Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Thật nguy hiểm khi những kẻ trực tiếp gây ta vụ gian lận điểm thi năm 2018 chủ yếu là người trong ngành giáo dục.
Đáng lưu ý khi hàng loạt các cấp phó, cấp trưởng phòng của các Sở Giáo dục và Đào tạo bị bắt, dư luận đã và đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm của các Giám đốc Sở các tỉnh này là gì khi để cấp dưới sai phạm.
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định mình với 2 cấp phó không liên quan nhưng sau đó 2 cấp phó của ông đều nhúng chàm (Ảnh: LC) |
Vai trò của người đứng đầu tại các Sở này có được thể hiện hay không hay đã hoàn toàn bị “tê liệt” và bị cấp dưới "bịt mắt"?
Tại Hà Giang là Vũ Trọng Lương (41 tuổi, Phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng và Nguyễn Thanh Hoài (50 tuổi, Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng.
Đặc biệt là 2 Phó Giám đốc của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang là Triệu Thị Chính (Sinh năm 1968) và Phạm Văn Khuông (Sinh năm 1959) đều là những đồng phạm gây ra bê bối trấn động ngành giáo dục.
Cần phải chú ý rằng trước đó, ông Vũ Văn Sử, lúc đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang khẳng định: “Chuyện tiêu cực, tôi và 2 phó giám đốc sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không. Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy. Tôi biết mình và hai phó giám đốc nên tôi mới nói là không”.[1]
Nhưng cuối cùng cả 2 cấp Phó của ông đều “nhúng chàm”.
Lúc này, ông Sử chỉ còn hơn 70 ngày nữa ông Sử nghỉ hưu. Lúc đó, dư luận tại tỉnh này còn cho rằng có một “chuyến tàu vét” trong hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Sử.
Gian lận điểm thi ngày càng lộ ra sự hư hỏng, suy đồi của nhiều cán bộ |
Tại Sơn La, khi xảy ra nghi vấn về điểm thi, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Sơn La đã nêu: “Kết quả thi của những thí sinh điểm cao ở Sơn La là do sự cố gắng nỗ lực của thầy cô, của bản thân các em, và cũng khó mà nói (giải thích) được việc cao, thấp. Anh em chấm theo đúng quy trình, quy định và cho ra kết quả như thế, còn làm sao tôi biết được!”.[2]
Nhưng sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, tiêu cực bị phanh phui, có tới 6 cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La bị Công an tỉnh Sơn La khởi tố bị can.
Ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho rằng: "Anh em chấm theo đúng quy trình, quy định và cho ra kết quả như thế, còn làm sao tôi biết được!" (Ảnh: Báo Lao động) |
Trong đó có 1 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là bị can Trần Xuân Yến, các bị can còn lại là Lò Văn Huynh - Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thanh Nhàn - Phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng, bà Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng Phòng Chính trị - Tư tưởng và Đặng Hữu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu.
Tại Hòa Bình, trước khi tiêu cực gian lận điểm thi bị phanh phui, ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình , khẳng định bài thi của học sinh trên địa bàn là khách quan, trung thực, không có gì bất thường cả và sẵn sàng mời Bộ Giáo dục và Đào tạo về thanh, kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài thi.
Phải trả lại trong sạch cho những lãnh đạo có con bị nâng điểm chứ nhỉ? |
Thế nhưng, cơ quan điều tra đã phát hiện ra hàng loạt các sai phạm về gian lận điểm thi tại tỉnh này.
Cho đến nay Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an đã chuyển kết luận, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 3 bị can:
Nguyễn Quang Vinh (53 tuổi) - nguyên Trưởng phòng khảo thí và Quản lý giáo dục; Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi) - Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông – Trung học cơ sở huyện Lạc Thủy và Nguyễn Khắc Tuấn (38 tuổi) - chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục.
Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Lý giải về phát ngôn trước khi phanh phui tiêu cực, ông Đắc cho rằng: “…Với trực quan của mình lúc đó, tôi nghĩ tôi có thể nói như thế được vì tôi tin tưởng vào anh em…”.[3 ]
Ông Bùi Trọng Đắc từng rất tin tưởng cấp dưới và cho rằng Hòa Bình không có sai phạm gian lận điểm thi. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện ra hàng loạt sai phạm. (Ảnh: TTXVN) |
Khác với 2 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La và Hà Giang, ông Bùi Trọng Đắc, đã gửi lời xin lỗi tới các bậc phụ huynh học sinh, các thầy cô giáo và các em học sinh vì đã để xảy ra điều đáng tiếc này.
Ông Bùi Trọng Đắc xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nội dung có liên quan đến công tác quản lý.[4]
Tuy nhiên, đến nay, việc chịu trách nhiệm của ông Đắc như thế nào dư luận chưa được biết tới.
Có thể thấy, trước khi cơ quan chức năng vào cuộc, các vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh có sai phạm đã hoàn toàn bị “bịt mắt” và đều cho rằng cơ quan mình hoàn toàn không tiêu cực.
Và cũng không ít câu hỏi đặt ra, các vị có còn xứng đáng ngồi ghế Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nữa hay không.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, Nguyên phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban kiểm tra Trung Ương cho biết:
Thầy Lê Viết Khuyến nói, gian lận thi quốc gia, cứ xử nặng Chủ tịch tỉnh là hết |
“Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã đặt rõ trách nhiệm người đứng đầu là một trong những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Như vậy, chúng ta cũng đã có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu rồi.
Cấp trên để cho cấp dưới sai phạm như vậy thì các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc, thẩm tra, xác minh làm rõ.
Những người đứng đầu không thể đứng ngoài cuộc được. Nhưng cần phải kiểm điểm rõ xem trách nhiệm họ đến đâu. Nếu trách nhiệm họ đến mức phải xử lý thì phải xử lý.
Không thể nói anh là cấp trên mà cấp dưới anh sai phạm mà anh lại không liên quan được. Anh cũng phải chịu trách nhiệm trước những việc làm của cấp dưới.
Dù anh không tòng phạm, dù anh không ủng hộ việc đó nhưng ít ra anh cũng là quan liêu. Không kiểm tra, không giám sát là khuyết điểm là vi phạm và là sai phạm rồi.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chúng ta đã có các quy định rồi, tùy theo mức độ để mà xử lý”, ông Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, ông Vũ Quốc Hùng cũng lưu ý: “Trước tình hình như hiện nay, các cấp các ngành, các cơ quan chức năng cần làm hết sức cẩn trọng, tránh gây ra những vấn đề làm phức tạp thêm tình hình.
Phải khẳng định rằng việc làm gian dối trong thi cử là việc làm xấu xa. Không thể chấp nhận được.
Các phụ huynh phải chịu trách nhiệm với các con cái của mình.
Các cơ quan quản lý về giáo dục cũng cần phải làm cho rõ ràng minh bạch nhằm trách lặp lại những điều tương tự sau này”.
* Tài liệu tham khảo:
[1] https://news.zing.vn/giam-doc-so-gd-dt-ha-giang-tieu-cuc-toi-tuyet-nhien-khong-post862155.html
[2] https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghi-van-diem-cao-bat-thuong-o-son-la-giam-doc-so-gddt-noi-gi-20180719225622052.htm
[3] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/giam-doc-so-gd-dt-hoa-binh-ly-giai-ve-phat-ngon-moi-bo-gd-dt-cham-lai-toan-bo-bai-thi-20180803180553503.htm
[4] https://baotintuc.vn/tuyen-sinh/giam-doc-so-gddt-hoa-binh-xin-loi-va-nhan-trach-nhiem-20180803193840387.htm