Clip: Chỉ ở Việt Nam mới có lớp học "hai trong một" thế này!

28/11/2011 07:49
Xuân Hòa
(GDVN) -Đó là lời tâm sự chân thành đến xót lòng của người thầy giáo ở điểm trường bản Phà Coóng, trường Tiểu học Bắc Lý 1, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Điểm trường Phà Coóng, trường Tiểu học Bắc Lý 1 có 4 lớp với 20 học sinh. Tất cả các em đều là học sinh đồng bào dân tộc Khơ – Mú. Tuy điểm trường có 4 lớp nhưng lại chỉ có hai giáo viên nên lớp học được tổ chức học ghép. Các em lớp 1 học cùng với lớp 2, lớp 3 học chung với lớp 4.

Điểm trường Phá Coóng, trường tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
Điểm trường Phá Coóng, trường tiểu học Bắc Lý 1, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Bản Phà Coóng là một trong những bản nghèo nhất của xã Bắc Lý. Cả bản có 20 hộ gia đình đồng bào dân tộc Khơ – Mú nhưng chỉ có duy nhất một nhà không thuộc hộ đói nghèo.

Có lẽ nếu như không có bản ghi điểm trường tiểu học bản Phá Coóng và chiếc trống thì không ai nghĩ đây là một ngôi trường. Các phòng học được làm tạm bợ bằng tre, nứa đan xung quanh, phía trên được lợp bằng lá cọ đã mục nát gần hết. Mỗi lớp học tại đây cũng được bày biện một cách khá tềnh toàng với 3, 4 bộ bàn ghế gỗ khập khiễng để các em ngồi học. Vách ngăn giữa các lớp thì được ngăn cách xộc xệch bằng những cây nứa chẻ ra đan lại.

Những căn phòng học được làm tạm bợ bằng tranh tre đã mục nát không thể ngăn nổi những cơn gió giá buốt khi mùa đông đang đến gần
Những căn phòng học được làm tạm bợ bằng tranh tre đã mục nát không thể ngăn nổi những cơn gió giá buốt khi mùa đông đang đến gần

Khổ thế đó anh ạ! Cả bản có mỗi một hộ là thoát cảnh đói nghèo thì lấy đâu ra tiền mà xây dựng trường lớp. Mỗi năm cũng kêu gọi người dân đi sửa sang lại trường lớp một lần, nhưng do tre nứa cứ được thời gian lại mục nát hết”, cô giáo Vi Thị Nga , người đã hơn 10 năm dạy học tại đây buồn rầu cho biết.

Ngày nắng còn đỡ, chứ cứ vào mùa mưa rét, ngôi trường tạm bợ này không thể ngăn nổi mưa gió và cái giá rét của mùa đông. Có những hôm đang ngồi học, trời bỗng đổ mưa to, khiến nước dột, thầy cô và học sinh tuy đã khiêng bàn đổi chỗ khắp nơi, nhưng rồi chỗ nào cũng dột.

Khổ nhất là vào mùa đông, gió bấc rét cắt da, cắt thịt nơi miền sơn cước những vách nứa đơn sơ không thể chắn nổi những luồng gió rét xé tan lớp học. Các học sinh ở đây vì gia cảnh quá nghèo khó nên không có đủ áo ấm để mặc nên cứ rúm ró lại mỗi khi ngồi học.

Cứ đến những ngày mùa đông, có lẽ không nơi nào có cảnh một đống lửa cháy rực giữa lớp để xua tan cái lạnh cho cả cô và trò như ở đây. Giờ ra chơi, các em cũng không muốn ra khỏi lớp mà cứ ró rúm nơi bếp lửa để tránh cái rét.

Nhiều lúc vì thấy các em không chịu nổi rét nên mỗi lần về quê ở xuôi, các thầy, cô nơi đây lại đi từng gia đình người thân, hàng xóm xung quanh để quyên góp những chiếc áo ấm, cũ lên cho các em. Không chỉ thiếu áo ấm mà ngay cả dụng học tập từ sách vở và bút ... các em cũng thiếu thốn.

"Ở đây toàn 2 - 3 em dùng chung một cuốn sách thôi"!

Thầy Nguyễn Đình Tuấn, giáo viên lớp 3 và 4, điểm trường Phà Coóng chia sẻ: “Mùa đông lại sắp đến, tôi chỉ mong sao các em có áo ấm để mặc và ngôi trường được che chắn kín đáo để khỏi rét. Nhiều lần về quê xin được một tấm áo ấm của người lớn đưa cho các em mặc vào rộng thùng thình nhưng nhìn các em được ấm tôi cũng cảm thấy ấm lòng hơn”.

Đó có lẽ là lời tâm sự chân thành, đầy tình thương và mộc mác của người thầy giáo, cũng như các giáo viên đã cắm bản nhiều năm dành cho những học sinh vùng cao miền biên ải này.

Dưới đây là clip ghi lại giờ học "hai lớp chung một" tại trường Tiểu học Bắc Lý 1:

Xuân Hòa