Phải lập tức cho ra khỏi ngành những thầy cô có con gian lận điểm thi

12/04/2019 06:35
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Phạm Tất Dong, “Cán bộ giáo dục có con được sửa điểm thì cần thiết phải xử lý nặng. Đã làm giáo dục mà còn gian lận thì còn ai tin vào giáo dục nữa".

Vụ việc gian lận điểm thi tại Sơn La đang khiến dư luận bức xúc khi có nhiều cán bộ, giáo viên dính líu. Đặc biệt, có tới 12 thí sinh là con em của cán bộ giáo dục và nhà giáo được nâng điểm trong tổng số 44 thí sinh bị phát hiện có gian lận điểm thi khiến những người làm giáo dục chân chính không thể buồn hơn.

Việc thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục không dạy được con mình mà dùng thủ đoạn nâng điểm thì quả là việc làm khó chấp nhận trong một nền giáo dục đang cố gắng đổi mới, nâng cao chất lượng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải cho ra khỏi ngành những nhà giáo và cán bộ giáo dục có con em được nâng điểm lần này.

Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn vov).
Thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam (ảnh nguồn vov).

Xung quanh việc này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam.

Theo thầy Dong: “Cán bộ giáo dục mà có con được sửa điểm thì cần thiết phải xử lý nặng. Đã làm giáo dục mà còn gian lận như vậy thì còn ai tin vào giáo dục được nữa”.

Thầy Dong phân tích, người ở ngoài sai phạm còn bị xử nghiêm, thì người trong ngành giáo dục phải thừa hiểu các sai phạm sẽ bị xử lý hình sự. Ngày xưa gian lận trong thi cử là chém đầu luôn.

Người ngoài ngành giáo dục đã không tha thứ được thì người trong ngành lại càng không thể tha thứ. Vì thế nên cho ra khỏi ngành càng sớm, càng tốt.

Thầy Phạm Tất Dong nhấn mạnh: “Thiếu gì cá nhân làm được việc. Mình thấy gian lận trong giáo dục nó hạ thấp nhân phẩm nhà giáo ghê gớm, không thể chấp nhận được”.

Vị này cũng rất đồng tình việc công khai danh tính phụ huynh và cần thiết phải làm triệt để đừng có lơ mơ chuyện này.

Phải lập tức cho ra khỏi ngành những thầy cô có con gian lận điểm thi ảnh 2Không công khai gian lận điểm thi là thiếu công bằng với Bí thư Triệu Tài Vinh

Trước đó, báo chí thông tin, trong danh sách 44 thí sinh gian lận điểm thi quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.

Đáng chú ý, trong số này có con một phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo đương nhiệm, con chánh thanh tra sở, con trưởng phòng giáo dục trung học, con một số chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, con hiệu trưởng, con giáo viên một số trường Trung học phổ thông trên địa bàn.

Mức điểm của các thí sinh "con em ngành" được chỉnh sửa cũng rất đa dạng, tổng điểm chênh giữa điểm công bố và điểm thực (sau khi chấm thẩm định) thấp nhất là 3 điểm, cao nhất lên tới 17,75 điểm. [1]

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đưa tin, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13.

Theo bà An: “Công khai danh tính thí sinh và phụ huynh trong vụ gian lận điểm thi là cần thiết.

Vì đây không phải là vấn đề bảo vệ trẻ em. Mà muốn các thí sinh này phát triển tốt thì phải nhận thức được sai lầm.

Các em đã là công dân 18 tuổi nên phải nhận thức được sai lầm và chịu trách nhiệm trước các hành vi của mình”.

Bà Bùi Thị An còn cho rằng: “Kể cả danh tính bố mẹ của các em cũng cần phải công khai.

Không có gì bí mật, công khai cũng không vi phạm quyền trẻ em.

Một nền giáo dục văn minh, thực chất thì phải công khai cái sai”.

Phải lập tức cho ra khỏi ngành những thầy cô có con gian lận điểm thi ảnh 3Một nền giáo dục văn minh thì cương quyết công khai thí sinh gian lận

Vị này nhấn mạnh: “Che giấu danh tính thí sinh, cha mẹ thí sinh là che giấu lỗi lầm, để người ta sai phạm tiếp.

Hãy chỉ thẳng lỗi lầm để sửa đổi, đó là cách để các em phát triển chuẩn mực, chứ không phải phát triển khập khiễng trên một nền dối trá.

Trong chuyện này dù lỗi từ phía các em hay gia đình thì cũng là sai lầm của các em, nên phải cho mọi người biết”.

Cuối cùng bà Bùi Thị An cho rằng: “Dứt khoát công khai danh tính để các thí sinh nhìn nhận ra sai lầm của mình.

Chỉ trên nền tảng sự thật phát triển đứng đắn thì nền giáo dục mới không dối trá tiếp theo nữa”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 9/4, xác nhận với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Trợ lý tuyển sinh Cục Đào tạo (Bộ Công an) cho biết, đến nay các trường công an đã làm các thủ tục để trả các em thí sinh có gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Hòa Bình về địa phương, nơi các em đăng kí sơ tuyển.

Trước đó, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định cho thấy: có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.

Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.

Tại Hòa Bình, đã có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và một thí sinh năm 2017) đã có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.

56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Trong đó, bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.

Tài liệu tham khảo:

1: https://tuoitre.vn/12-thi-sinh-vu-gian-lan-diem-thi-o-son-la-la-con-em-trong-nganh-giao-duc-20190410213622343.htm

Trinh Phúc