Ngày 30/3/2019, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Trường trung học phổ thông Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.
Hội thảo diễn ra đã thu hút hơn 2.000 thầy cô, học sinh chăm chú lắng nghe từng chi tiết chia sẻ của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nói về khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Thời tiết diễn ra buổi hội thảo tuy có chút nắng nhưng không làm giảm sự nhiệt tình, quan tâm của thầy cô, học sinh toàn trường, đó như một câu trả lời ý nghĩa về sự cần thiết của buổi hội thảo.
Buổi hội thảo thu hút sự chú ý lắng nghe của hơn 2.000 thầy cô giáo, học sinh từ giây phút đầu tiên khi Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ. Ảnh: Công Tiến |
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng nói: “Trông thấy các em tôi như nhớ lại hồi tôi còn trẻ” câu nói đó thật ấm áp và tình cảm biết bao, nó như truyền một thông điệp rằng ở đây đơn giản chỉ là những chia sẻ kinh nghiệm của người đi trước với các thế hệ tương lai của đất nước.
Với cách chia sẻ vui vẻ và khoa học Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dẫn dắt người nghe đi từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng từ những phút giây đầu tiên Thầy chia sẻ.
Thầy đã có những chia sẻ về bản thân thầy và gia đình, về quá trình học tập của thầy cũng như những khó khăn thầy đã phải vượt qua.
Buổi hội thảo bắt đầu yên lặng có lẽ bởi vì sự ngưỡng mộ của các em học sinh đối với một người thầy mà học tới 4 trường sư phạm và tốt nghiệp đại học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ.
Thầy nói về những thiếu thốn của lứa thế hệ các thầy ngày xưa:
“Tôi nghĩ lại hồi ấy sao chúng tôi gian khổ tới mức ấy, không được ngồi học ở ngôi trường đẹp và khang trang như các em thế này. Chúng tôi phải học ban đêm, không có điện và không có cả đèn dầu.
Ngày đó, chúng tôi phải tự tạo ra những cái đèn từ thuốc đánh răng, thời gian đó thuốc đánh răng hộp không giống như bây giờ…một tay che đèn, một tay viết, tôi hiểu rằng học cho mình không phải học cho bạn”.
Rồi thầy nói tiếp về tầm quan trọng cũng như cách học ngoại ngữ, học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là rất quan trọng đối với tương lai mỗi chúng ta.
“Tôi đã đi 30 nước và tôi thấy ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là quan trọng vô cùng. Lời khuyên của tôi dành cho các em là phải học ngoại ngữ, các phải kết hợp học ở trường và tự học.
Cách mạng công nghiệp 4.0 “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” |
Vậy cách học tiếng Anh như nào cho hiệu quả? Đầu tiên học từ tối thiểu. Các em cố gắng học ít nhất 1.000 từ.
Thứ hai là học theo mẫu câu, tôi đã đến trường, tôi đến trường, tôi sẽ đến trường. Tập trung vào 3 thì đó là hiện tại, quá khứ và tương lai. Đó là cách học tiếng Anh để nói” - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Trước khi nói về cuộc cách mạng 4.0, thầy có nêu khái quát và đầy đủ các thông tin, sự kiện liên quan về các thành tựu của các cuộc cách mạng trước đó mang lại.
Thầy nhấn mạnh về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, cuộc cách mạng này vừa mở ra cơ hội lớn nhưng cũng mang đến nhiều thách thức cho thế hệ trẻ của Việt Nam khi nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Trong tương lai, khi robot thay thế công việc của con người, nhiều lao động ở một số ngành nghề có thể đứng có nguy cơ bị thất nghiệp.
“Nếu các bạn không trang bị cho mình những hành trang tri thức để phát triển bản thân các bạn cũng sẽ có nguy cơ bị thất nghiệp và đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công, tôi đã gặp và giúp đỡ rất nhiều nông dân giờ đây họ đã thành tỷ phú.
Tương lai của thế hệ trẻ các em sẽ có rất nhiều cơ hội cũng như con đường dẫn tới thành công, các em chính là những người chủ tương lai của đất nước.
Tôi mong các em tiếp cận công nghệ mới và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên” - Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng cảnh báo.
Thầy lại nói về cuộc cách mạng 4.0: “Thời đại công nghiệp lần thứ tư mang tới thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng rất nhiều với những Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Robot thế hệ mới, Công nghệ Nano và sự phát triển theo hàm số mũ của các ngành Tin học, Công nghệ sinh học, vật liệu mới, Công nghệ in 3D”.
Hội thảo đã diễn ra trong không khí rất vui vẻ và hào hứng, các em học sinh đặt rất nhiều câu hỏi và đều được Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng giải đáp. Ảnh: Công Tiến |
Thầy không chỉ chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà thầy còn kể cho toàn thể thầy cô, học sinh nghe về những câu chuyện, tấm gương vượt khó và thành công nhằm giúp các em học sinh nhận thức được tốt nhất về những cơ hội và thách thức trong tương lai.
Thầy nói tiếp về những tấm gương các bạn trẻ có hoàn cảnh bất hạnh mà vẫn lạc quan vươn lên trong cuộc sống: “Trông thấy các em khỏe mạnh, nhanh nhẹn và xinh đẹp tôi thấy thương và cảm phục những trẻ em khuyết tật, gặp bất hạnh trong cuộc sống nhưng đã thành công bằng chính trí tuệ của mình”.
