Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014 đã nêu rõ về việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và vấn đề này được các phương tiện thông tin đại chúng đề cập khá nhiều trong thời gian qua.
Trên thực tế thì cũng đã có nhiều tổ chức, cá nhân bắt tay vào công việc viết các bộ sách giáo khoa.
Tuy nhiên, trong những ngày gần đây thì chúng ta lại thấy các đại biểu Quốc hội tiếp tục tranh luận về lựa chọn phương án một hay nhiều bộ sách giáo khoa cho chương trình mới.
Trong khi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới cũng đã đang cận kề.
Cho đấu thầu và chọn một bộ sách dùng chung có lẽ sẽ khả thi hơn cả (Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Một chương trình “nhiều bộ sách giáo khoa” hay “một bộ sách giáo khoa” trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay là điều cần tính toán kỹ lưỡng.
Đáng ra, việc tranh luận này phải chấm dứt trước khi thông qua Chương trình tổng thể và Chương trình môn học. Bởi, một khi “ván đã đóng thuyền” thì không nên tranh luận nữa.
Nhưng, tranh luận cũng không phải là thừa vì ngành giáo dục nước ta từ lâu đã quen với một bộ sách giáo khoa, quen với việc tập huấn, với thi đề chung trong từng địa phương (tuyển sinh 10) hay cả nước (trung học phổ thông quốc gia).
Nếu như chúng ta thực hiện nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo được sự cạnh tranh cho các nhóm tác giả, phá được thế độc quyền như hiện nay. Người dạy, người học sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và phụ huynh cũng có nhiều lựa chọn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, niềm vui của nhiều bộ sách giáo khoa và quyền lựa chọn sách thì chúng ta cũng thấy có nhiều nỗi lo khác nhau khi thực hiện chủ trương này.
Liệu rồi những định hướng này có khả thi không, có phù hợp không trong bối cảnh thực tế của giáo dục nước ta hiện nay?
Thứ nhất: Học sinh phải học tập trung tại nhà trường, kiểm tra theo kế hoạch nhà trường, thi theo kế hoạch của Phòng, Sở.
Điều này cũng đồng nghĩa sẽ thực hiện đề chung cho toàn bộ học sinh ít nhất là toàn trường (đối với những bài kiểm tra do nhà trường tổ chức). Khi thi tuyển sinh 10, thi Trung học phổ thông Quốc gia thì Sở, Bộ tổ chức và ra đề.
Bộ Giáo dục có nên làm bộ sách giáo khoa cho chương trình mới nữa không? |
Vì thế, việc mà nhiều trường, nhiều Phòng Giáo dục lựa chọn bộ sách giáo khoa khác nhau rất khó cho việc ra đề, đánh giá và tổ chức kiểm tra, thi cử chung.
Học sinh cũng khó có thể lường trước được nội dung kiểm tra và thi như thế nào. Bởi, thực tế học sinh bây giờ chỉ có thể bám vào những nội dung bộ sách giáo khoa mà mình đang học.
Việc mở rộng, hoặc ra khác đi là học sinh rất dễ bị động. Nhất là trong hệ thống giáo dục của chúng ta còn rất nặng về thi cử, kiểm tra.
Cho dù các nhà viết sách giáo khoa sẽ bám vào chương trình môn học để viết nhưng nội dung chi tiết chắc chắn sẽ có những định hướng và cách đề cập khác nhau.
Nếu bộ sách giáo khoa này đề cao đơn vị kiến thức này, thì sách giáo khoa khác lại có kiến thức khác (cho dù chung chương trình). Vì thế, tình trạng đoán đề, tình trạng học thêm sẽ còn phức tạp hơn chương trình hiện hành rất nhiều.
Chẳng hạn như môn Ngữ văn của chương trình mới chỉ quy định 6 tác phẩm văn học bắt buộc và một số tác phẩm trong phần “bắt buộc lựa chọn”.
Nhưng, ở cấp Trung học cơ sở đã có tới 4 tác phẩm bắt buộc rồi.
