Chưa ai thống kê ngoài việc lên lớp giảng dạy, giáo viên ở Việt Nam còn làm được những công việc gì để kiếm thêm thu nhập.
Thi thoảng đâu đó, trên báo chí xuất hiện câu chuyện về thầy cô giáo đi làm MC, buôn hoa, đánh cá…Nhưng đó là những lúc họ không đứng lớp và cũng không làm khó phụ huynh.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên lại tranh thủ tận dụng chính phụ huynh của mình để biến họ thành khách hành mua sản phẩm.
Không biết, bao nhiêu phụ huynh đã từng rơi vào tình cảnh bối rối như nhân vật trong bài viết.
Không ít phụ huynh, học sinh bị dị ứng khi giáo viên kiêm nhiệm thêm tiếp thị bảo hiểm, bán hàng online. Ảnh minh họa: Hoàng Mai |
Chị Nguyễn Thị T. (Việt Trì – Phú Thọ) đang làm giảng viên tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Chị có một con trai 5 tuổi đang theo học tại một trường công lập gần nhà.
Là một người cũng làm nghề giáo, hơn ai hết, chị T. hiểu những khó khăn về kinh tế của thầy cô, đặc biệt là giáo viên mầm non.
“Các cô làm thêm bất cứ nghề gì là quyền của họ. Tuy nhiên, làm ơn đừng tiếp thị hay chèo kéo mời mọc phụ huynh của chính học sinh mà các cô đang dạy mua sản phẩm.
Vì thực sự nó đẩy họ vào tình huống rất khó xử và sau những lần mua hàng đó, ít nhiều suy nghĩ của phụ huynh đánh giá về các giáo viên có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Đó là cảm nhận của cá nhân tôi khi từng trải qua các tình huống này”, chị T. bộc bạch.
Chị T., kể lại, vài tuần, giáo viên của con lại đon đả tiếp thị với chị sản phẩm mà cô giáo đang làm cộng tác viên bán hàng.
“Lúc đầu, cô giáo của con trai tôi bán cốc nguyệt san. Cô mời một lần từ chối, hai lần từ chối chứ mời đến lần thứ 3 thì tôi cũng phải ậm ừ rồi mua hàng.
Dù gì đây cũng là sản phẩm tôi dùng được nên dù không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng ra sao, tôi vẫn mua 1, 2 lần cho cô vui lòng”, chị T. thành thực tâm sự.
Ít lâu sau, cô giáo của con trai chị lại chuyển sang tiếp thị mặt hàng mới là sữa cho trẻ. Một loại sữa được cô giới thiệu là sữa bột dinh dưỡng cao cấp 100% thiên nhiên.
Chị T. kể: “Thú thực, loại sữa cô giáo bán tôi không biết bán ở đâu trên thị trường vì chưa thấy quảng cáo bao giờ cả.
Cô một hai khen sữa tốt, con cô đã sử dụng rồi cam kết, cam đoan về chất lượng an toàn. Nào là hàng sản xuất hạn chế, phải quen thân mới lấy được…”.
Sau nhiều lần cô giáo mời chào, chị T. cũng nghĩ, dù gì sữa con chị cũng phải mua nên gật gù lấy của cô một hộp.
“Uống được ít bữa, con trai tôi bị táo. Cháu cũng tỏ ra không thích sản phẩm này. Mỗi lần uống chỉ 150ml cũng phải ép mới hết. Dù còn 2/3 hộp, tôi đành bỏ đi vì con không thích thì đâu cho ai dùng được”, chị T. nói.
Chưa hết, sau mỗi lần mời chào và bán được sản phẩm cho chị, cô giáo đều nhắn tin facebook cho chị hỏi xem sử dụng sản phẩm thế nào.
Vì lịch sự và cũng gọi là trả lời cho qua chuyện, chị T. đều bảo: “Nhà cháu dùng sản phẩm rồi. Rất oki cô ạ!”.
Ngay sau phản hồi của chị, hôm sau toàn bộ tin nhắn đó được cô giáo đăng lên trang cá nhân của cô kèm theo gắn thẻ (tag) facebook của chị T. vào đó. Bất đắc dĩ, chị T. lại tiếp tục phải “diễn” trên face của cô.
Tháng sau, có vẻ sản phẩm sữa không bán chạy hoặc lợi nhuận không cao, cô giáo của con chị lại quay sang tiếp thị bảo hiểm.
Hễ hôm nào đến con muộn, chị T. lại được cô giáo chèo kéo vào nói chuyện về con, hỏi han không ngớt về công việc của chị T. và chồng.
Thưa các thầy cô, hay là ta đấu tranh để công nhận dạy thêm là một nghề? |
Với chị T. cô tiếp thị cho gói sản phẩm bảo hiểm an tâm giáo viên với chi phí một năm khoảng nửa triệu.
Với chồng chị T. là lái xe, cô giáo tiếp thị gói bảo hiểm tai nạn khi tham gia giao thông bao gồm các quyền lợi về chi phí y tế: giường bệnh, thuốc, xét nghiệm, phẫu thuật, dụng cụ y tế, thiết bị hỗ trợ đi lại... trợ cấp thu nhập khi nằm viện; hỗ trợ chị phí lưu bãi và thuê xe thay thế khi xe bị cơ quan chức năng tạm giữ; hỗ trợ chị phí cứu hộ xe tai nạn; trợ giúp pháp lý: tiền phạt và phí thuê luật sư..
Với con trai chị, cô tư vấn cho dịch vụ bảo hiểm nhân thọ “an tâm cả đời”.
“Nghe xong vô số “gói” tiếp thị của cô về bảo hiểm, tôi trộm nghĩ giá mà thời gian cô dành cho tìm hiểu hồ sơ lý lịch gia đình tôi cô dành cho các con.
Lúc đó, con tôi sẽ không đến nỗi thi thoảng đi học về lúc bị tím tay vì bạn cắn do “em không để ý hai con cắn nhau”. Lúc lại bị nhiễm lạnh về ốm cả tuần phải nghỉ học do trời nóng, cô cởi bớt áo rét những chiều trời trở lạnh cô không để ý nên chưa mặc vào”, chị T. tâm sự.