Tôi vì giáo dục, giáo dục đâu có vì tôi!
Cô Nguyễn Thị Quy đại diện cho tiếng nói của những giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội).
Mới đây nhà trường đề nghị làm hồ sơ xét tặng kỷ niệm chương: "Vì sự nghiệp giáo dục" cho cô Quy vì lý do cô đã đủ thời gian 20 năm giảng dạy.
Thế nhưng cô từ chối không nhận kỷ niệm chương. Cô Quy đau xót:
Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải |
"Trong ngành giáo dục đối với những ai công tác 20 năm sẽ được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.
Thế nhưng tôi vì giáo dục, giáo dục đâu có vì tôi.
Tôi cống hiến từng ấy năm thanh xuân nhưng nhận lại cái kết quá đắng".
Cô Quy không phải là trường hợp giáo viên duy nhất được nhận kỷ niệm chương trước khi bị cắt hợp đồng.
Một trường hợp khác, cô Đặng Thị Ngọc hiện đang là giáo viên hợp đồng trường tiểu học Hương Sơn B.
Năm 2017, cô Ngọc được tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Tính đến nay cô đã có 23 năm công tác. Đến tháng 1 năm 2020, cô Ngọc được về hưu.
Thế nhưng cô Ngọc đang phải đối diện với nguy cơ bị cắt hợp đồng trước khi về hưu. Cô Quy xót xa:
"Nếu thế thì có gì cay đắng và chua xót hơn. Người ta tặng tôi kỷ niệm chương sau đó thì cắt hợp đồng.
Cô Ngọc tháng 1 năm sau về hưu. Lẽ ra cô sẽ được về hưu trong danh dự, trong sự tri ân.
Nhưng nếu bị cắt hợp đồng sau kỳ thi viên chức thì sự tri ân của ngành giáo dục dành cho chúng tôi đúng là quả đắng".
Đằng đẵng 21 năm công tác, cô Quy cùng nhiều giáo viên hợp đồng khác cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giáo dục.
Chỉ có điều thanh xuân đó đang bị lãng quên. Sau 21 năm, cô Quy mới thấm thía cái sự ê chề và đau đớn mà cơ chế hiện nay mang lại:
Cô ví mình như một người cứ thế bơi giữa dòng chảy của ngành giáo dục.
Cô cứ bơi và không hy vọng bám được vào một cái cọc, chỉ cần một cọng bèo cũng đủ để cô có thêm nghị lực.
Sự chờ đợi đó xuất phát từ mong mỏi của nhiều giáo viên hợp đồng sẽ được xét đặc cách vào biên chế nhất là đối với những thầy cô có thâm niên và thành tích giảng dạy tốt.
Thế nhưng bơi đến ngày hôm nay đằng đẵng 21 năm, cô thấy mình đuối quá:
"Đến thời điểm này bản thân tôi cảm thấy quá đuối rồi. Kỳ thi viên chức sắp tới tôi quyết định không đăng ký thi, chấp nhận bỏ nghề.
Nhưng tôi không nghĩ sau 21 năm cống hiến và giảng dạy tôi lại nhận được một cái kết cục đắng ngắt như thế này.
Với những em còn trẻ bị cắt hợp đồng các em còn có thể bươn trải để kiếm sống được. Chứ như tôi đã 44 tuổi rồi giờ bỏ nghề thì cũng không biết làm gì.
Bây giờ kể cả công việc đơn giản nhất là đứng bán hàng tôi cũng chẳng thể làm được".
Học trò của cô Quy là anh Nguyễn Văn Tuấn. Ngày trước khi còn là học sinh cấp 2, anh Tuấn học môn Văn do cô Quy giảng dạy.
Sau này lớn lên, anh Tuấn theo đuổi con chữ và làm thầy giáo dạy toán đã 6 năm hợp đồng.
Ngày hôm qua, cô trò hội ngộ trong một tình cảnh trớ trêu – buổi gặp gỡ của những giáo viên hợp đồng của huyện Mỹ Đức trước nguy cơ mất việc.
Hôm qua cũng là ngày anh Tuấn chia tay lớp mình chủ nhiệm vì anh cũng quyết định không thi viên chức. Anh Tuấn quyết định bỏ nghề giáo viên:
"Lần này thi viên chức tôi không đăng ký thi và xác định vào Nam làm việc khác.
Ngày xưa tôi nhìn thấy mẫu người của giáo viên rất chuẩn nên tôi muốn bám theo hình mẫu như vậy.
Khi thi đại học tôi hỏi một cô giáo mà tôi thần tượng (cô Quy).
Cô bảo: Cô thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây thế là tôi thi thẳng vào đấy luôn".
Cô Đặng Thị Ngọc công tác 23 năm, được nhận kỷ niệm chương, cô bị cắt hợp đồng trước khi nghỉ hưu (Ảnh: Vũ Ninh) |
Anh Tuấn và cô Quy đều tâm sự trong nước mắt khi nghĩ đến cảnh giáo viên hợp đồng. Đúng là những điều "nghe" thấy mà đau đớn lòng:
"Những thầy cô công tác được 10, 15 năm. Có những em phải nuôi lợn, làm nông nghiệp nó bấp bênh lắm. Nhìn những gương mặt lấm lem, bạc mặt ra vì lo lắng, đau xót lắm.
Có em hợp đồng thì đi phụ hồ. Chồng đi xây bảo: Em ở nhà nghỉ phụ anh đi xây được lương cao hơn.
