Việc phát hiện ra thực phẩm ôi thiu tuồn vào bữa ăn tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng với việc học sinh sau khi xét nghiệm đã phát hiện ra việc nhiễm sán lợn, sán chó ở Bắc Ninh đang gieo rắc hoang mang, sợ hãi.
Tính đến tối 17/3, khoảng 1.700 trẻ ở Thuận Thành, Bắc Ninh đã được gia đình đưa đi xét nghiệm sán lợn và số ca dương tính là 209 trường hợp. |
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên những vụ việc thực phẩm bẩn lên bàn ăn của học sinh bị phát hiện.
Cho dù trước đó, qua nhiều vụ việc khác nhau, cơ quan chức năng đã vào cuộc và cũng đã có nhiều cá nhân, tổ chức bị xử lý sau sai phạm.
Các nguyên nhân của những vụ việc thực phẩm bẩn tuồn vào trường học đều được chỉ ra là sự chủ quan, lơ là với việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú.
Thị lợn nghi nhiễm sán bị phụ huynh phát hiện tại trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành, Bắc Ninh). (Ảnh:Vũ Phương) |
Sau vụ những vụ việc như vậy, các giải giải pháp cũng đã được đưa ra, nhiều biện pháp thắt chặt an toàn bữa cơm cho học sinh cũng đã được đề cập tới.
Còn với ngành Giáo dục, các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương đều khẳng định chắc nịch rằng “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định”.
Nhưng có vẻ, siết mãi không thấy chặt. Bởi, thực phẩm bẩn bằng cách nào đó vẫn tuồn vào trường học, hiện diện trong bữa ăn của các em học sinh.
Do vậy dù cơ quan chức năng hứa rất nhiều, hô hào rất nhiều nhưng người dân vẫn cứ nghi ngờ.
Bởi không ít người nghi ngại những khẳng định chắc nịch của cơ quan chức năng sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên.
Thực phẩm bẩn vẫn hiện diện trên bàn ăn của các em học sinh.
Sự việc tại Bắc Ninh một lần nữa phát đi cảnh báo về bữa ăn trong trường học đang bị bỏ ngỏ và nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.
Với việc có đến cả trăm học sinh, cô giáo trên địa bàn huyện Thuận Thành bị nhiễm sán lợn cho thấy những nghi ngại của phụ huynh là hoàn toàn có cơ sở.
Phụ huynh bật khóc, ngất xỉu vì con nhiễm sán lợn, sán chó |
Bày tỏ sự bức xúc với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục chăm sóc & Bảo vệ Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã Hội) đồng thời cũng là bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng, cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm vụ việc này. Bởi theo Bác sĩ An, đây là sự việc vô cùng nghiêm trọng.
Theo Bác sĩ An, “Sự việc đến thời điểm này mới vào cuộc thực ra đã quá chậm chễ nhưng có còn hơn không, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh trong bữa ăn học đường.
Câu chuyện về an toàn thực phẩm trong bữa ăn học đường đã được nói rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều năm nay.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng bữa ăn bán trú của các em là một trong 2 bữa ăn chính trong ngày của các em. Bữa ăn này đảm bảo sự phát triển về dinh dưỡng của các em.
Tuy nhiên, hiện nay hầu như là bị bỏ ngỏ dù ngành Giáo dục và ngành Y tế đã có những quy định. Đặc biệt là qua vụ việc ở Bắc Ninh mới thấy rằng không biết phía sau còn những câu chuyện gì khác không nhưng cơ quan cung ứng thực phẩm đã tuồn thực phẩm bẩn vào trường học, đặc biệt là thực phẩm bị nhiễm sán, trứng sán vào là cực kỳ nguy hiểm cho các em”.
Phụ huynh hoang mang đưa con đi khám tại bệnh viện tại Hà Nội. (Ảnh: Vũ Phương) |
“Tôi đề nghị ngành Giáo dục, ngành Y tế phải vào cuộc ngay lập tức để chặn đứng việc này và ngăn chặn những sự việc tương tự có thể diễn ra sau này”. Bác sĩ Nguyễn Trọng An thẳng thắn đề xuất.
Bởi, “Câu chuyện nhiều các em bé bị nhiễm sán hiện nay nó bùng lên quá ghê gớm vì nó đã xảy ra cả tháng nay rồi cho đến nay nó bùng phát lên.
Chắc chắn một số em bé của một số gia đình đã có biểu hiện, gia đình mới bắt đầu mới đem đi khám.
Khi bé bị nhiễm sán, các gia đình mới thấy hoang mang và sau đó sự việc mới bùng phát lên như vậy.
Đáng nguy hại hơn khi công ty cung ứng cung ứng đến 21 trường trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”, Bác sĩ An nêu.
Nỗi sợ hãi bệnh tật đang bao trùm trường Thanh Khương |
Nói về vụ việc, Bác sĩ An thẳng thắn chỉ ra: “Viêc thịt lợn có sán như hạt gạo lổn nhổn đã được các cô nuôi trẻ bất ngờ phát hiện từ ngày 20/2. Trước khi chế biến, các cô nuôi phát hiện.
Nhà trường báo cho Công ty Hương Thành để đơn vị này trực tiếp đổi lại thực phẩm cho nhà trường.
Đến ngày 5/3/2019, nhiều phụ huynh lại phát hiện nhà trường dùng thịt gà đông lạnh không đảm bảo cùng nhiều loại chân gà dùng để nấu cháo cho các cháu đã bốc mùi hôi thối nên đã báo chính quyền địa phương vào cuộc xử lí.
Thế nhưng, qua theo dõi tôi không thấy các vị Lãnh đạo nào từ Trường đến Bộ, từ Y tế Phường đến Giám đốc Sở có một động thái can thiệp mạnh mẽ quyết liệt?
Chỉ đến khi hàng ngàn gia đình đưa con đi xét nghiệm ồ ạt thì mới thấy lãnh đạo tỉnh vào cuộc chỉ đạo”, ông Nguyễn Trọng An nói.
Do đó theo Nguyên Phó cục trưởng cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em: “phải làm đến cùng vụ việc và tìm cho ra những kẻ tiếp tay, thờ ơ, vô cảm dù trực tiếp hay gián tiếp để xảy ra câu chuyện này đều phải lôi ra ánh sáng. Bởi đây là hành động có tính bất lương”.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nếu không xử lý nghiêm, người dân sẽ mất niềm tin vào các cơ quan chức năng có trách nhiệm đối với bữa ăn của con trẻ.
Chiều 18/3, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đã thông tin xung quanh sự việc nhiều trẻ em ở một số trường mầm non thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh dương tính với ấu trùng sán lợn. Ông Chiến cho biết, sau khi nghe một số ý kiến của các đại biểu ở cơ quan, chính quyền huyện Thuận Thành thì tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em Bắc Ninh nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng người dân Việt Nam, tức hơn 11% (186/1.557 kết quả). Tỉnh Bắc Ninh nằm trong tỷ lệ dao động chung của người dân Việt Nam là từ 10 – 12% và tương đương với 55 tỉnh, không có gì là bất thường. Người dân các xã không phải lo lắng, hoang mang thái quá. (Theo congan.com.vn) |