Sau sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La…đã hàng loạt cán bộ quản lý của ngành giáo dục trong hội đồng thi ở các địa phương này bị bắt, bị truy tố.
Một số cán bộ công an bị kỷ luật, có người bị tước danh hiệu hiệu công an nhân dân. Thế nhưng, những thí sinh vi phạm vẫn được giữ kín trong vòng bí mật...
Thậm chí, quan điểm của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình còn không muốn công bố danh sách những thí sinh vi phạm.
Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Nhìn lại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, chúng ta thấy đây là một kỳ thi có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng của Bộ Giáo dục cùng một số bộ, ngành, các địa phương trong cả nước chung tay.
Theo số lượng thống kê từ Bộ Giáo dục thì kỳ thi này: “có 925.753 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.144 Điểm thi với 39.689 phòng thi.
Huy động gần 45.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện; trường đại học, cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi” [1].
Nếu cộng cả cán bộ, giáo viên tại chỗ của các địa phương trong khâu coi thi, chấm thi, vào điểm thì chúng ta thấy lực lượng được huy động và tham gia cho kỳ thi đã lên đến con số trên 1 triệu người cho kỳ thi này.
Tất nhiên, nhà nước và nhân dân phải chi một số tiền khổng lồ cho kỳ thi này.
Sau khi kỳ thi kết thúc, trả lời phỏng vấn trên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết về 4 thành công của kỳ thi như sau:
“Thứ nhất: Kỷ luật phòng thi tốt, trật tự an toàn, kỳ thi nhẹ nhàng, nghiêm túc. Cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ theo quy chế.
Qua thực tế cho thấy, phương thức tổ chức thi như hiện nay, các cháu được thi ngay tại huyện, đi thi như đi học đã khẳng định tính hợp lý, hiệu quả và đã được cả xã hội đồng tình ủng hộ.
Không công khai danh tính thí sinh được nâng điểm, Bộ Giáo dục nói gì? |
Thứ hai cả xã hội nhất là các địa phương đã rất nỗ lực, chung tay góp sức với ngành giáo dục để tổ chức thành công kỳ thi.
Thứ ba là sự phối hợp giữa các trường đại học, cao đẳng với các Sở Giáo dục và Đào tạo đã rất nhịp nhàng hiệu quả.
Thứ tư đề thi được bảo mật tuyệt đối, bước đầu được dư luận đánh giá cao, bám sát mục tiêu kỳ thi, phù hợp với chương trình phổ thông, có sự phân hóa tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và đặc biệt là tuyển sinh vào các trường đại học cao đẳng”. [2]
Và, chúng ta tin vào sự thành công của kỳ thi bởi được đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết của không biết bao nhiêu lãnh đạo ngành, đội ngũ giảng viên, các thầy cô giáo tham gia coi thi, chấm thi.
Đặc biệt là sự trông chờ, hy vọng về sự công bằng của hơn 900 nghìn thí sinh tham gia kỳ thi này.
Thế nhưng, một số cán bộ quản lý giáo dục của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã làm hỏng kỳ thi bằng việc nâng khống điểm cho hàng trăm thí sinh.
Vì thế, danh dự, uy tín của kỳ thi bị giảm sút không chỉ dừng lại ở một vài địa phương này mà hệ lụy của nó vô cùng to lớn rất khó gột rửa được trong hiện tại và kể cả tương lai.
Tất nhiên, những người vi phạm đã bị bắt, bị truy tố để chờ ngày xét xử khi cơ quan điều tra hoàn tất công việc của mình.
Những danh dự, uy tín của những con người này đã hoàn toàn mất và nó cũng kéo theo uy tín của ngành giáo dục trong mắt mọi người sẽ không còn được nguyên vẹn.
Việc những cán bộ quản lý giáo dục bị bắt tạm giam, một số cán bộ công an bị kỷ luật, thậm chí là tước danh hiệu công an nhân dân cho những con người chà đạp lên pháp luật, đạo lý, lương tâm là hoàn toàn chính xác.
Nhưng, thử hỏi nếu không có “cầu” thì những cán bộ này “cung” cho ai đây?
Ai là người móc ngoặc, ai là người ra giá để bị can Ðỗ Mạnh Tuấn - một Phó Hiệu trưởng ở Hoà Bình có thể được hưởng 550 triệu đồng để sửa bài của các thí sinh chỉ trong mấy ngày tham gia vào Hội đồng chấm thi?
Những đồng phạm của ông Đỗ Mạnh Tuấn đã được hưởng bao nhiêu tiền?
Vì thế, việc công bố những thí sinh vi phạm và những người tham gia đường dây này là những ai, rất cần cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ để đưa ra ánh sáng.
Nếu lãnh đạo ngành giáo dục không công bố vì sợ tổn thương thí sinh, vì đảm bảo tính nhân văn e rằng rất khó thuyết phục được dư luận xã hội.
Ngày 26/3/2019, tại kỳ họp báo định kỳ quý I năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin liên quan đến gian lận kỳ thi ở Hòa Bình và Sơn La.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết là "việc công bố danh sách thí sinh được nâng điểm trong gian lận thi Trung học phổ thông quốc gia sẽ được cơ quan điều tra cân nhắc bởi chúng ta không thể không tính đến những tác động tiêu cực đến các cháu".
Điều này cho thấy việc có công bố danh sách thí sinh vi phạm hay không...tiếp tục phải còn chờ đợi.
Dư luận mong chờ sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Việc nhanh chóng xử lý một số cán bộ quản lý giáo dục và một số cán bộ an ninh tham gia vào vụ việc này là cần thiết.
Nhưng, dư luận đợi những người móc nối, những người cầm tiền đi lo lót cho con em mình và cả những thí sinh trong số đã được cơ quan điều tra kết luận là đã được nâng khống điểm phải được xử lý nghiêm minh, công bằng.
Bởi, nếu những thí sinh chạy điểm đã được “đánh động” từ trước khi nhập học nhưng họ vẫn đường hoàng bước vào các trường đại học, học viện uy tín.
Bao nhiêu thí sinh học tập nghiêm túc, cầu tiến lại bị những kẻ gian dối chiếm mất cơ hội của mình. Vì thế, khi vi phạm thì cả người “cung”, kẻ “cầu” cần được xử lý nghiêm minh.
Bởi, chính họ đã phá hỏng kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018!
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhin-lai-3-ngay-thi-thpt-quoc-gia-2018-nghiem-tuc-khach-quan-an-toan-3935816-v.html
[2]https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/4-thanh-cong-cua-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-3936050-v.html