Giáo viên đã chịu quá nhiều áp lực trong dạy học (Ảnh minh họa VOV) |
Đã lâu, tôi mới có dịp gặp một chị bạn đồng nghiệp. Chỉ vài câu hỏi thăm thông thường, chúng tôi lại xoay quanh chuyện dạy và học ở trường.
Không ít chuyện chị kể về trường mình, trường bạn làm tôi thấy bất ngờ và bức xúc (cứ y như chuyện xảy ra với chính mình).
Tôi không thể ngờ những vị hiệu trưởng nơi ấy lại xem giáo viên như những đứa học trò đang phải dạy dỗ từng ngày.
Tôi càng không ngờ những thầy cô giáo nơi ấy (mới vào nghề có, sắp về hưu cũng có…) lại có thể nín nhịn, lặng im trong ấm ức một cách cam chịu để phụng mệnh tuyệt đối đến vậy.
Bắt giáo viên luyện chữ ở vở luyện viết của học sinh
Giáo viên tiểu học phần lớn có chữ viết đẹp, chân phương và đúng mẫu.
Thế nhưng hiệu trưởng trường chị lại có quy định lạ lùng:
“Tất cả giáo viên trong trường ai cũng phải luyện chữ vào cuốn vở luyện viết của học sinh.
Có cần phải quy định, giáo án là hồ sơ bắt buộc của giáo viên? |
Vở sẽ được nộp vào mỗi kỳ (học kỳ 1 nộp cuốn tập 1 và học kỳ 2 nộp cuốn tập 2).
Hiệu trưởng nhấn mạnh “Và đây cũng chính là một trong những minh chứng để xét thi đua cuối năm các thầy cô”.
Giáo viên bức xúc, bất bình (đương nhiên chẳng ai đủ can đảm đứng lên phản ứng) vì cho rằng, hiệu trưởng coi thường mình, hiệu trưởng xem giáo viên như những đứa học trò lên 6, lên 7.
Nhiều thầy cô viết chữ đẹp cũng cho rằng, họ không cần thiết phải luyện thì chữ cũng đẹp rồi. Bỏ thời gian ra viết chỉ tốn công, lảng phí và vô ích.
Dù thế, không ai có ý kiến, không ai dám phản đối và thầy cô phải tìm cách thực hiện.
Giáo viên đâu có nhiều thời gian rảnh. Thường thì thầy cô dạy cả ngày, tối về còn biết bao việc như lo dọn dẹp nhà cửa, lo kế mưu sinh, lo hồ sơ sổ sách.
Ngày nghỉ thường kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Thế nên quy định viết vở luyện viết cũng chẳng biết sẽ bố trí thời gian lúc nào.
Thế là “trong cái khó, ló cái khôn”, có người về nhờ con, cháu viết hộ.
Người tranh thủ viết trên trường sau mỗi giờ nghỉ tiết. Thậm chí có thầy cô tranh thủ viết cả trong giờ dạy khi cho học sinh làm bài.
Luyện viết trong sổ hội họp
Một trường học khác, trong giờ họp Hội đồng nhà trường, giáo viên buộc phải ghi chép tất cả những nội dung mà hiệu trưởng triển khai vào sổ hội họp.
Nhiều buổi họp, thầy cô phải ghi tới 17 trang sổ.
Cũng có một số ý kiến đề xuất “Ghi như thế, giáo viên rất cực, hiệu trưởng có thể phô tô kế hoạch phát ra để giáo viên đọc, thực hiện”.
Thế nhưng, hiệu trưởng trả lời “Phô tô biết ai đọc ai không? Ghi cũng là một cách học và để thầy cô rèn chữ”.
Thế là, cuộc họp Hội đồng nhà trường thực chất chỉ là diễn đàn cho hiệu trưởng thao thao bất tuyệt, còn giáo viên thì cắm đầu cắm cổ chép đến sái tay.
Có hôm họp từ 7g30 phút đến gần 12 giờ, chỉ mỗi hiệu trưởng nói.
Nhiều trường không thêm hồ sơ sổ sách nhưng thêm cách làm nhiêu khê |
Hàng tháng, hiệu trưởng trực tiếp kiểm tra sổ hội họp, thầy cô giáo nào ghi thiếu, ghi không đủ đều được nhắc nhở trước hội đồng.
Viết tay nội dung Bồi dưỡng thường xuyên
Mỗi năm, giáo viên các cấp phải chọn 4 modun Bồi dưỡng thường xuyên để học.
Nhiều trường, cho giáo viên nộp nội dung thu hoạch trên máy tính. Thế nhưng một số trường học, hiệu trưởng bắt buộc giáo viên phải chép bằng tay.
Những cuốn tài liệu học tập dày cộm, giáo viên phải tự viết tay vào vở tự học.
Thời gian eo hẹp, số lượng viết nhiều nên không ít thầy cô giáo đi đến đâu cũng phải mang sách vở ra ngồi tranh thủ ghi ghi, chép chép.
Nào là chép lén lút trong các buổi học chính trị, các buổi tập huấn, họp tổ chuyên môn, giờ ra chơi, giờ nghỉ tiết thậm chí cả giờ lên lớp.
Có thầy cô sau khi hoàn thành mọi công việc gia đình, khuya mới ngồi vào bàn để chép.
Công lao thầy cô giáo bỏ ra là thế nhưng nhiều khi Ban giám hiệu cũng chẳng thèm đọc đến.
Phó hiệu trưởng một trường học cho biết “Đọc làm sao khi trường có tới dăm chục giáo viên và phải có dăm chục cuốn vở tự học dày cộm như thế?”
Không có thời gian đọc để thẩm định nhưng vẫn cứ thích ra lệnh bắt người khác phải nghe và làm theo.
Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có ý kiến, các trường giải phóng áp lực cho giáo viên. Thế nhưng dưới cơ sở giáo dục gỡ bỏ áp lực này lại nảy nòi, phát sinh ra áp lực khác.
Chuyện mà chị đồng nghiệp của tôi vừa kể chắc chắn vẫn xảy ra ở khá nhiều địa phương trong cả nước. Vậy, xóa bỏ áp lực như thế bằng cách nào đây?