Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân say mê, miệt mài với sự nghiệp trồng người

13/03/2019 06:53
LÃ TIẾN
(GDVN) - 22 tuổi bắt đầu đứng lớp, khi về hưu nhắc đến thầy Tuân, các thế hệ học trò lại đắm chìm trong những bài giảng, được tiếp lửa say mê với từng bài văn, bài thơ.

Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân sinh năm 1937 tại Nghệ An, tốt nghiệp văn khoa khoá I của Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ra trường, thầy về dạy học ở Hải Phòng, rồi được điều động về công tác tại Trường bổ túc văn hoá dành cho con em cán bộ miền Nam, đóng ở Đông Triều (nay là trường Trung học phổ thông Đông Triều).

Thầy là người duy nhất từ trước đến nay được vinh danh Nhà giáo ưu tú khi đã về hưu vào năm 2010.

Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân mỗi ngày đều miệt mài bên những trang sách, ngay cả khi đã về hưu (Ảnh: CTV)
Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân mỗi ngày đều miệt mài bên những trang sách, ngay cả khi đã về hưu (Ảnh: CTV)

Nhiều thế hệ học sinh và người dân Quảng Ninh biết đến thầy không chỉ bởi ông là một nhà giáo giàu kinh nghiệm trong giảng dạy, mà còn với tư cách là hội viên Hội Văn học dân gian Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh. Ông cũng là một nhà phê bình văn học có tiếng, được nhiều người nể phục. 

Chia sẻ về cơ duyên với nghề giáo, thầy Tuân cho biết: “Tôi vốn chỉ thích làm nghề báo chí, hoặc vào các viện Văn, viện Triết, không hề thích nghề Sư phạm.

Nhưng năm tháng trong nghề, tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh tuổi từ 16, 17 đến 19, 20, tôi bỗng nhiên say mê nghề dạy học lúc nào không biết.

Tôi tự nhủ, mỗi giờ lên lớp phải giảng dạy hết sức mình, phải có những phát hiện mới và phải để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí học sinh”.

Khi rời bục giảng về nghỉ hưu, rời bảng đen phấn trắng, nhưng với trái tim, khối óc luôn cháy bỏng tình yêu với văn chương, thầy lại miệt mài trên từng trang giấy.

Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân say mê, miệt mài với sự nghiệp trồng người ảnh 2

Nhà giáo Hoàng Nhâm, cả đời khát khao cống hiến

Thầy tiếp tục sáng tạo cho ra đời những tác phẩm hay, bổ ích và rất sâu sắc, có những tác phẩm mang tính giáo dục, giúp các đồng nghiệp trẻ có thêm được những kinh nghiệm quý về nghề dạy học và nghề viết văn.

Thầy đã cho ra đời các tập sách: “Nước mắt của đất”, “Giọt lệ kinh thành” và “Chuyện cũ kể lại”.

Thơ của thầy giản dị, mực thước thể hiện nỗi niềm và tình cảm chân thành dành cho thiên nhiên, quê hương, gia đình, bè bạn.

Văn của nhà giáo Hữu Tuân thì thể hiện sự chắt chiu, dành dụm góp nhặt từ hiện thực cuộc sống vùng mỏ mà ông đã gắn bó hơn nửa thế kỷ nay.

Theo ông Vũ Quang Năm, Chủ tịch câu lạc bộ thơ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, ông không phải học trò của nhà giáo Hữu Tuân, nhưng trên các diễn đàn văn chương ông cũng đã học được rất nhiều điều từ thầy Tuân.

Ví dụ như đức tính khiêm nhường, tính cẩn trọng trong văn chương và ông luôn cống hiến với nghề ngay cả khi đã về nghỉ hưu.

Nhà giáo Hữu Tuân cũng thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm trong văn chương với những nhà thơ, nhà văn nổi tiểng của vùng đất mỏ. (Ảnh: CTV)
Nhà giáo Hữu Tuân cũng thường xuyên trao đổi những kinh nghiệm trong văn chương với những nhà thơ, nhà văn nổi tiểng của vùng đất mỏ. (Ảnh: CTV)

Ông Vũ Quang Năm luôn thán phục Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân với vai trò là một người thầy giáo và sau này là một người sáng tác thơ, truyện ngắn và phê bình văn học.

Theo Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân, nếu sáng tác văn thơ được tốt, tham gia viết văn viết báo, thì chẳng những tay nghề của mình được nâng cao, năng lực cảm thụ văn học càng sâu sắc mà còn được học sinh thán phục.

Suốt thời gian đứng trên bục giảng, nhà giáo Hữu Tuân được biết bao thế hệ học trò yêu mến và quý trọng bởi sự nhiệt tình, tận tâm trong suốt quá trình giảng dạy.

Thầy không chỉ là một người giáo viên dạy giỏi mà còn là người truyền lửa kiến thức và niềm đam mê văn học đến học sinh.

Gần 60 năm dạy học, biết bao nhiêu chuyến đò chở khách sang sông, người “lái đò” đặc biệt – Nhà giáo ưu tú Hữu Tuân vẫn chưa bao giờ nguôi canh cánh về những lứa học trò kế cận.

Những dòng thơ, những lời văn, những tác phẩm phê bình văn học luôn nặng tình người, tình đời. Nó giản dị và chân thành đến nỗi có thể chạm đến trái tim của bất kỳ ai, bất kỳ đối tượng nào.

Nhà giáo Hữu Tuân đã neo vào ký ức độc giả lối văn chương chỉn chu, mẫu mực, và nó mang cốt cách của một nhà giáo luôn hướng độc giả đến những giá trị chân, thiện, mỹ.

Không quá nếu chúng ta ví von rằng, văn chương của nhà giáo ưu tú Hữu Tuân là văn chương dành cho sự nghiệp trồng người...

LÃ TIẾN