Bền lề hội thảo Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam kết hợp với trường Trung học Phổ thông Lục Nam, tỉnh Bắc Giang tổ chức (5/4), phóng viên đã trò chuyện với cô giáo Trần Thị Quỳnh, chủ nhiệm lớp 12A13 về công tác chủ nhiệm trong nhà trường hiện nay.
Được biết, cô Quỳnh là giáo viên dạy sinh học và có thâm niên công tác chủ nhiệm được 14 năm. Cô Quỳnh được Ban giám hiệu và đồng nghiệp đánh giá cao về công tác chủ nhiệm giỏi.
Qua trao đổi với cô Quỳnh cho thấy, học trò ngày nay khác rất nhiều so với những thế hệ học trò cách đây 10 năm.
Đặc biệt, cách biểu hiện của các em trong quan hệ với bạn bè và thầy cô.
Cô giáo Trần Thị Quỳnh, chủ nhiệm lớp 12A13 trường Trung học Phổ thông Lục Nam, tỉnh Bắc Giang (ảnh Trinh Phúc). |
Theo cô Quỳnh: “Các thế hệ học trò hôm nay thân thiện, cởi mở hơn, khoảng cách giữa học trò và thầy cô gần hơn thời tôi mới ra trường.
Tuy nhiên, khi công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội bùng nổ thì học trò cũng chịu ảnh hưởng lớn.
Các em dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, có mối giao lưu bạn bè rộng hơn. Một số em chưa vững vàng nên dễ sa đà và ham mê các trò chơi điện tử, chat qua mạng”.
Trước sự thay đổi như vậy nên cô Quỳnh cho rằng, “khi quan hệ thầy trò gần gũi, thân thiết hơn thì giáo viên cũng phải tự thay đổi mình. Nhất là giáo viên chủ nhiệm càng quan trọng.
Lúc bắt đầu nhận chủ nhiệm một lớp học mới, tôi nhanh chóng cùng với ban cán sự tạo ra một nhóm chat riêng của lớp.
Thuyết phục các bạn trong lớp đồng ý kết bạn với giáo viên chủ nhiệm.
Điều này giúp nắm bắt được các vấn đề cơ bản nhất khi các em chia sẻ trên mạng xã hội”.
Cũng theo cô giáo Quỳnh, hiện nay phụ huynh dành thời gian quan tâm đến các em ít hơn.
Họ phải lo làm kinh tế nên nhiều học sinh thiếu sự quan tâm chỉ dạy từ phía gia đình.
Do đó, cô Quỳnh nhận thấy, việc dùng các biện pháp mạnh như phê phán, nói một chiều các em gần như chuyển biến rất ít.
Để làm công tác chủ nhiệm tốt, quan điểm của cô Quỳnh là dùng phương pháp đi vào tâm lý.
Minh chứng cho quan điểm của mình, cô Quỳnh chia sẻ, lớp cô chủ nhiệm có 43 học sinh. Đến nay cô đã đến thăm 32 nhà học sinh và cố gắng hết năm học sẽ đi đủ.
“Có nhiều phụ huynh nói tại sao cô phải đến nhà. Nhưng quan điểm của tôi là đến thăm nhà mới biết được hoàn cảnh gia đình học sinh.
Tôi có thói quen chụp góc học tập của các em.
Từ biết hoàn cảnh gia đình và góc học tập sẽ biết được ý thức học tập của học sinh. Điều này sẽ giúp giáo dục các em tốt hơn” – cô Quỳnh nhấn mạnh.
Cô giáo này kể rằng, nhiều năm làm chủ nhiệm nhiều “lớp đuôi”, “lớp cuối” (tức là những lớp sức học yếu), thì học tập chỉ là một phần nhưng quan trọng vẫn là ý thức và cách rèn luyện của học sinh.
Tại sao bao vụ bạo hành trường học, thầy cô luôn là người sau cùng biết chuyện? |
Quan hệ giữa học sinh và phụ huynh nhiều trường hợp nếu không sâu sát, không quan tâm đến hoàn cảnh từng học trò thì chắc chắn giáo dục sẽ rất khó.
Chia sẻ về quan điểm nhiều giáo viên thích sử dụng hình phạt với học trò, cô Quỳnh cho rằng: “Hình phạt là biện pháp cần thiết nhưng tùy trường hợp.
Như lớp tôi chủ nhiệm nếu phạt nặng nhất là trực nhật 1 - 2 hôm.
Bởi vì với lứa tuổi học sinh bây giờ biến đổi tâm lý, nếu dùng hình phạt nhất là hình phạt nặng sẽ mang tính phản giáo dục, chứ không phải giáo dục nữa.
Tôi thấy hình phạt đối với học trò chỉ có tác dụng khi hình phạt hợp lý, thích đáng và công bằng. Còn về quan điểm tôi sẽ xử lý về mặt tình cảm” .