Phu hồ được 200.000 đồng/ một ngày có phải lương cao hơn giáo viên không?
Trong khi đó đi dạy cũng làm việc như một viên chức bình thường, dạy sà sã ra như thế. Một tuần đi 4-5 buổi lương 1,2 triệu đồng thì hỏi sống làm sao được.
Một cô giáo đáng lẽ đi dạy người đấy, ngành cao quý đấy nhưng phải sống với mức lương như thế. Bản thân tôi ở nhà cũng phải làm nhiều việc thì mới có thể tồn tại được".
Đến ngày hôm nay, không cầm được lòng, cô Quy cứ ân hận tự trách mình: "Bây giờ nhận trái đắng tôi cứ ân hận vì mình đã chọn nhầm đường"
Và nếu không có những tiếng kêu xé lòng của hàng ngàn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội thì có ai biết từng ấy năm thầy cô của chúng ta vẫn đi dạy và vẫn đi phụ hồ.
Người ta hy vọng một tia ánh sáng ở cuối con đường nhưng chẳng thấy ánh sáng đó đâu chỉ thấy cánh cửa bỗng chốc khép lại.
Công tác 21 năm lương 1,2 triệu đồng
Vài ngày trước, báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết về trường hợp cô giáo hợp đồng Nguyễn Thị Phượng Anh tại huyện Mỹ Đức chỉ nhận 1,2 triệu đồng/ 1 tháng.
Nhiều ý kiến độc giả cho rằng không thể có chuyện đó, lương như thế là quá thấp. Nhưng thực tế này đang tồn tại và đã xảy ra hàng chục năm qua.
Có giáo viên hợp đồng được chào mời “chạy viên chức" với giá vài trăm triệu đồng |
Cô Nguyễn Thị Quy, thầy Nguyễn Văn Tuấn, cô Nguyễn Thị Phượng Ánh...và hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức chỉ được nhận mức lương 1.210.000 đồng/1 tháng.
Mức lương này còn không bằng với mức lương cơ bản hiện tại (Lương cơ bản hiện nay là 1.390.000 đồng trong khi lương giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức là 1.210.000 đồng).
Điều đáng nói dù công tác 1 năm hay 20 năm thì các giáo viên hợp đồng tại Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng/ 1 lần và không được đóng bảo hiểm:
"Đến thời điểm này chuyện giáo viên hợp đồng như chúng tôi chấp nhận cắt hợp đồng cũng không sao hết.
Tuy nhiên chúng tôi chỉ kêu cứu và mong muốn được nói lên tiếng nói của mình. Bản thân tôi đã công tác 21 năm trong ngành giáo dục.
Tôi được ký hợp đồng từ ngày 31/8/1998 đến ngày 31/8/1999. Kể từ đó đến nay tôi không được ký hợp đồng thêm một lần nào nữa.
Trong thời gian đó đến năm 2017 trên danh nghĩa chúng tôi được hợp đồng 1 năm với mức lương thời điểm năm 1998 là 180.000 đồng.
Bắt đầu từ năm 2018 giáo viên hợp đồng chỉ được ký hợp đồng 3 tháng".
Bên cạnh chế độ tiền lương, các giáo viên huyện Mỹ Đức còn không được đóng bảo hiểm. Cô Quy bức xúc:
"Điều tôi cảm thấy bất công là bản thân tôi công tác 21 năm nhưng chưa một năm nào được đóng bảo hiểm. Đến nay khi tôi chấm dứt hợp đồng thì ra về với 2 bàn tay trắng.
Chúng tôi mong muốn sẽ được huyện giải quyết những vấn đề về chế độ lương và bảo hiểm vì từng ấy năm cống hiến chúng tôi chỉ nhận lại trái đắng như thế này".
Lá đơn kêu cứu của giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức (Ảnh: Vũ Ninh) |
Hơn 50 giáo viên hợp đồng của huyện Mỹ Đức cũng gửi đơn kêu cứu mong muốn làm rõ vấn đề tiền lương và chế độ bảo hiểm. Nội dung đơn có đoạn:
"Ngay từ những ngày huyện Mỹ Đức còn thiếu giáo viên, chúng tôi đã nhận giảng dạy cho Huyện, với mức lương khởi điểm từ 180.000 đồng/ tháng.
Sau đó, được tăng dần theo mức lương tối thiểu của nhà nước đến nay là 1.390.000 đồng/ tháng nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhận được bằng mức lương tối thiểu như quy định( hiện nay chúng tôi được nhận mức lương là 1 210 000 đồng/ tháng) và không được hưởng chế độ đãi ngộ nào của luật bảo hiểm người lao động".
Cuối đơn các thầy cô cũng kiến nghị có một cơ chế nhân văn cho giáo viên hợp đồng trong huyện:
- Tiếp tục sử dụng hợp đồng đối với các giáo viên đang hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện.
- Chuyển tất các giáo viên hợp đồng ngắn hạn (3 tháng) sang hợp đồng dài hạn và được hưởng các chế độ theo đúng quy định.
- Truy thu bảo hiểm xã hội cho những giáo viên hợp đồng lâu năm
Nhiều giáo viên hợp đồng đặt câu hỏi: Việc huyện Mỹ Đức sử dụng lao động và trả lương thấp hơn mức lương cơ bản, ký hợp đồng 3 tháng 1 lần mà không phải trực tiếp do giáo viên ký, không đóng bảo hiểm cho người lao động có phải sai quy định pháp luật?
|