Những cán bộ bị kỷ luật nặng vì các sai phạm được bổ nhiệm lại luôn thu hút sự chú ý của dư luận.
Mới đây, câu chuyện của ông Tất Thành Cang ở Thành Phố Hồ Chí Minh và ông Ngô Văn Tuấn ở Thanh Hóa lại khiến dư luận bàn thảo sôi nổi.
Ông Tất Thành Cang có chức danh mới là Phó ban thường trực "Ban chỉ đạo công trình lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh [1] khiến dư luận ngạc nhiên.
Ông Tất Thành Cang (bên trái) và ông Ngô Văn Tuấn. |
Bởi mới ngày 26/12/2018, Ban chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang bằng hình thức cách chức ủy viên Trung ương khóa 12, Phó bí thư thường trực Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Tuấn về công tác tại Sở Xây dựng, tỉnh Thanh Hóa. Có dư luận cho rằng, sẽ bổ nhiệm ông Tuấn vào chức vụ chánh văn phòng của sở này [2].
Trước đó, ông Ngô Văn Tuấn từng bị Thủ tướng Chính phủ cách chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào tháng 1/2018.
"Một mình ông Tất Thành Cang đơn thương độc mã thì không làm được gì đâu!" |
Hai sự việc trên gây ra nhiều ý kiến tranh luận, không ít ý kiến phải đối.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Văn Cuông, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.
Theo ông Cuông, vấn đề xử lý kỷ luật hai cán bộ này được dư luận rất đồng tình nhưng nay được bố trí lại khiến dư luận phản ứng.
Theo quy định của pháp luật thì kỷ luật sau 12 tháng có thể bố trí lại theo điều kiện, sở trường, năng lực, trình độ của cán bộ.
Tuy nhiên, về đạo lý thì mới kỷ luật nặng, cách chức và khuyết điểm rất nặng nhưng xong thời hạn quy định 1 năm lại được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo mặc dù chức vụ có thấp hơn trước đây cũng là chưa thuyết phục.
Ông Lê Văn Cuông nhấn mạnh: “Dư âm về các khuyết điểm sai phạm của hai vị này đang còn hiện hữu nhưng có phải thiếu người lắm đâu mà phải vội vàng bổ nhiệm họ.
Thậm chí, có thiếu cán bộ đi chăng nữa thì về mặt tâm lý cũng chưa nên sử dụng bố trí lại một cách vội vàng, cấp tập như thế”.
Ông Lê Văn Cuông còn cho rằng, sau sự việc này, các quy định pháp luật về cán bộ cần nghiên cứu để sửa đổi.
Cách chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn |
Những người bị cách chức thì thời gian được bổ nhiệm lại phải kéo dài lâu hơn những trường hợp bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo.
Ví dụ như phải 5 năm sau kỷ luật mới được bổ nhiệm.
Không nên đổ đồng kỷ luật khiển trách với cách chức để chỉ sau một năm lại được bố trí quy hoạch, bổ nhiệm.
Một lần nữa ông Lê Văn Cuông cho rằng: "Trong tình hình nóng về công tác cán bộ như hiện nay thì dư luận dễ nghĩ đến nhóm lợi ích cố tình xem thường dư luận để bảo vệ nhau.
Cố bổ nhiệm lại để đạt mục đích cá nhân mà không để ý đến sẽ ảnh hưởng công tác cán bộ của Đảng và nhà nước.
Bổ nhiệm như vậy, có vấn đề gì đó chưa mang tính giáo dục".
Cuối cùng, ông Lê Văn Cuông góp ý: “Cần phải suy xét khi bổ nhiệm lại có lợi hay không?
Phải đảm bảo uy tín chính trị công tác tổ chức cán bộ chứ không nên làm ào ào, nóng vội.
Về mặt pháp luật làm không sai nhưng về đạo lý thì bố trí như vậy là vội vàng, không nên. Điều này ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng”.
Tài liệu tham khảo:
1. https://vnexpress.net/thoi-su/ong-tat-thanh-cang-lam-pho-ban-chi-dao-cong-trinh-lich-su-tp-hcm-3902369.html
2. https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-ngo-van-tuan-se-quay-ve-so-xay-dung-thanh-hoa-1065959.html