Thời gian gần đây lại xảy ra nhiều vụ học sinh đánh bạn một cách tàn nhẫn.
Xem clip, hàng ngàn người bình luận mắng chửi những đứa trẻ dại dột rằng chúng sống vô cảm, thiếu tình người trước nỗi đau của bè bạn.
Nữ sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Cẩm Bình bị một nữ sinh cùng lớp đánh túi bụi ngay trong lớp (Ảnh cắt từ clip) |
Hành động đứng nhìn bạn bè bị đánh, người cười cợt, người quay clip, người lặng thinh đều đáng bị lên án.
Thế nhưng, chúng ta cũng đừng chỉ biết mắng nhiếc bọn trẻ, mà hãy nhìn lại chính mình.
Hành động vô cảm của bọn trẻ hôm nay cũng có sự ảnh hưởng từ chính thói vô cảm, thiếu tình yêu thương con người của nhiều người lớn.
Người lớn vô cảm sao có thể dạy con trẻ?
Trong số chúng ta, mấy ai ra đường gặp cảnh trái ngang đủ dũng khí đứng lại để bảo vệ người yếu thế?
Gần đây nhất là cảnh một cô gái bị người yêu truy sát, dùng kéo đâm chết trên đường trước sự chứng kiến của không ít người đứng quanh đó. (1)
Nếu tất cả những người có mặt hôm ấy, cùng lên tiếng, cùng có hành động bảo vệ cô gái thì có thể sự việc đã không bi thương như vậy.
Thế nhưng họ chỉ đứng nhìn, quay phim và gọi điện thoại…!
Đã từng có không ít người bị tai nạn giao thông trên đường cần người đưa vào bệnh viện.
Nhưng có hàng trăm chiếc xe cứ nhìn cảnh tượng ấy rồi vụt qua trên đường.
Bạo lực học đường do sự vô cảm, thờ ơ của học sinh và người lớn |
Thậm chí có những người đứng ra chặn đầu xe, năn nỉ họ chở người tai nạn đến bệnh viện.
Đáp lại lời cầu xin khẩn thiết ấy là những cái xua tay dứt khoát, là sự lắc đầu đến cương quyết và lạnh lùng rồ máy, nhất ga lao vút đi.
Người lớn vô cảm sao dạy con trẻ giàu lòng thương người? Người lớn không hành động nghĩa hiệp sao có thể về dạy con cái “thấy bất bình chẳng tha"?
Tôi đã từng nghe, từng biết nhiều cha mẹ dạy con “Thấy đánh nhau phải tránh xa, đứng đó không phải đầu cũng phải tai”.
Hay “Bạn bè đánh nhau, con đừng dại gì vào can, lỡ bị họ đánh trúng hoặc bị bạn trả thù thì thiệt thân”…
Thầy cô cũng vô cảm với đồng nghiệp sao dạy học trò?
Ở trong nghề dạy học 25 năm, tôi rất đau lòng để nói rằng tỉ lệ những thầy cô giáo sống vô cảm với đồng nghiệp hiện nay chiếm tỉ lệ khá cao.
Họ vô cảm không phải thiếu tình thương với đồng nghiệp mà chính bởi sợ bị cấp trên trù dập, sẽ mang bất lợi đến cho bản thân.
Bởi thế, phần nhiều thầy cô đều chỉ biết lo cho chính mình, chấp nhận làm con rùa rụt cổ để đổi lấy bình yên mà mặc cho đồng nghiệp mình bị ức hiếp, bị xử tệ.
Bệnh vô cảm trong xã hội hiện đại |
Trong trường, kiếm một giáo viên biết lên tiếng trước bất công là vô cùng hiếm.
Giáo viên chỉ thật sự “nổi đóa” khi quyền lợi của chính mình bị xâm phạm (cũng có người còn không dám lên tiếng mà ngậm ngùi chấp nhận để được bình yên) chứ nói gì đứng lên bảo vệ ai?
Có người còn sẵn sàng đứng về phía Ban giám hiệu để chà đạp đồng nghiệp dù trong lòng họ thấy oan ức, vô tội.
Minh chứng rõ nhất là việc xin ý kiến tập thể để kỉ luật một giáo viên nào đó.
Nếu bỏ phiếu kín thì thầy cô giáo ấy còn có người bảo vệ. Nhưng khi hiệu trưởng yêu cầu giơ tay biểu quyết kỉ luật sẽ chẳng có mấy cánh tay không giơ lên.
Họ không giơ tay đồng nghĩa với việc chống đối lệnh hiệu trưởng, họ giơ tay là trực tiếp đẩy đồng nghiệp vào thế bất lợi.
Và vì quyền lợi của mình, nhiều thầy cô chấp nhận hy sinh tình bằng hữu để làm đẹp lòng cấp trên. (2)
Có một thực tế là ở nhà, cha mẹ sống vô cảm, ở trường thầy cô cũng chỉ lo sống ích kỉ cho riêng mình.
Bị bao vây giữa sự thờ ơ, vô cảm của người lớn như thế thử hỏi bọn trẻ sẽ thế nào? Thói vô cảm của người lớn đã làm cho những đứa trẻ hiền lương cũng trở nên vô cảm theo.
Xóa bỏ vô cảm, nhân rộng tình người ấm áp chúng ta đừng chỉ dùng lời lẽ lên án, chửi rủa mà cần phải hành động.
Mỗi người lớn phải tự thay đổi cách sống, cách nghĩ của mình để làm gương cho con trẻ.
Khi xã hội tràn ngập những điều tốt đẹp, "Người yêu người sống để yêu nhau" thì ắt hẳn các em cũng sẽ biết noi theo và những hình ảnh đau lòng về bạo lực như hiện nay cũng sẽ dần bị triệt tiêu.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/phap-luat/nu-nhan-vien-ngan-hang-bi-ban-trai-truy-sat-dam-lien-tiep-bang-keo-20190401130737760.htm{1}
https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Vua-o-truong-tieu-hoc-chuyen-chua-ke-bao-gio-post175424.gd{2}