Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại

07/04/2019 06:12
NHẬT DUY
(GDVN) - Ai cũng quan niệm đó không phải là việc của mình. Lâu ngày, hình thành thói quen vô cảm trước những gì mà mình chứng kiến xung quanh.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể thấy nỗi buồn, những đau đớn, trái ngang của nhiều người khác.

Trong hoàn cảnh ấy, chúng ta biết chung tay nâng đỡ những mảnh đời đang rơi vào hoàn cảnh éo le, dám đương đầu với cái xấu thì có lẽ cuộc đời sẽ đẹp lên rất nhiều.

Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do khác nhau mà khi chứng kiến những hoàn cảnh bất hạnh, thậm chí là hoạn nạn nhưng vẫn có nhiều người dửng dưng, vô cảm, thậm chí còn cổ vũ, quay phim, chụp hình để tung lên mạng xã hội…

Bệnh vô cảm đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống mất dần (Ảnh minh họa: baoquangbinh.com.vn)
Bệnh vô cảm đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống mất dần (Ảnh minh họa: baoquangbinh.com.vn)

Khi sự việc một nữ sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị nhóm 5 nữ sinh lớp 9 đánh hội đồng, lột quần áo và quay phim clip gửi cho nhau xem nhưng nhà trường và giáo viên chủ nhiệm lại muốn che giấu không muốn cho gia đình biết tường tận.

Đây phải chăng chính là sự vô cảm của thầy cô trước nỗi đau của học trò?

Nếu tra cứu trên google.com về tình trạng bạo lọc đường, về việc học sinh đánh nhau và lột đồ của nhau thì có hàng nghìn kết quả hiển thị.

Và, trong số các clip, các hình ảnh đó, chúng ta thấy được rất nhiều những chuyện đau lòng đã và đang xảy ra.

Đa phần là các em chứng kiến vụ việc chỉ khoanh tay đứng nhìn hoặc cổ vũ cho bạn mình đánh nhau và quay clip chứ không can ngăn hay có tác động nào đó để các bạn của mình dừng tay lại.

Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại ảnh 2Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn

Khi chứng kiến các vụ tai nạn trên đường, nhiều người vẫn bình thản chạy qua.

Nếucó đứng lại cũng chỉ xúm lại bàn tán, chỉ trỏ chứ ít người dám lao vào cứu giúp hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Nhiều cái chết thương tâm đã xảy ra mà đáng lẽ họ tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến cho đời nếu được những người xung quanh trợ giúp tức thì, không đắn đo, toan tính hay sợ liên lụy.

Ngay trong cả các cơ quan, khi thấy đồng nghiệp của mình đứng lên tố cáo những sai trái hay phản đối những việc làm chưa đúng của lãnh đạo đơn vị thì cũng thường rất đơn độc.

Khi bị lãnh đạo phản bác, trù dập thì ít người dám can ngăn hay đứng về lẽ phải.

Nhiều người sợ liên lụy đến mình, sợ bị rơi vào hoàn cảnh tương tự của đồng nghiệp mà trở nên thờ ơ xem như không hay biết.

Nhiều công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè, xây dựng trái phép thì cũng ít có ai dám đứng ra can ngăn hay tố cáo.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè cứ mặc nhiên tồn tại bởi các cơ quan chức năng thì làm theo đợt, theo từng giai đoạn. Thậm chí còn có sự bắt tay nhau trong những sai phạm.

Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại ảnh 3Cư dân mạng phẫn nộ về bà mẹ bắt 2 con quỳ gối trên đại lộ

Dân chúng thì xem đó không phải là việc của mình. Góp ý làm gì thêm phiền toái, thậm chí ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình.

Những cái xấu, cái chưa tốt, thậm chí là cái ác cứ mặc nhiên tồn tại trong xã hội hiện đại.

Ai cũng quan niệm đó không phải là việc của mình. Lâu ngày, hình thành một thói quen vô cảm trước những gì mà mình chứng kiến xung quanh.

Bệnh vô cảm đã làm xói mòn đi những phẩm chất tốt đẹp của con người chúng ta, nó làm tha hóa đạo đức, lương tâm của nhiều người nếu chúng ta vẫn giữ thói quen này với đồng loại.

Chợt nhớ, trong bài hát “Mưa hồng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu hát rất chí lý: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Nếu mỗi con người chúng ta có cách nghĩ, cách sống vì cộng đồng, vì mọi người nhiều hơn thì có lẽ xã hội này sẽ tốt đẹp hơn.

Vì thế, mỗi người hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, bao dung, trách nhiệm với cộng đồng, ta không chỉ “nhận” từ người khác mà đồng thời cũng phải “cho” khi cần thiết.

Chân lý: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” như nhà thơ Tố Hữu đã viết sao bây giờ sao hiếm gặp đến vậy?

NHẬT DUY