Tiêu cực gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, một vấn đề “hậu vụ việc” gian lận điểm thi là công bố hay không công bố danh tính thí sinh vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.
Đến nay, danh tính thí sinh và phụ huynh của 44 thí sinh ở Sơn La và 64 thí sinh ở Hòa Bình được nâng sửa điểm thi vẫn trong vòng bí mật.
Một số cán bộ tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan đến gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh minh họa: Vũ Phương |
Một câu hỏi mà dư luận đặt ra là cơ quan chức trách “sợ” gì mà chưa công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi?
Không công bố vì tính nhân văn ư? Vậy có nhân văn với những thí sinh đang ra được ngồi ở giảng đường đại học giờ phải chờ kỳ thi năm sau hoặc phải vào các trường khác để dành chỗ cho các thí sinh được sửa điểm. Ai sẽ trả lại công bằng cho họ?
Ở góc độ khác, các thí sinh kia nếu là con nông dân, công nhân, người lao động bình thường thì liệu có được nâng sửa điểm thi?
Chắc chắn là không. Vì phụ huynh các em không có tiền, không có quyền, ai ngu gì tự ý đi sửa điểm cho con em họ để rơi vòng lao lý.
Vì thế, không những phải công bố tên thí sinh mà cần công bố cả danh tính phụ huynh chạy điểm.
Họ làm những việc đáng xấu hổ thì phải tự gánh lấy trách nhiệm.
Đặc biệt, cần công khai thông tin chính thống rõ ràng đừng để âm ỉ kéo dài, tránh kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc rằng con nhiều vị quan chức được nâng đỡ sửa điểm thi vì có bố mẹ làm to.
Tri thức là nơi không có chỗ cho gian manh trộm cướp. Và cũng nhờ tri thức, chúng ta mới tìm được người tài, người có năng lực để đào tạo chuẩn bị nhân lực cho tương lai của đất nước.
Nhưng nếu không được phát hiện, lật tẩy, những thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang rất có thể sẽ là những quan chức trong tương lai.
Nếu những kẻ bằng dối trá, gian lận có được thành quả thì không cần nói, ai cũng có thể sẽ thấy được hệ lụy tương lai thế nào?
Đặc biệt, rất nhiều thí sinh gian lận điểm thi chủ yếu chọn các trường công an. Họ sẽ thực thi pháp luật ra sao khi bản thân họ là sản phẩm của dối trá, chạy chọt, gian lận, vi phạm phát luật?
Các vị phụ huynh chạy điểm nếu là quan chức, còn liêm sỉ nên đứng ra công khai xin lỗi và xin từ chức là phù hợp.
Đừng cố giữ chức vụ mà người đời cười chê.
Ở diễn biến vụ việc tương tự bên kia bán cầu trong vụ bê bối chạy điểm vào đại học tại Mỹ, 13 phụ huynh giàu có bao gồm nữ diễn viên nổi tiếng Felicity Huffman đã thừa nhận việc hối lộ để có suất cho con tại các trường đại học danh tiếng tại nước này.
Đây là thông báo từ công tố viên liên bang tại Boston hôm 8/4 (theo giờ địa phương).
Felicity Huffman thừa nhận chi trả 15.000 USD cho một tổ chức từ thiện giả mạo của William Singer để đổi lấy những điểm số tốt. Từ đây, cô dễ dàng tạo được hồ sơ đẹp để con trúng tuyển vào đại học.
CNN cho biết, các phụ huynh này đối diện khung hình phạt 20 năm tù. Ngoài mức án tù, họ còn bị phạt hàng chục nghìn USD và quản chế sau ra tù.
Dẫu biết so sánh hai vụ việc là có phần khập khễnh nhưng nếu chúng ta không dám công bố danh tính thí sinh gian lận điểm thi, liệu có đảm bảo sự công bằng, tính răn đe với những kẻ coi thường pháp luật.
Và nếu tất cả trong vòng bí mật, ai sẽ sợ để không lặp lại việc tương tự?
Tài liệu tham khảo:
(1) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/13-phu-huynh-giau-co-doi-dien-an-20-nam-tu-vi-chay-truong-cho-con-520751.html