh và cho đặt rất nhiều hòm công đức, tạo nên những hình ảnh vô cùng phản cảm.

Có những người thiếu hiểu biết đã nhét cả tiền vào Mõ trong chùa. Ảnh: Tùng Dương.
Có những người thiếu hiểu biết đã nhét cả tiền vào Mõ trong chùa. Ảnh: Tùng Dương.

Nhằm tăng cường quản lí văn hóa tín ngưỡng tại các di tích, từ năm 2010 Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã ban hành nhiều chỉ thị và nhấn mạnh mỗi di tích không đặt quá 3 hòm công đức.

Nhưng gần 10 năm sau kiến nghị này thì số lượng hòm công đức tại Đình, Đền, Chùa, Miếu, Phủ không giảm đi mà còn tăng thêm.

Chùa Bái Đính có tổng cộng 41 hòm công đức, 39 bát đồng, 8 chum sành loại to cao 1m, chưa kể rất nhiều âu bằng đồng để rải rác ở các ban. Ngoài ra còn rất nhiều đĩa, bát bằng đồng đặt dưới chân tượng và rải ở khắp nơi trong điện... và lạ là bát, âu, chum nào cũng có nhiều tiền giọt dầu bên trong.

Người đi lễ còn thả tiền công đức vào 3 chiếc thống sứ to có đường kính trên 1m, thả cả vào18 chiếc mõ và chuông trước ban thờ trong các điện, cứ người nọ đua theo người kia mà thả tiền.

Tại các điện trong chùa Bái Đính còn đặt hàng nghìn viên ngói gốm có kích thước 10 x 20 cm, khách bỏ ra 50 nghìn đồng sẽ được viết tên lên đó và những viên ngói này theo như lời nhân viên ở đây thì sẽ được dùng để sau này sửa chữa mái chùa.

Toàn bộ chùa Bái Đính có 10 nghìn ô để tượng phật (kích thước 30 cm X 60 cm), nếu gia đình nào muốn công đức thì bỏ ra 10 triệu đồng thì sẽ được lưu tên vào ô đó.

Đến đền Củi tại huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh thì đập ngay vào mắt du khách là đã có hai hòm công đức ngay tại lư hương ngoài sân, sau lư hương là một gian thờ được lập tạm với diện tích khoảng 8m2 mà có tới 13 hòm đựng tiền giọt dầu.

Hòm công đước đặt ở khắp mọi nơi trong chùa và các cơ sở thờ tự. Ảnh: Tùng Dương.
Hòm công đước đặt ở khắp mọi nơi trong chùa và các cơ sở thờ tự. Ảnh: Tùng Dương.

Ngoài ra có gần 30 chiếc hòm công đức trong ngôi đền này và chỉ đánh số thứ tự, thậm chí chiếc tủ kính để bảo vệ mấy bức tượng phật cũng được người ta đục lỗ với dụng ý để khách thập phương bỏ tiền vào.

Hòm kính để tượng phật không phải là nơi đựng tiền công đức nhưng ban quản lí lại đục lỗ nhằm mục đích trục lợi, họ cứ để lỗ như vậy với mục đích để khách thập phương bỏ tiền vào, càng nhiều càng tốt.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam, chia sẻ: “Thần phật đâu có đòi hỏi tiền công đức mà chính là những người trong ban quản lí ở đó cần số tiền này với mục đích trục lợi. 

Đã có chuyện địa phương chia nhau hòm công đức trong di tích, thùng của thôn, thùng của hội phụ nữ, thùng của ban an ninh, thùng của chính quyền và thậm chí có cả thùng của tỉnh… Họ chia từng thùng cố định như vậy để dễ chia và dễ quản, thùng của đơn vị nào thì cứ thế mà bê”.

Tại khu di tích Quốc gia Yên Tử, ngay từ chùa Hoa Yên đã có 17 chiếc hòm công đức trong khi khu vực ghi công đức ngoài sân đã có hơn chục chiếc hòm.

Ở nơi đặt chuông cũng có hòm công đức. Ảnh: Tùng Dương.
Ở nơi đặt chuông cũng có hòm công đức. Ảnh: Tùng Dương.

Công đức là lòng tự nguyện của khách thập phương nhưng những chiếc hòm này được đặt dày đặc không gì khác ngoài dụng ý đánh vào tâm lí, thấy hòm là thả tiền vào của du khách. Những việc này tạo sự phản cảm và làm mất đi sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nêu quan điểm: “Để quản lý và làm triệt để vấn đề hòm công đức thì kiến nghị Ban tôn giáo Chính phủ, Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam cùng các cơ quan liên quan để ban hành các quy định một cách cụ thể, chi tiết để khi thanh kiểm tra, các đơn vị quản lí mới có cơ sở để xử lí những nơi vi phạm.

Hiện nay có nhiều cơ sở thờ tự vi phạm vấn đề này và cố tình lờ đi để trục lợi, thậm trí còn đặt sẵn tiền mệnh giá to lên khắp mọi nơi để mồi khách thập phương làm theo”.

