Sau 11 ngày xảy ra sự việc 29 học sinh của Trường Tiểu học Nhã Lộng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) phải cấp cứu hôm 15/3/2019 vì nghi bị ngộ độc do uống sữa đậu nành Fami Kid, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên mới có được kết quả xét nghiệm mẫu sữa này.
29 học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng - Thái Nguyên nhập viện cấp cứu vì bị ngộ độc, nghi là do uống sữa đậu nành Fami Kid. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Phú Bình cung cấp. |
Bác sĩ Triệu Văn Thu - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Bình- Thái Nguyên, khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc 29 cháu học sinh ở Trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc, chúng tôi đã cử cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Phú Bình đến Bệnh viện Đa khoa Phú Bình, nơi các cháu đang cấp cứu.
Tại đây, chúng tôi đã làm công tác niêm phong các mẫu hộp sữa đang uống dở của học sinh, lấy thêm vài hộp sữa Fami Kid cùng lô mà các cháu đang sử dụng, sau đó bàn giao số mẫu sữa đó cho Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên. Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ đến vậy, mọi việc phải đợi trên Chi cục trả lời kết quả”.
Ai chịu trách nhiệm vụ việc 29 trẻ nhỏ cấp cứu sau uống sữa Fami Kid? |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 26/3, ông Lý Văn Cảnh - Chi cục Trưởng Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thái Nguyên, chia sẻ: “Hôm nay, tôi mới có kết quả xét nghiệm sữa Fami Vinasoy.
Hiện chúng tôi đang làm báo cáo lên Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên. Kết quả xét nghiệm ở Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm này cho thấy, tất cả các chỉ tiêu, chỉ số đều phù hợp tiêu chuẩn của Việt Nam”.
Cũng theo ông Cảnh: "Chúng tôi gửi làm hết các chỉ tiêu mà công ty công bố sản phẩm theo quy định, kết quả đều phù hợp...
Tuy nhiên theo tiêu chuẩn 5:1/2010/BYT thì loại sữa này không phải là tiêu chuẩn để đưa vào chương trình sữa học đường”.
Theo tiêu chuẩn 5:1/2010/BYT của Bộ Y tế ban hành hành ngày 2/6/2010 thì sữa học đường phải là sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ sữa tươi nguyên liệu, không bổ sung bất kỳ một thành phần nào của sữa hoặc bất cứ thành phần nào khác kể cả phụ gia thực phẩm, đã qua tiệt trùng.
Nếu đúng như kết quả xét nghiệm mà ông Lý Văn Cảnh cho biết thì vấn đề cần phải đặt ra ở đây là liệu có sự "lập lờ, đánh tráo khái niệm" khi gửi yêu cầu xét nghiệm tìm ra nguyên nhân 29 học sinh bị ngộ độc?
Khi gửi mẫu đi xét nghiệm, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên có yêu cầu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc hay không? Hay chỉ yêu cầu xét nghiệm các tiêu chuẩn có đúng với chỉ số đã được hãng sữa Vinasoy đăng ký, công bố khi đưa sản phẩm này ra thị trường?
Hộp sữa đậu nành Fami Kid của một học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng uống. Ảnh: Tùng Dương. |
Trước đó trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các em học sinh của 61 trường Tiểu học tại 3 huyện là Đại Từ, Phú Bình và thị xã Phổ Yên-Thái Nguyên được uống sữa đậu nành Fami Kid theo chương trình Sữa đậu nành học đường Vinasoy", do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo.
Bà Ngô Thị Hồng Luyến - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nhã Lộng, cho biết: “Trong bản hướng dẫn của nhà máy sữa Vinasoy gửi đến các trường, có viết cách thử sữa, cách uống sữa và nói rõ đây là loại sữa đậu nành vị Sô-cô-la nên rất khó uống, nhất là đối với trẻ nhỏ…
Ngay trong buổi tập huấn uống sữa tại phòng Giáo dục, đại diện nhà máy sữa đậu nành Vinasoy nói rất rõ là sẽ có trường hợp các cháu bị kích ứng với Sô-cô-la, và có hiện tượng âm ỷ đau bụng, có cháu sẽ nôn…”.