Vậy, nếu thi Trung học phổ thông Quốc gia mà ra đề vào những tác phẩm bắt buộc thì đơn giản nhưng nếu ra đề vào một tác phẩm không bắt buộc liệu học sinh có làm được hay không?
Vì thế, nói phụ huynh lựa chọn sách hay nhà trường lựa chọn sách đi chăng nữa vẫn có nhiều những bất cập.
Thứ hai: Khi có nhiều bộ sách thì việc cạnh tranh để các bộ sách giáo khoa đến với các nhà trường chắc chắn sẽ khốc liệt hơn. Bộ đã lên tiếng là không can thiệp vào việc lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường.
Nhưng, những nhà phát hành sách, các đại lý sách giáo khoa liệu có ngồi yên hay họ sẽ tìm cách tiếp cận với lãnh đạo quản lý của nhà trường, địa phương để có thể đưa bộ sách của mình vào giảng dạy càng nhiều càng tốt.
Trong nền kinh tế thị trường sự cạnh tranh là tất yếu, khi đã cạnh tranh với nhau thì tất nhiên họ sẽ có nhiều cách thức tiếp cận khách hàng khác nhau để bán sách.
Vì thế, cạnh tranh cao cũng có nhiều lựa chọn nhưng ắt sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, nhiều tiêu cực là điều không thể tránh khỏi.
Chính vì vậy, theo chúng tôi thì để làm tốt chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào cần có những định hướng phù hợp, sát với thực tế của ngành giáo dục hiện nay.
Bây giờ, thời gian thực hiện sách giáo khoa mới đang cận kề nhưng Bộ mới phát ra tín hiệu là tháng 3/2019 sẽ mời và lựa chọn Tổng chủ biên và người tham gia viết sách giáo khoa cho chương trình mới.
Nhưng, thời điểm này đã sang tháng tư mà hình như vẫn chưa thấy có những chuyển biến tích cực cho cho sự việc này.
Trong khi, nhiều chuyên gia lên tiếng là những người có thể tham gia viết sách giáo khoa cho Bộ bây giờ là rất khan hiếm vì họ đã đầu quân cho các tổ chức khác cả rồi.
Vậy nên, Quốc hội và Bộ Giáo dục cần nhanh chóng chốt lại phương án “Một chương trình “nhiều” bộ sách giáo khoa hay “một” bộ sách giáo khoa” để triển khai thực hiện một cách khẩn trương và khoa học.
Chính vì chủ trương “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành nên hiện đã có nhiều tổ chức đã và đang thực hiện viết, biên soạn sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục sắp tuyển chủ biên, tác giả biên soạn sách giáo khoa |
Song, đến thời điểm này chúng ta vẫn loay hoay để chọn phương án nào.
Có lẽ, với thực tế đang diễn ra thì Bộ cho đấu thầu và chọn lấy một bộ sách giáo khoa ưu việt nhất làm bộ sách dùng chung cho cả ngành giáo dục là khả thi hơn cả.
Xét đến cùng thì các sách về khoa học tự nhiên của chúng ta là biên soạn lại sách của nước ngoài. Chỉ có những sách giáo khoa cho các môn khoa học xã hội là của mình.
Trong khi trình độ, khả năng quản lý của chúng ta chưa tốt thì “nhiều bộ sách giáo khoa” có lẽ sẽ chưa phù hợp mà càng gây nên tốn kém, phức tạp cho ngành giáo dục sau này.
Bộ Giáo dục là nơi hoạch định các chính sách, ban hành các kế hoạch chiến lược cho ngành giáo dục.
Vì thế, Bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng việc lựa chọn các phương án tối ưu nhất. Sách giáo khoa mới không chỉ tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, giảm được chi phí cho người mà cần phải phá thế độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục.
Hãy để các Nhà xuất bản khác cùng tham gia xuất bản để tạo sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng sách giáo khoa.
Phần mềm các bộ sách giáo khoa khác thì đăng tải trên Website của Bộ.
Các trường, phụ huynh có thể tải in, tham khảo cho riêng mình sẽ vừa nâng cao được hiệu quả mà cũng giảm được gánh nặng cho các phụ huynh và ngân sách các địa phương.