FLC bị cưỡng chế hơn 160 tỷ đồng tiền nợ thuế

26/03/2019 15:22
Vũ Phương
(GDVN) - Có 66 quyết định bắt buộc FLC phải nộp thuế với tổng số tiền hơn 160 tỷ đồng trích tiền từ tài khoản các ngân hàng.

Ngày 22/3, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC gửi văn bản số 211 theo yêu cầu của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh do bà Hương Trần Kiều Dung – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ký.

Theo văn bản của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, từ năm 2015 đến nay Tập đoàn FLC đã nhận 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.

Văn bản nêu: “Tập đoàn FLC đã nhận được yêu cầu của Quý Sở về việc cung cấp thông tin các quyết định cưỡng chế thuế mà công ty nhận được trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

FLC bị cưỡng chế hơn 160 tỷ đồng tiền nợ thuế ảnh 1Sự thật phũ phàng ở tòa nhà 18 tầng không phép đang rao bán

Ngay sau khi nhận được yêu cầu, công ty đã thực hiện rà soát các quyết định cưỡng chế thuế mà công ty đã nhận được trong thời gian trên cụ thể theo danh sách đính kèm Công văn văn này”.

Trong danh sách 66 Quyết định đính kèm, tính tổng số tiền bị cưỡng chế trong giai đoạn này hơn 160 tỷ đồng, trong đó nguyên nhân chính là Tập đoàn FLC nợ tiền thuế và tiền chậm nộp quá 90 ngày từ khi hết thời hạn nộp theo quy định.

Trong văn bản gửi Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC khẳng định: "Tất cả các quyết định cưỡng chế thuế nói trên đã được Tập đoàn FLC nghiêm chỉnh chấp hành kịp thời, đầy đủ toàn bộ nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý ngay sau thời điểm nhận được các quyết định cưỡng chế".

Như vậy, đây là lần đầu tiên Tập đoàn FLC công bố thông tin về cưỡng chế thuế từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán năm 2011.

Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 của Tập đoàn FLC, riêng khoản thuế và các khoản phải nộp nhà nước tính hết ngày 31/12/2018 trên 321,4 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% cơ cấu nợ phải trả.

Trong các khoản phải nộp nhà nước có thuế thu nhập doanh nghiệp 177,2 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 25,1 tỷ đồng; thuế nhà đất, tiền thuê đất 93,5 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác là 25,3 tỷ đồng…

Văn bản Tập đoàn FLC gửi Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chụp văn bản.
Văn bản Tập đoàn FLC gửi Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chụp văn bản. 
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2018 của Tập đoàn FLC, Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tính hết ngày 31/12/2018 trên 321,4 tỷ đồng. Ảnh: Chụp từ báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 năm 2018 của Tập đoàn FLC, Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tính hết ngày 31/12/2018 trên 321,4 tỷ đồng. Ảnh: Chụp từ báo cáo tài chính. 

Vào cuối năm 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc công bố thông tin các tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch vi phạm pháp luật về thuế, bị cưỡng chế nợ thuế.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu hai sở HSX và HNX công bố thông tin 249 công ty niêm yết trên 3 sàn có vi phạm pháp luật thuế, bị xử phạt, truy thu, cưỡng chế thuế.

Theo danh sách của Tổng cục thuế, hơn 1.500 công ty niêm yết, giao dịch trên 3 sàn có vi phạm pháp luật thuế, các cục thuế địa phương đã ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt truy thu thuế, cưỡng chế nợ thuế doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2017.

Trong danh sách có Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã có vi phạm thuế, bị cưỡng chế thuế.

Cụ thể, Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 125,4 tỷ đồng và phạt chậm nộp 3,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros bị cưỡng chế thuế 11,47 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư và khoáng sản FLC AMD 4,16 tỷ đồng.

Với 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Tập đoàn FLC phải nộp trên 160 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Phương.
Với 66 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Tập đoàn FLC phải nộp trên 160 tỷ đồng. Ảnh: Vũ Phương. 

Trước đó, vào ngày 18/10/2018, Cục thuế tỉnh Bình Định đã công khai danh sách nợ thuế của 209 cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn này lên đến 404,8 tỷ đồng.

Đứng đầu bảng trong số các doanh nghiệp được nêu đích danh lần này có số tiền nợ thuế lớn nhất là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã số thuế 0102683813). Thời điểm đó, Tập đoàn FLC nợ thuế tỉnh Bình Định là 68,4 tỷ đồng.

Vũ Phương