Hãng sữa Vinasoy đã cảnh báo những triệu chứng sẽ xảy ra không thích hợp với trẻ mà Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên vẫn để cho các cháu uống? Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái nguyên đưa loại sữa đậu nành Fami Kid vị Sô-cô-la vào chương chình sữa học đường là dựa trên tiêu chí nào?
Các cơ quan này có làm đúng Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khi cho phép đưa sữa đậu nành Fami Kid và giới thiệu một doanh nghiệp không sản xuất sữa tươi tham gia chương trình Sữa học đường của tỉnh?
Các cháu học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc đều có các triệu chứng, nôn, đau bụng, đau đầu... Ảnh: Tùng Dương. |
Trong mục số 2 phần III, của kế hoạch 233/KH-SGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên ngày 19/2/2019 còn nêu rõ: Cấp phát sữa trợ giá từ Vinasoy và nguồn thu của phụ huynh dự kiến triển khai từ ngày 1/4/2019, với giá bán là 2.166 đồng 1 hộp sữa đậu nành Fami Kid 125ml cho đối tượng là học sinh của 3 huyện.
Vậy có thể hiểu sự việc ở đây là sau khi chương trình uống miễn phí 10 ngày kết thúc, sẽ tiếp đến giai đoạn 2 là bán sữa cho các em học sinh.
29 học sinh bị ngộ độc, xét nghiệm sữa Fami Kid theo quy trình nào? |
Trong một diễn biến khác, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên giới thiệu cho hãng sữa VPMilk đến các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm và tham gia chương trình Sữa học đường?
Theo thông tin ghi trên bao bì, sản phẩm VPMilk Grow + là sữa bột pha lại, không phải sữa tươi. Website của VP Milk cho đến hiện nay không thấy giới thiệu bất kỳ sản phẩm sữa dạng lỏng nào sản xuất từ sữa tươi?
Từ những chỉ đạo trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên, các thầy, cô giáo vô tình trở thành nhân viên tiếp thị, bán sữa bất đắc dĩ, trong khi công việc chính của thầy, cô là dạy học.
Phải chăng, Thái Nguyên đang biến trường học trên địa bàn tỉnh, thành nơi tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp? Những ai sẽ được lợi khi các doanh nghiệp này bán được hàng chục ngàn sản phẩm sữa vào trường học mỗi ngày?
Cho đến nay vẫn không thấy có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm vụ 29 học sinh trường Tiểu học Nhã Lộng- Thái Nguyên bị ngộ độc nghi là do uống sữa Fami Kid. Ảnh: Tùng Dương. |
Khi xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm, như vụ ngộ độc sau khi uống sữa đậu nành Fami Kid, thì chính thầy cô và nhà trường lại phải đứng mũi chịu sào trước phụ huynh, mà không thấy những người chỉ đạo đưa sản phẩm này vào nhà trường và hãng sữa nhận trách nhiệm?
Rõ ràng thực trạng triển khai Chương trình Sữa học đường tại Thái Nguyên đang có những biến tướng, sai quy định, trái với Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế số 5450/QĐ-BYT.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngay tại khoa cấp cứu, bác sĩ Tạ Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Bản thân tôi cùng các bác sĩ trong viện trực tiếp tiếp nhận các cháu khi vào khoa cấp cứu, thấy tình trạng ban đầu các cháu đều có triệu chứng khóc, nôn, đau bụng, đau đầu, qua công tác khám, xét nghiệm và chuẩn đoán thì cho thấy đây là hiện tượng bị ngộ độc, và tất cả các cháu đều được cấp cứu theo phác đồ của ngộ độc thực phẩm. Khi các cháu vào viện cấp cứu thì cô giáo và phụ huynh có cầm theo những hộp sữa đậu nành Fami Vinasoy vị Sô - cô - la. Chúng tôi có khai thác thêm thông tin từ cô giáo của trường thì được biết cả trường có hơn 700 cháu uống loại sữa đó, các cháu uống đến hôm nay là ngày thứ 2. Cô giáo cũng nói thêm, cả huyện Phú Bình có 15 trường đồng loạt uống loại sữa Fami Vinasoy này theo chương trình Sữa học đường nâng cao thể chất của học sinh. Theo chúng tôi phán đoán, có thể sữa mà 29 cháu đang cấp cứu được uống ở Trường tiểu học Nhã Lộng là có vấn đề thì mới dẫn đến việc ngộ độc”. |