Tính đến ngày 23/3/2019, số trẻ nghi bị nhiễm sán lợn ở huyện Thuận Thành- Bắc Ninh ra Hà Nội làm xét nghiệm đã giảm rất nhiều, nhưng vấn đề bếp ăn trường học lại đang được các bậc phụ huynh trong cả nước quan tâm hơn bao giờ hết.
Đã có hàng nghìn gia đình tự bỏ tiền, đưa con ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét- Kí sinh trùng- Côn trùng trung ương để xét nghiệm. Việc nghi ngờ thịt lợn có nhiễm sán ở nhiều trường học tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho đến hôm nay vẫn chưa được các cơ quan có chức năng trả lời rõ ràng.
Nghi vấn con em mình bị nhiễm sán từ thịt lợn ở huyện Thuận Thành đã dẫn đến một cuộc xét nghiệm sán lớn nhất cả nước từ trước đến nay. Ảnh: Giang Huy. |
Vụ việc xảy ra tại Trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành chỉ là một trong rất nhiều vụ được phát hiện trong cả nước, sự việc này đã khiến phụ huynh bức xúc về nguồn thực phẩm trong một số trường học, và nghi vấn về “lợi ích nhóm” dẫn đến học sinh có thể phải ăn thực phẩm không an toàn.
Tại buổi họp báo chiều ngày 15/3/2019 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, ông Nguyễn Văn Kính- Giám đốc Bệnh viện nói: “Kết quả bước đầu cho thấy 25% số trường hợp xét nghiệm dương tính, tôi thấy đây là thực tế bất thường, và người dân có nhu cầu xét nghiệm, đây là việc làm chính đáng thì tại sao chúng tôi lại không làm”.
Tới ngày 16/3, khi người dân tiếp tục kéo đến quá đông, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương mới giải thích, kết quả huyết thanh dương tính chỉ phản ánh trẻ từng bị nhiễm sán dây lợn, đang có kháng thể chống lại ký sinh trùng, chứ không có nghĩa là trẻ đang có sán dây lợn trong người.
Báo điện tử VOV dẫn lời ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói: “Tỷ lệ khoảng 12% trẻ em được xét nghiệm dương tính với sán dây lợn là không có gì bất thường, muốn khẳng định chắc chắn thì phải làm các xét nghiệm sâu hơn.
Theo tin đồn, mọi người đổ dồn về bệnh viện để khám, xét nghiệm sàng lọc nhưng qua kết quả chúng tôi thu được thì tỷ lệ này không có gì bất thường cả”.(1)
Đến thời điểm này, số trẻ em được xét nghiệm có dương tính sán dây lợn vẫn chưa dừng lại ở con số 209 cháu, nhưng với chi phí xét nghiệm trung bình khoảng 1 triệu đồng cho 1 trẻ, thì với gần 2 nghìn trẻ được gia đình tự bỏ chi phí đi xét nghiệm, thì số tiền đã lên đến hàng tỷ đồng. Nhu cầu "chính đáng" này của các gia đình nếu cộng lại cũng phải lên tới hàng tỷ đồng.
Đỉnh điểm là ngày 18/3/2019, nhiều phụ huynh kéo đến Trường mầm non Thanh Khương - Bắc Ninh mang theo những tờ giấy với nội dung, yêu cầu xử lý những người đe dọa phụ huynh tố thực phẩm bẩn vào trường, làm rõ trách nhiệm ban giám hiệu nhà trường.
Phụ huynh cũng yêu cầu phải xử lí nghiêm minh Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư tài chính Hương Thành sau khi có kết luận của cơ quan chức năng, đây là đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 trường học trên địa bàn huyện. Phụ huynh cũng yêu cầu có luật sư miễn phí đảm bảo quyền lợi của các con.
Chỉ đến khi hàng nghìn người dân ở huyện Thuận Thành ùn ùn mang con ra Hà Nội từ 3h sáng ngày 15/3 để xét nghiệm sán dây lợn, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh mới thực sự vào cuộc.
Sự việc xảy ra từ ngày 14/2 nhưng mãi đến ngày 18/3, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến mới ra chỉ đạo “nóng” các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc làm rõ vụ trẻ bị nhiễm sán lợn ở huyện Thuận Thành- Bắc Ninh, mặc dù có hơi muộn, nhưng vẫn còn hơn không.
Tại buổi họp ngày 19/3/2019, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng: "Tôi có con mà không có chuyên môn, và trong tình huống như vậy thì tôi cũng rất lo và làm như vậy...".
Cũng theo ông Phong: “Tuy nhiên, việc có hay không mối liên hệ giữa vi phạm an toàn thực phẩm ở trường Thanh Khương, với việc các cháu học sinh đồng loạt đi xét nghiệm, và một số cháu có kết quả dương tính với sán lợn, tới nay chưa có cơ sở để khẳng định. Bởi lẽ, thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có.
Kết quả xét nghiệm dương tính rồi, nhưng cũng chưa thể khẳng định đang có sán trong cơ thể hay không. Biện pháp xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp góp phần vào chẩn đoán.
Hơn 1000 gia đình ở Bắc Ninh đưa con ra Hà Nội xét nghiệm sán lợn |
Theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế ban hành năm 2004, thì xét nghiệm dương tính như thế chưa phải điều trị, chưa có chỉ định điều trị.
Chỉ điều trị sau khi có sán trưởng thành, người nhiễm có biểu hiện đi ngoài thấy có đốt sán, có nổi mụn hạch... thì mới điều trị”, ông Phong nói.
Cho đến sáng ngày 20/3/2019, nhiều phụ huynh vẫn đưa con mình lên Hà Nội để xét nghiệm, vì họ muốn có kết quả nhanh hơn là đợi làm miễn phí tại địa phương.
Vậy vấn đề về quản lí nhà nước đặt ra ở đây qua sự việc này, đây không còn là việc của riêng huyện Thuận Thành - Bắc Ninh nữa, mà còn là bài học cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trở lại huyện Thuận Thành-Bắc Ninh, khi có Clip đăng trên mạng xã hội về việc thịt lợn ở trường mầm non Thanh Khương có sán, việc cần làm ngay lập tức khi đó Ủy ban nhân dân, công an huyện phải triển khai, xuống địa bàn làm rõ tính xác thực của sự việc, tránh để người dân hoang mang, lo lắng.
Phòng y tế huyện cần đến trường lấy mẫu và xét nghiệm ngay số thịt lợi trên, nếu có? Đội Quản lí thị trường cần làm rõ việc cơ sở cung cấp thịt lợn cho hơn 19 trường trong huyện có cố tình cung cấp thực phẩm bẩn hay không?
Sau khi có kết quả xác minh từ các phòng, ban của huyện Thuận Thành, Ủy ban nhân dân Tỉnh Bắc Ninh cần tổ chức gặp người dân, trấn an, giải đáp thắc mắc chính đáng của phụ huynh có con gửi tại các cơ sở giáo dục đó.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Y tế cần tổ chức đoàn các bác sĩ đến tận vùng nghi có nhiễm sán để làm các xét nghiệm, và công bố kết quả công khai để người dân bớt hoang mang.
Nếu làm tốt và kịp thời ngay lập tức những việc trên khi sự việc xảy ra thì đã không có việc người dân hoang mang, đoán mò và theo nhau lên các cơ sở y tế tại Hà Nội xếp hàng từ giữa đêm chờ xét nghiệm.
Tài liệu tham khảo:
(1) https://vov.vn/xa-hoi/tre-em-nhiem-san-lon-cau-chuyen-trach-nhiem-niem-tin-887643.vov