Liên quan đến 29 học sinh bị ngộ độc tại trường Tiểu học Nhã Lộng (Phú Bình, Thái Nguyên) hôm 15/3/2019, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã có báo cáo số 598/BC-SYT ngày 26/3/2019 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.
Các cháu học sinh trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) phải đi cấp cứu vì nghi bị ngộ độc sữa Fami Kid hôm 15/3/2019. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Phú Bình cung cấp. |
Báo cáo này do ông Đặng Ngọc Huy - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên ký, trong phần 1.4 nêu rõ:
Mẫu bệnh phẩm: Không có, do các cháu học sinh đến bệnh viện không bị nôn và đi ngoài nên không lấy được mẫu chất nôn, phân để xét nghiệm.
Mẫu thực phẩm: Khi xảy ra vụ việc, Trung tâm Y tế huyện Phú Bình đã tiến hành lẫy mẫu sữa đậu nành Fami Kid -Sô cô la, sản xuất tại nhà máy sữa đậu nành Vinasoy Bắc Ninh- Chi nhánh Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi, ngày sản xuất: 5/3/2019, hạn sử dụng: 5/9/2019, lô số 0321, đây là lô sữa được cho học sinh uống tại trường Tiểu học Nhã Lộng ngày 15/3/2019, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên gửi mẫu kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Ngày 25/3/2019, có trả lời của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, tại phiếu này cho thấy kết quả các chỉ tiêu kiểm nghiệm phù hợp với văn bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số: TCCS 01:2014/NMS cho sản phẩm sữa đậu nành Fami Kid - Sô cô la (thuộc nhóm thực phẩm bổ sung).
Trong mục 2 của Báo cáo này, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên kết luận: Hiện tượng đối với các học sinh sau khi uống sữa tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (Huyện Phú Bình, Thái Nguyên) liên quan đến vấn đề không dung nạp sữa xảy ra ở một số trường hợp dẫn đến kích thích dạ dày- ruột, không phải ngộ độc thực phẩm.
Những thùng sữa Fami Kid đã được niêm phong tại Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên). Ảnh: Tùng Dương. |
Phần 3 của báo cáo này, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Không đưa vào sử dụng trong chương trình sữa học đường và thực hiện theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vậy nếu căn cứ theo báo cáo này của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, thì hoàn toàn không có từ nào chỉ ra nguyên nhân 29 cháu bị ngộ độc?
Vấn đề nằm ở chỗ, là các mẫu được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia không hề có mẫu sữa mà các cháu học sinh đang uống dở, cũng như mẫu bệnh phẩm của các cháu?
Bác sĩ Triệu Văn Thu - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Bình (Thái Nguyên), trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vào ngày 27/3/2019: “Sau khi xảy ra sự việc 29 cháu học sinh ở Trường Tiểu học Nhã Lộng bị ngộ độc, chúng tôi đã cử cán bộ của Trung tâm Y tế huyện Phú Bình đến trạm Y tế xã, nơi cấp cứu các cháu ban đầu và đến bệnh viện Đa khoa Phú Bình, nơi các cháu đang điều trị để tìm hiểu.
Lúc này, Trưởng Trạm Y tế xã Nhã Lộng đang yêu cầu nhà trường mang những vỏ hộp sữa đang uống dở và vài hộp còn nguyên đến Trạm Y tế, số mẫu đó được đóng hộp, rồi chuyển về Trung tâm Y tế huyện Phú Bình.
Nhưng tôi thấy những hộp đang uống dở nếu chỉ để như vậy mà không bảo quản thì vài tiếng sau là đã bị nhiễm khuẩn, nên không còn ý nghĩa lắm với việc xét nghiệm, giờ chỉ còn xem những mẫu hộp nguyên kia thôi”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngay tại khoa cấp cứu, bác sĩ Tạ Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Khi đưa các cháu vào viện cấp cứu, thì cô giáo và phụ huynh có cầm theo những hộp sữa đậu nành Fami Vinasoy vị Sô-cô-la mà các cháu đang uống dở, chúng tôi đã niêm phong những hộp uống dở đó, rồi bàn giao lại cho Trung tâm y tế huyện Phú Bình”.
Học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) khi vào viện đều có triệu chứng đau đầu, nôn, đi ngoài. Ảnh: Bệnh viện đa khoa Phú Bình cung cấp. |
Như vậy, chỉ riêng việc thu thập mẫu sữa ban đầu, nghi là nguyên nhân gây ra ngộ độc để gửi đi xét nghiệm đã cho thấy không có sự đồng nhất giữa các cơ quan bảo vệ sức khỏe của tỉnh Thái Nguyên.
Trạm Y tế xã Nhã Lộng có yêu cầu gom lại các hộp sữa Fami Kid đang uống dở mang đến trạm để lưu mẫu.
Trung tâm Y tế huyện Phú Bình xác nhận có tiếp nhận từ Trạm Y tế xã một hộp đựng mẫu sữa mà học sinh đang uống dở, sau đó niêm phong.
Có tin được bản xét nghiệm sữa đậu nành Fami Kid tại Thái Nguyên? |
Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Bình cũng xác nhận có niêm phong một số hộp sữa Fami Kid uống dở rồi bàn giao lại cho Trung tâm Y tế huyện Phú Bình.
Tất cả hộp những mẫu sữa đang uống dở và hộp còn nguyên đều được niêm phong. Bác sĩ Triệu Văn Thu xác nhận đã bàn giao cho cán bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên ngay tại Trung tâm Y tế huyện Phú Bình.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 27/3/2019, ông Lý Văn Cảnh - Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Khi chúng tôi gửi mẫu sữa Fami Kid đi xét nghiệm thì không có mẫu hộp dở nào còn nhiều, đây là loại sữa hộp 125 ml nên hầu như các cháu đã uống hết hoặc đổ đi, số lượng còn lại trong hộp quá ít để làm xét nghiệm.
Chúng tôi chỉ gửi đi xét nghiệm những hộp sữa còn nguyên nhưng cùng lô sản xuất.
Tại bệnh viện, các cháu học sinh không bị nôn, không bị đi ngoài nên chúng tôi không lấy được mẫu bệnh phẩm theo quy định”.
Phiếu xét nghiệm phân của học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên) ngày 15/3 tại Bệnh viện đa khoa Phú Bình: Ảnh: Bệnh viện đa khoa Phú Bình cung cấp. |
Báo cáo này chưa thực sự rõ ràng về việc nguyên nhân gây ngộ độc cho các cháu học sinh Trường Tiểu học Nhã Lộng (Thái Nguyên). Ảnh: Tùng Dương. |
Bác sĩ Tạ Văn Thành - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: "Bản thân tôi cùng các bác sĩ trong viện trực tiếp nhận các cháu khi vào khoa cấp cứu, thấy đây là triệu chứng của ngộ độc thực phẩm vì các cháu có nôn, đi ngoài, nên chúng tôi cũng đã tiến hành xét nghiệm phân của một số cháu”.
Vậy ở đây, có hay không việc Trung tâm Y tế huyện Phú Bình đã không lấy mẫu nôn, mẫu phân ban đầu của các cháu tại bệnh viện, dẫn đến việc không có mẫu bệnh phẩm? Đây là mấu chốt để tìm ra sự thật 29 cháu học sinh kia có phải bị ngộ độc do sữa Fami Kid gây ra hay không?
Với một loạt những câu hỏi còn bỏ ngỏ xoay quanh sự cố 29 học sinh phải nhập viện cấp cứu, kết luận trên của Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên liệu có đủ thuyết phục?