Học sinh chế tạo mô hình xe rà đinh nhờ vận dụng tác dụng từ của dòng điện

06/04/2019 06:30
LÃ TIẾN
(GDVN) - Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi vận dụng tác dụng từ của dòng điện để chế tạo nam châm điện, từ đó chế tạo mô hình xe rà đinh ứng dụng trong cuộc sống.

Ngày 4/4, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hải An, Hải Phòng) tổ chức chuyên đề dạy học theo định hướng STEM “Các tác dụng của dòng điện. Tác dụng từ của dòng điện – Nam châm điện”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đã từ lâu, vấn nạn rải đinh trên đường bộ là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi.

Các đối tượng thường rải đinh hoặc vật sắc nhọn dọc đường gây thủng lốp xe của người đi đường.

Việc này không chỉ gây thiệt hại cho các phương tiện giao thông mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của người tham gia giao thông.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi ứng dụng tác dụng từ của dòng điện để chế tạo mô hình xe rà đinh (Ảnh: Lã Tiến)
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi ứng dụng tác dụng từ của dòng điện để chế tạo mô hình xe rà đinh (Ảnh: Lã Tiến)

Từ thực tế trên, các giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Lợi đã hướng dẫn học sinh chế tạo ra máy rà đinh, với mong muốn góp phần nhỏ công sức của mình để bảo đảm an toàn giao thông.

Đồng thời tuyên truyền tới học sinh ý thức tham gia giao thông an toàn.

Với lý do này, trường Trung học cơ sở Lê Lợi lựa chọn chủ đề “Các tác dụng của dòng điện. Tác dụng từ của dòng điện – Nam châm điện” thuộc chương trình Vật lý lớp 7.

Sau khi lựa chọn chủ đề, Bam giám hiệu nhà trường chỉ đạo nhóm Vật lý nghiên cứu, rà soát, sắp xếp chương trình hiện hành theo chủ đề dạy học và đề xuất thực hiện chủ đề dạy học theo định hướng STEM.

Các giáo viên nhóm Vật lý đã xây dựng nội dung chủ đề qua 3 tiết học, sau đó thiết kế kế hoạch thực hiện dự án cho học sinh.

Học sinh chế tạo các sản phẩm nhờ ứng dụng tác dụng từ của dòng điện (Ảnh: Lã Tiến)
Học sinh chế tạo các sản phẩm nhờ ứng dụng tác dụng từ của dòng điện (Ảnh: Lã Tiến)

Giáo viên chia lớp thành 2 nhóm, mỗi nhóm thực hiện chế tạo một sản phẩm ứng dụng tác dụng của dòng điện trong thực tế dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Học sinh vận dụng được tác dụng từ của dòng diện để chế tạo nam châm điện, từ đó chế tạo mô hình xe rà đinh ứng dụng trong cuộc sống, góp phần phòng tránh tai nạn giao thông.

Nguyên liệu chung cho các nhóm chủ yếu là tấm mê ka, dây đồng, bu lông, đai ốc, các mảnh sắt vụn.

Học sinh chế tạo mô hình xe rà đinh nhờ vận dụng tác dụng từ của dòng điện ảnh 3Học sinh trường Trần Văn Ơn sáng tạo nhiều sản phẩm nhờ dạy học STEM

Sau một thời gian thực hiện, các nhóm báo cáo sản phẩm: ứng dụng tác dụng từ của dòng điện và chế tạo xe rà đinh.

Thông qua chuyên đề này, học sinh được củng cố các kiến thức, rèn kỹ năng, phát triển tư duy về những tác dụng của dòng điện một chiều; ứng dụng của các tác dụng và những lợi ích hay tác hại của tác dụng đó trong thực tế.

Ngoài việc củng cố các kiến thức, rèn kỹ năng trên, học sinh nhà trường còn được tham gia chế tạo ra những sản phẩm hoàn thiện, có ứng dụng trong thực tế như: máy rà đinh, xe cần cẩu sử dụng nam châm điện, máy sưởi mini, các đèn trang trí…

Qua đó giúp các em học sinh có hứng thú với phương pháp dạy học theo định hướng STEM và có động lực học tập cao.

Chuyên đề dạy học theo định hướng STEM của Trường Trung học cơ sở Lê Lợi được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao (Ảnh: Lã Tiến)
Chuyên đề dạy học theo định hướng STEM của Trường Trung học cơ sở Lê Lợi được Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao (Ảnh: Lã Tiến)

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng), Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải An, lãnh đạo, giáo viên một số trường trên địa bàn, chuyên đề của Trường Trung học cơ sở Lê Lợi mang lại hiệu quả rõ rệt, có tính tương tác cao, cần được nhân rộng để đông đảo các em học sinh có ý thức, biết chọn lựa và tích cực tuyên truyền về an toàn giao thông.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi chi sẻ: “việc dạy học theo định hướng STEM đã thực sự lôi cuốn giáo viên tham gia nghiên cứu sâu về lĩnh vực mình giảng dạy, đặc biệt là liên hệ, vận dụng kiến thức vào thực tiễn và kết nối liên môn.

Ý nghĩa lớn nhất là dạy học theo định hướng STEM đã giúp khơi gợi niềm đam mê, nhiệt tình đổi mới ở các thầy cô và hứng thú trải nghiệm, say sưa nghiên cứu khoa học ở các em học sinh”.

LÃ TIẾN