Rồi thầy kể cho thầy cô, học sinh toàn trường nghe về những tấm gương có thật về sự kiên trì, vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng như tiếp thêm ngọn lửa hy vọng, hành trang tâm lý để bước vào đời một cách tràn đầy hy vọng.
Mở đầu là câu chuyện về Lê Thị Thắm: “Thắm sinh ra không có hai tay như người bình thường nhưng cô đã vượt lên khó khăn và đạt giải nhất viết chữ đẹp toàn tỉnh Thanh Hóa bằng chân. Không dừng lại ở đó Lê Thị Thắm không chỉ viết chữ đẹp mà thêu thùa cũng rất đẹp” - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng kể.
Rồi tiếp đến là câu chuyện của Trần Hồng Giang ở Nam Định tuy liệt cả tay lẫn chân nhưng có thu nhập cao hơn mọi thanh niên trong làng từ biên tập sách cho các nhà xuất bản.
Chuyện kể về cuộc đời của anh nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) quê ở Diễn Châu - Nghệ An.
Tỷ phú Mười Bơ tuy trình độ chưa hết cấp hai nhưng anh trở thành tỷ phú nhờ ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên như mang đến cho học sinh thông điệp “có chí thì nên, đại học không phải là con đường duy nhất tới thành công và chúng ta không được coi thường người nghèo”.
Tại buổi hội thảo thầy cũng dành tặng những cuốn sách quý về nhiều lĩnh vực do mình viết để gửi tặng các thầy cô đó là một điều rất giản dị nhưng chân quý đối với những thầy cô giáo nơi đây.
Để trở thành công dân toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 |
Buổi hội thảo thêm phần thú vị với phần tương tác giữa Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng với các bạn học sinh.
Các em học sinh đã đặt rất nhiều câu hỏi về những băn khoăn lứa tuổi học đường, về những hành trang cần thiết của các bạn trẻ trước thời cơ và thách thức của cuộc cách mạng 4.0 mang đến.
Em Trung học sinh khối 12 có chia sẻ: “Không chỉ riêng em mà rất nhiều các bạn học sinh lớp 12 chuẩn bị thi đại học đều rất quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp và khởi nghiệp sau này.
Những băn khoăn này đã được thầy giải đáp và truyền thêm cảm hứng cho chúng em và em cảm thấy vô cùng thích thú với quan điểm học để trở thành người tự do”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thầy có nhận định cuộc cách mạng lần thứ 4 vừa mang đến cơ hội lại cũng hàm ẩn nhiều thách thức:
“Cách mạng công nghiệp trước hết mang đến thách thức đó là cơ hội việc làm khi hiện nay nhiều nơi đã sử dụng máy móc và các robot để thay thế con người làm việc. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này cũng mang đến cho các em nhiều cơ hội.
Bên cạnh đó, việc học tập cũng như lao động sẽ thuận lợi hơn nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật”.
Dù giọng nói thầy có đôi chút khàn nhưng thầy đã đưa ra 31 lời khuyên sâu sắc và bổ ích cho học sinh và đã truyền cảm hứng, lan tỏa cho học sinh cả trường bằng những câu hô vang ủng hộ.
Rồi thầy nhẹ nhàng khuyên nhủ: “Để trở thành một công dân ưu tú trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 các em cần phải có cái đầu tiên đó là sức khỏe.
Thứ hai là vốn ngoại ngữ và thứ ba là công nghệ thông tin, chọn nghề phải dựa vào trí thông minh của mình…và phải luôn tự tin và kiên trì trước mọi khó khăn”.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hà - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nam Sách đã có lẵng hoa tươi thắm cảm ơn Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng và Ban tổ chức buổi hội thảo. Ảnh: Công Tiến. |
Cô Nguyễn Thị Thúy Hà - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nam Sách (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) phát biểu suy nghĩ:
“Buổi hội thảo đã đem đến cho thầy cô và học sinh Trường trung học phổ thông Nam Sách rất nhiều bài học bổ ích.
Cảm ơn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp tổ chức buổi hội thảo vô cùng ý nghĩa và cần thiết.
Buổi hội thảo không những giúp các em học sinh của nhà trường được tiếp thu nhiều kiến thức sâu sắc mà còn giúp các em sống tình nghĩa hơn và có trách nhiệm với tương lai của chính mình.
Những điều Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng chia sẻ đã giúp ích cho chúng tôi nhiều điều, hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ được hợp tác nhiều hơn nữa với thầy và Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam”.
Được biết, Trường trung học phổ thông Nam Sách là trường trung tâm của huyện Nam Sách, thuộc tốp trường trung học phổ thông dẫn đầu tỉnh Hải Dương, là địa chỉ “trồng người” được nhân dân tin cậy.
Tọa lạc giữa trung tâm huyện Nam Sách - Hải Dương, mảnh đất giàu truyền thống hiếu học và khoa bảng.
Trường trung học phổ thông Nam Sách luôn là niềm mơ ước của hầu hết các em học sinh Nam Sách.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng đã dành những lời cảm ơn, những cái bắt tay đầy yêu quý, như một lời cảm ơn đầy ý nghĩa tới thầy cô cùng các em học sinh Trường trung học phổ thông Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.