LTS: Trong bài viết này, thầy giáo Bùi Nam bày tỏ lo lắng về việc nếu chuyển từ thi giáo viên giỏi sang xét giáo viên giỏi sẽ thêm áp lực thành tích cho các thầy cô giáo.
Theo thầy Bùi Nam, việc công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nên tạm dừng một thời gian.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bất cập của việc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thực hiện trong vài năm gần đây gặp rất nhiều phản ứng của giáo viên trong cả nước vì tính chất “diễn” là chính của nó, cũng như bất cập của tiêu chuẩn phải có sáng kiến kinh nghiệm và phải đạt 8,0/10,0 điểm trong kỳ thi năng lực, dự thi 2 tiết thực hành giảng dạy,…
Việc này làm cho giáo viên vô cùng mệt mỏi mà hiệu quả mang lại chỉ là những cuộc chạy đua thành tích của các trường, cá nhân và 1 tiết dạy có sự chuẩn bị, thậm chí là “gà bài”, “mớm bài” không thể công nhận là giáo viên giỏi.
Việc thi giáo viên giỏi hiện nay đã không còn phù hợp.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo - Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Cục này vừa hoàn thành dự thảo về việc chuyển từ thi giáo viên giỏi sang xét để có được giáo viên giỏi.
Nếu chuyển sang xét giáo viên giỏi, thầy cô sẽ gặp thêm nhiều áp lực thành tích? Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Ngày 6/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến về vấn đề công nhận giáo viên giỏi.
Theo ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Dự thảo thông tư quy định điều kiện xét công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường, huyện và tỉnh thông qua các tiêu chí.
Hội đồng sẽ kiểm tra hồ sơ, minh chứng của giáo viên, nghiên cứu chất lượng đạt được của các hồ sơ và họp lấy ý kiến bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trường hợp được 2/3 thành viên của hội đồng trở lên nhất trí thì công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi.
Bộ sẽ xây dựng bộ tiêu chí cốt lõi, sẽ chú trọng việc chọn lựa những người đủ năng lực, phẩm chất để tham gia hội đồng xét giáo viên dạy giỏi, đảm bảo khách quan, công bằng, thúc đẩy và vinh danh những giáo viên tích cực đổi mới sáng tạo trong dạy học.
Vấn đề này nhận rất nhiều sự quan tâm của giáo viên trong cả nước, theo suy nghĩ của tôi việc thi bỏ là phù hợp nhưng việc chuyển từ thi sang xét danh hiệu giáo viên giỏi sẽ rất nhiêu khê và phức tạp.
Nó cũng không làm cho chất lượng giáo dục tốt lên, nên tôi xin được đề xuất bỏ danh hiệu giáo viên giỏi, chỉ cần đánh giá giáo viên cuối năm một cách công bằng, chính xác là được.
Nên bỏ danh hiệu giáo viên giỏi
Mục đích của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất tốt nhằm giảm bớt áp lực cho giáo viên nhưng theo tôi thấy nếu chuyển từ thi giáo viên giỏi sang xét giáo viên giỏi với vô vàn minh chứng, sự tiến bộ của học sinh (thông qua kết quả học tập) và sự tín nhiệm của học sinh, cha, mẹ học sinh,… sẽ chuyển từ áp lực này sang áp lực khác còn nặng nề hơn.
Bệnh thành tích theo tôi sẽ khó mà giảm vì lúc đó giáo viên tiếp tục chạy đua làm đẹp hồ sơ để minh chứng, chạy theo thành tích chất lượng để đạt theo yêu cầu bên cạnh đó còn phải “lấy lòng” của học sinh, cha, mẹ học sinh để được công nhận giáo viên giỏi.
Lúc đó, giáo viên muốn đạt danh hiệu giáo viên giỏi không chỉ “sợ” giám khảo chấm thi giáo viên giỏi mà còn “sợ” luôn cả học sinh, đồng nghiệp và người thân học sinh. Giáo viên lại càng thu mình lại, nó sẽ khó làm cho giáo viên tốt hơn, giỏi hơn.
Theo tôi, trong thời gian này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ hẳn kỳ thi giáo viên giỏi trong ít nhất vài năm tới để giáo viên tập trung vào việc nghiên cứu, học tập chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình phổ thông mới và đó cũng là quãng thời gian để nghiên cứu xem có nên duy trì danh hiệu giáo viên giỏi hay không.
Còn hiện nay, việc công nhận giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi nên dừng lại vì những lý do sau:
Thứ nhất, giáo viên không cần có thêm danh hiệu giáo viên giỏi.
Giáo viên là viên chức là những người việc trong đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giống như mọi công chức, viên chức và người lao động hưởng lương từ ngân sách khác làm nhiệm vụ và hưởng lương.
Cuối năm chỉ cần đánh giá hoàn thành việc thực hiện nhiệm vụ (theo các mức như hiện nay xuất sắc, tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ) là đã đủ cơ sở để đánh giá phân loại giáo viên.
Cuối mỗi năm học chỉ cần nhìn vào đánh giá, phân loại giáo viên cuối mỗi năm học là biết được quá trình thực hiện nhiệm vụ của giáo viên có tốt không, có cố gắng không.
Vấn đề bây giờ cần quan tâm nhất là đánh giá sao cho phù hợp, công bằng chứ giáo viên không cần thêm danh hiệu giáo viên giỏi.
Giáo viên giỏi hay tốt hãy để học sinh đánh giá bằng sự tiến bộ thật sự về phẩm chất đạo đức và năng lực, đó là nhiệm vụ của giáo viên, mỗi giáo viên cần phải phấn đấu thực hiện mà không phải cần có danh hiệu giáo viên giỏi.
Thứ hai, áp lực thành tích khi xét danh hiệu giáo viên giỏi sẽ nặng nề hơn.
Việc thực hiện nhiệm vụ hiện nay tại các trường học, mỗi người có chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm khác nhau việc xét danh hiệu giáo viên giỏi là không cần thiết và không phù hợp trong giai đoạn hiện nay, nếu làm không khéo khi xét sẽ lại tiếp tục loạn giáo viên giỏi.
Khi đó sẽ có giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách đội giỏi, bí thư đoàn giỏi, thư viện giỏi, thiết bị giỏi, hiệu trưởng giỏi, hiệu phó giỏi,…
Bên cạnh đó, việc xét các danh hiệu giáo viên giỏi sẽ có thể dẫn đến việc chạy theo các chỉ tiêu để đạt các danh hiệu, tiếp tục tạo ra việc “chạy” các danh hiệu trên, tiếp tục dẫn đến việc giáo viên không chú tâm vào giảng dạy thực chất trên lớp mà chỉ chạy theo các danh hiệu giáo viên giỏi, chạy theo thành tích, làm đẹp hồ sơ để được công nhận giáo viên giỏi.
Nhân dân cả nước và giáo viên rất mong giáo viên là những giáo viên tốt hết lòng yêu thương học sinh và dạy dỗ các em làm người tốt cho xã hội mà không cần danh hiệu giáo viên giỏi, chỉ cần cuối năm đánh giá công bằng, bình đẳng như mọi công chức, viên chức khác và sự tiến bộ của học sinh chính là niềm vui, hạnh phúc lớn lao của giáo viên chứ không phải thông qua danh hiệu giáo viên giỏi.