Trường Trung học phổ thông Bưng Riềng, Trường Trung học phổ thông “trẻ nhất” của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đội ngũ giáo viên của trường cũng thuộc “trẻ nhất”.
Trẻ, nên rất gần với công nghệ 4.0, ngôi trường được đánh giá đi đầu, tiên phong, áp dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học.
Đặc biệt năm học 2018 – 2019, nhà trường có bốn chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học đạt cấp tỉnh.
Về trường Bưng Riềng công tác, tôi nghe học sinh, đồng nghiệp ca ngợi về cô giáo Tho, dạy Hóa học - được học trò trìu mến gọi: Cô giáo của trải nghiệm sáng tạo.
Tìm gặp cô giáo, thật bất ngờ, cô giáo nhỏ nhắn, xinh xắn có tấm lòng nhiệt huyết với nghề giáo, với học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Tho – Trường Trung học phổ thông Bưng Riềng |
Tho tâm sự: “Một hôm trên lớp học, có một bạn hỏi em “Cô ơi, chúng ta học nhiều như vậy để làm gì, có được gì không cô?”. Câu hỏi đó khiến em suy nghĩ rất nhiều.
Với sự phát triển của công nghệ, kiến thức ngày càng nhiều, chúng ta không thể nào dạy hết kiến thức cho học sinh. Ngoài kiến thức sách vở, các em cần rất nhiều thứ khác để bước vào đời.
Em nghĩ cần thay đổi phương pháp dạy học, để học sinh hứng thú với bộ môn, thấy được mối liên hệ cần thiết của bộ môn với cuộc sống; muốn được học và tự học”.
Từ đó, cô giáo Tho tìm mối liên hệ của từng bài giảng, lên kế hoạch, đặt câu hỏi nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho từng lớp về thực hiện nghiên cứu bài học; trải nghiệm thực tế với các mô hình sản xuất, sinh hoạt tại địa phương.
Mỗi bài học có yếu tố thực tế, học sinh đã tự tìm hiểu, liên hệ, tận tay làm, tận mắt thấy; các em tự lập nhóm, phân công quay phim, chụp hình, dựng phim… làm bài báo cáo.
Bạn Linh, học sinh lớp 11 hồ hởi kể về những trải nghiệm của bản thân và nhóm mình:
“Khi học bài Clo, nhóm chúng em đã đến tham quan nhà máy nước; tìm hiểu quy trình sản xuất, xử lý và ứng dụng của Clo trong sản xuất nước sạch.
Nhờ trải nghiệm của chính mình, kĩ năng hoạt động nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, kĩ thuật dựng phim, làm bài thuyết trình… tiến bộ hẳn thầy ạ”.
Bạn Tr. thích thú kể: “Ngày trước em ghét môn Hóa, lập nhóm ghét môn Hóa trên Facebook nữa cơ, nay học với cô Tho, ghét nên yêu Hóa mất rồi thầy ạ”.
Trăm nghe không bằng một thấy, chúng tôi dự tiết học “Phân bón hóa học”; thật bất ngờ, tiết học được tổ chức dưới dạng “Hội thảo về sử dụng phân bón hóa học an toàn và hiệu quả”, học sinh tự điều khiển, tự thảo luận, trao đổi với nhau bằng các hình ảnh, tư liệu, kiến thức do mình trải nghiệm; tiết học được hội đồng bộ môn Hóa học của Sở, giáo viên tham dự đánh giá cao.
Học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế, trồng trọt |
Bên cạnh những đó, trong quá trình dạy học, cô Tho giao cho học sinh một số nhiệm vụ nhỏ bên ngoài nội dung bài học trên lớp, tự tìm các chất chỉ thị axit-bazơ trong thiên nhiên, tiến hành thử nghiệm rồi quay video hoặc biểu diễn trên lớp.
Áp dụng kiến thức đã học vào các trải nghiệm tại trường như trồng rau sạch; chăm sóc vườn trường; tuyên truyền sử dụng phân hóa học có hiệu quả, bảo vệ môi trường đến bà con nông dân địa phương.
Học sinh trải nghiệm thực tế với bà con nông dân tại vườn trồng rau |
Bạn Anh kể “Nhớ ngày đầu học với cô Tho, cô giao chúng em nhiệm vụ thiết kế sản phẩm học tập là Infographic, poster…, chúng em hỏi: Cô ơi mấy cái đó là cái gì? Thiết kế được bằng Powerpoint hả cô?
Nay “vô tư” rồi thầy ạ, báo cáo trải nghiệm, các sản phẩm mà chúng em tạo ra được khen rất đẹp, rất hoành tráng. Nhờ đó mà chúng em học thêm được nhiều thứ cần cho cuộc sống, hơn chỉ chúi mũi vào … sách giáo khoa”.
Nói về đồng nghiệp của mình, thầy Hoàng Hưng, hiệu trưởng nhà trường nhận xét: “Tuyệt vời, cô giáo còn trẻ nhưng giỏi chuyên môn, tận tâm với công việc, nhiệt huyết với nghề, có tâm với học trò”.
Cô Tho tâm sự “Em may mắn được làm việc trong môi trường dân chủ, thân thiện. Ban giám hiệu khuyến khích đổi mới phương pháp dạy và học.
Đổi mới phương pháp, gieo niềm tin, hứng thú học tập cho học sinh như vậy, cần sự hy sinh của giáo viên. Hiện nay nhà trường chưa có nguồn kinh phí, hỗ trợ giáo viên tổ chức tham quan, học hỏi, trải nghiệm thực tế, nên cũng còn nhiều cái khó.
Em mong muốn sau này khi thực hiện chương trình mới, có kinh phí để các em học sinh được trải nghiệm, hiểu rõ hơn về thực tế, học đi đôi với hành ”.
Một giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết; cô giáo đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Những đóng góp, hy sinh của cô, được vinh danh trong ánh mắt, niềm tin của phụ huynh, học trò khi nói về cô giáo của mình. Mong ngành giáo dục có thật nhiều, thật nhiều những giáo viên như thế.