Mỗi năm Yên Tử thu về vài chục tỉ đồng tiền công đức chưa kể tiền giọt dầu thả vào các hòm, nhưng chỉ 4% trong số này trích lại để hỗ trợ cho đơn vị quản lí, còn 96% do nhà chùa quản lí thì được dùng vào những việc gì, ai là người duyệt chi, giám sát và tiêu những khoản tiền đó thì không được nhà chùa công khai.

Ai đang lợi dụng thần phật, tiền công đức? ảnh 4Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn?

Bộ Văn hóa - Thể thao- Du lịch cho biết việc tiền công đức bị trục lợi khi sử dụng sai mục đích cũng đã xảy ra tại một số địa phương.

Thậm trí cơ quan chức năng đã phát hiện có một số vụ việc biển thủ hàng tỉ đồng tiền công đức ở khu đền thờ ông Hoàng Mười ở Nghệ An cách đây 6 năm.

Trái lại với nhưng hiện tượng trục lợi tại các cơ sở thờ tự thì tại chùa Tiêu Sơn ở Bắc Ninh cách Hà Nội 25km, khi đến đây khách thập phương được nghe Sư cụ trụ trì Thích Đàm Chính 91 tuổi giảng pháp bằng châm ngôn của người Kinh Bắc: “Cụ về chùa từ năm 1967, từ đó đến nay trong chùa không đặt hòm công đức. Cụ bảo, tiền là tiền bạc, tiền tệ chứ có phải tiền hậu đâu. Tiền thì ai cũng quý nhưng nếu nhận tiền của mọi người thì khởi lên tâm tham, làm sao tu được nữa".

Ngay từ khi mới về chùa, Sư cụ đã phát nguyện trước ban thờ Tam bảo là không đặt hòm công đức ở bất cứ chỗ nào trong chùa.

Sư cụ Đàm Chính chia sẻ: "Hình thức công đức ở đây là nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho chùa. Còn khi xây dựng xong hoặc không xây dựng gì thì nhà chùa không nhận bất kỳ tiền công đức nào, của ai".

Sư cụ Thích Đàm Chính 91 tuổi, Trụ trì chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh. Ảnh: phatgiao.org.
Sư cụ Thích Đàm Chính 91 tuổi, Trụ trì chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh. Ảnh: phatgiao.org.

Sư cụ Thích Đàm Chính chia sẻ: "Người ta cũng cứ “kích động” tôi là sắm hòm công đức. Người ta cứ bảo, bây giờ đi ra Hà Nội mua cái hòm tôn, cái hòm thì dễ thôi nhưng tôi bảo chả để làm gì. Tôi nghĩ, hòm công đức thì mình phải cửa đóng then cài phòng trộm cắp nữa.

Có hòm công đức nó lại thêm nhọc mình ra, lại thêm lo, mà những điều này lại ngược với tâm thế cần phải có ở người tu hành.

Có lần mấy bác ở Ủy ban nhân dân xã vào đây nói với tôi cho đặt hòm công đức, tôi nói các vị đặt thì vào chùa mà trông chứ tôi không trông được, nghe vậy các bác đó không đặt hòm nữa.

Riêng chùa tôi, ai đến hỏi có hòm công đức, có ghi công đức không, tôi bảo ở đây không biết chữ, không ghi đâu ạ! Tôi dặn họ đừng có đặt tiền lung tung ở khắp nơi, Phật có ăn hối lộ của ai đâu, các ngài cũng không cần tiền.

Cho nên tôi thấy ai cứ cầm tiền ở tay là tôi chán lắm rồi. Mà cầm tiền ở tay còn đỡ, chứ tiền để ở túi quần, vào đến ban thờ mà móc ra thì thấy thô bỉ quá”.

Chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh cách Hà Nội 25 km. Ảnh: phatgiao.org.
Chùa Tiêu Sơn - Bắc Ninh cách Hà Nội 25 km. Ảnh: phatgiao.org.

Điều ngạc nhiên nữa ở ngôi chùa này là bất cứ ai đến, nếu gặp sư trụ trì đều được cụ hỏi đi bằng phương tiện gì tới đây. Nếu đi ô tô, sư cụ bao giờ cũng đưa cho một sấp tiền lẻ, bảo du khách đếm đủ 20 nghìn đồng rồi cụ dặn: "Đây là tiền tí nữa xuống dưới người ta sẽ thu đấy, tiền bến bãi gửi xe".

Ngoài tiền xe, sư cụ còn phát lộc cho du khách mỗi người một ít tiền rồi cũng dặn: "Cứ cầm lấy mà tiêu rồi ngẫm".

Tư liệu tham khảo:

https://vtvgo.vn/trang-chu.html

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=80&NewsId=402394

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/ngoi-chua-khong-dat-hom-khong-biet-chu-de-ghi-tien-cong-duc-403286.bld

Tùng Dương